Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Bốn Đế Quốc Tranh Chiến (Bài 8 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Bốn Đế Quốc Tranh Chiến (Bài 8 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Bài 8: Bốn Đế Quốc Tranh Chiến

Đoạn này là khởi đầu nửa phần sau của sách Đa-ni-ên. Phần này tập trung vào những sự hiện thấy của Đani-ên, phản ứng của ông, và sự khải thị về các biến cố sẽ xảy ra từ thời Đa-niên cho tới thời kỳ cuối cùng. Sáu đoạn sau này là phần tiên tri của sách Đa-ni-ên.

Chúng ta đã thấy Đa-ni-ên đoạn 2 trình bày sơ lược về sự dấy lên và sụp đổ của các đế quốc. Đoạn 7 cũng nói về những đế quốc như trong đoạn 2, nhưng miêu tả các biến cố