Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Bảy Tai Nạn Sau Cùng (Chương 14 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Bảy Tai Nạn Sau Cùng (Chương 14 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Giả thử bạn đang ngồi thoải mái trong cái ghế bành mà bạn thích nhất để coi máy truyền hình, thì thông cáo hiện ra trên màn ảnh, “Chúng tôi tạm ngưng chương trình này.” Sau đó, các hãng thông tin quốc tế phải ngưng báo cáo về chính trị địa phương và thay thế bằng các tin tức có tầm quan trọng lạ thường. Xướng ngôn viên chính của các đài phải suy nghĩ về ý nghĩa của các thiên tai chưa từng xảy ra trên trái đất này. Các báo chí viết những hàng đầu lớn cảnh giác các Cơ Đốc nhân về Cuộc Chiến Vĩ Đại đang đi tới giai đoạn cuối cùng. Những kẻ đi theo Sa-tan đang gặt hái hậu quả đau khổ tột độ do ảnh hưởng của các tai nạn. Nhưng Đức Chúa Trời đã che chở và cung cấp cách diệu kỳ cho dân sự Ngài trong thời kỳ khó khăn và khủng khiếp này.

Rồi trong lúc các phóng viên đang tra tự điển để tìm cách đánh vần chữ “Ha-ma-ghê-đôn,” thì trận chiến đã bùng nổ và trở thành một tin tức nóng bỏng nhất trong lịch sử—nếu còn ai sống sót để mà đọc tin đó!

Một số người đã lầm tưởng rằng Đức Chúa Giê-su có thể trở lại bất cứ lúc nào, giống như một trò chơi may rủi. Ngày Chúa tái lâm rất gần, nhưng nhiều biến cố đặc biệt sẽ xảy ra trước khi Ngài đến. Để được sẵn sàng khi Chúa phục lâm, chúng ta phải hiểu biết những điều Ngài đã dạy về các biến cố trong ngày cuối cùng.

Khải huyền 14:9, 10 miêu tả rõ tiến trình của các biến cố, và cho ta biết trước những tin tức cuối cùng của thế gian, “Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót trong chén thạnh nộ Ngài.”

Vậy trước khi Chúa tái lâm, dấu con thú sẽ được ban hành. Khải huyền 13:15-17 nói rằng dấu con thú sẽ bị bắt buộc đóng trên mọi tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, nhỏ và lớn, tự chủ và nô lệ. Chỉ những người mang dấu đó thì mới có quyền mua và bán, còn những người khác sẽ phải đương đầu với vấn đề đàn áp kinh tế và bị án tử hình. Trước khi Chúa Giê-su tái lâm, tất cả mọi người trên thế gian sẽ phải trải qua một sự thử nghiệm về lòng trung tín. Trong thời tiên tri Đa-ni-ên, sự thử nghiệm về lòng trung tín của ba người Hê-bơ-rơ đáng tôn trọng là điều răn thứ hai, cấm thờ hình tượng. Khi ba người Hê-bơ-rơ này không chịu vi phạm Luật pháp Đức Chúa Trời để thờ lạy hình tượng, thì họ bị kết án tử hình. Trong thời kỳ cuối cùng, vấn đề không phải là điều răn thứ hai, mà là điều răn thứ tư, nói về sự thờ phượng Đấng Tạo Hóa trong ngày Sa-bát của Ngài. Sẽ có hai hạng người: một hạng sẽ nhận dấu con thú, và một hạng sẽ nhận ấn của Đức Chúa Trời. Mỗi người sẽ đứng hoặc bên này hay bên kia. Sau khi người ta có sự lựa chọn cuối cùng, thì cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống.

Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống trong bảy tai nạn cuối cùng dành cho những kẻ nhận dấu con thú (Khải huyền 15:1 và 16:2). Những kẻ tuân theo lời truyền khẩu và luật lệ loài người, bỏ đức tin nơi Đấng Christ, sẽ phải chịu cơn thạnh nộ tột đỉnh của Đức Chúa Trời. Trong thời gian kinh khủng này, con cái Đức Chúa Trời vẫn còn sống và được ân điển Ngài che chở. Các tai nạn sẽ giáng chung quanh họ, nhưng sẽ không đụng tới họ. Dân sự Chúa sẽ trải qua cơn đại nạn và sẽ được chiến thắng.

Trước khi tai nạn giáng xuống, Đức Chúa Giê-su sẽ tuyên bố rằng, “Kẻ nào không công bình, cứ không công bình nữa; kẻ nào ô uế, cứ còn ô uế nữa; kẻ nào công bình, cứ làm điều công bình nữa; kẻ nào là thánh, cứ làm nên thánh nữa” (Khải huyền 22:11). Rồi, chỉ khi đó, công việc của Đấng Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta ở trên trời sẽ chấm dứt. Mọi người đã bị phán xét hoặc để hưởng sự sống hoặc sự chết đời đời. Cửa tình thương của Chúa sẽ đóng lại, mở đầu cho “thời kỳ hoạn nạn” đúng như trong sách Đa-ni-ên 12:1.

Không sự miêu tả nào về thời kỳ này trong lịch sử thế gian, có thể nói lên được thực trạng khi kẻ ác phải uống chén thạnh nộ không pha tình thương của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy đọc Khải huyền 16 nói về bảy tai nạn cuối cùng:

Tai Nạn Thứ Nhất. Tai nạn thứ nhất sẽ trút trên những kẻ ác là “ghẻ chốc dữ và đau” (câu 2) giống như ghẻ chốc cương mủ trên người Ê-díp-tô trong tai vạ thứ sáu (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:9). Nhiều học giả tin rằng đây là một thứ ung nhọt. Dầu là bệnh gì, chúng ta biết những ung nhọt trong tai nạn thứ nhất sẽ rất đau đớn, và giáng trên những người tuân theo luật lệ loài người thay vì điều răn Đức Chúa Trời. Ảnh hưởng của tai nạn này sẽ khiến trường học, hãng xưởng, tiệm buôn phải đóng cửa. Nhà thương sẽ đầy bệnh nhân, nhưng chính bác sĩ và y tá cũng bị đau đớn cùng một thứ bệnh.

Tai Nạn Thứ Hai. Rồi trong khi người ta đang đau đớn vì ghẻ chốc, thì tai nạn khác giáng xuống. “Vị thiên sứ thứ hai, trút bát mình xuống biển, thì biển biến ra huyết, như huyết người chết; phàm sinh vật ở trong biển đều chết hết” (câu 3). Thật là kinh khủng! Thật là hôi thúi khi các sinh vật chết dưới biển trôi dạt vào bờ. Người ta sẽ dẫm lên nhau trong lúc tranh chạy khỏi bãi biển.

Tai Nạn Thứ Ba. Các sông cùng các suối nước biến ra huyết (câu 4). Thử nghĩ! Một người mở vòi nước để uống, và thay vì nước, máu chảy ra! Còn điều gì tệ hơn chăng? Mặc dù những tai nạn thật rùng rợn và đáng kinh khiếp, nhưng sự trừng phạt của Đức Chúa Trời rất chính đáng. Một thiên sứ nói, “Ngài là công bình, vì Ngài đã phán xét thể nầy; bởi vì chúng nó đã làm đổ huyết của các thánh đồ cùng của các đấng tiên tri, và Ngài đã cho chúng nó uống huyết: thật là đáng lắm” (câu 5, 6). Trong lúc kẻ ác chết khát và không có chi để uống, ngoại trừ máu, thì người công bình được hứa, “bánh nó sẽ được ban cho; nước nó sẽ không bao giờ thiếu” (Ê-sai 33:16). Lời hứa này, bây giờ, có vẻ như một câu thơ, nhưng khi đó sẽ có giá trị hơn tất cả tiền của trong ngân hàng thế giới!

Tai Nạn Thứ Tư và Thứ Năm. Trong tai nạn thứ tư, mặt trời làm xém loài người bằng lửa và sức nóng; còn tai nạn thứ năm, thì tối tăm bao phủ khắp nơi; trong khi người ta còn đang khổ vì những tai nạn trước đó, bèn cắn lưỡi vì đau đớn. Câu này nói rằng các tai nạn không xảy ra trên toàn thế giới, cũng không tận diệt loài người ngay lập tức, vì những người bị tai nạn thứ năm vẫn còn đau đớn vì ghẻ chốc trong tai nạn thứ nhất.

Những tai nạn này lần lượt giáng xuống, chứ không phải cùng một lúc, vì ảnh hưởng của chúng chồng chất lên nhau, và gây sự khủng khiếp không thể diễn tả nổi.

Tai Nạn Thứ Sáu. Tai nạn thứ sáu là trận chiến tranh vĩ đại và cuối cùng, Ha-ma-ghê-đôn. Có ba tà thần, tiêu biểu cho “thần của ma quỷ,” sẽ “đi đến các vua trên khắp thế gian, để nhóm hiệp về sự chiến tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng” (câu 13, 14, 16). Ha-ma-ghê-đôn là trận chiến cuối cùng của các lực lượng tôn giáo nghịch lại dân sự của Đức Chúa Trời. Hết thảy mọi người đều tham gia vào trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Trong giờ phút cuối cùng, dường như dân sự Đức Chúa Trời sẽ bị tận diệt, thì tới giai đoạn chót của cuộc chiến: Đấng Christ sẽ tái lâm trong sự vinh hiển với đạo binh thiên sứ để tận diệt kẻ ác. Đó là trận Ha-ma-ghê-đôn.

Tai Nạn Thứ Bảy. Sau đó là tai nạn thứ bảy có “động đất lớn lắm, đến nỗi từ khi có loài người trên đất chưa hề có như vậy. . . . Mọi đảo đều ẩn trốn, các núi chẳng còn thấy nữa.” Cơn động đất này làm sụp đổ các thành phố và các núi non. Sau đó là những cục mưa đá lớn từ trên trời rớt xuống, mỗi cục nặng bằng một ta-lâng (Khải huyền 16:17, 18, 20-21).

Thi thiên 91:4 hứa rằng, “Ngài sẽ lấy lông Ngài mà che chở ngươi, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương náu mình.” Và Thi thiên 91:7-10 cho chúng ta sự bảo đảm tuyệt vời, “Song tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi. . . cũng chẳng có ôn dịch nào tới gần trại ngươi.”

TRẮC NGHIỆM – 14

1. Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố gì cho ta thấy cửa ân điển sắp đóng? (Bạn có thể đánh dấu nhiều câu).
___ A. Kẻ nào không công bình, cứ không công bình nữa.
___ B. Kẻ nào là thánh, cứ làm nên thánh nữa.
___ C. Ta đến đem phần thưởng cho mỗi người.
___ D. Tất cả các điều trên.
___ E. Không có các điều trên.
(Hãy xem Khải huyền 22:11, 12.)

2. Làm sao dân sự Chúa có thể tránh được sự chết trong thời kỳ bảy tai nạn sau cùng? (Bạn có thể đánh dấu nhiều câu).

___ A. Bởi huyết của Chiên Con.
___ B. Bởi lời làm chứng của mình.
___ C. Bởi chỉ lo công việc của mình.
___ D. Tất cả các điều trên.
___ E. Không có các điều trên.
(Hãy xem Khải huyền 12:11.)

3. o Đúng o Sai

Bảy tai nạn cuối cùng được Kinh Thánh gọi là “Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.”
(Hãy xem Khải huyền 15:1, 6-8; 16:1.)

4. o Đúng o Sai

Bảy tai nạn cuối cùng chỉ giáng xuống trên những kẻ có dấu con thú mà thôi, chứ không giáng xuống trên những người trung tín với Đức Chúa Trời.
(Hãy xem Khải huyền 14:9, 10; 16:2.)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *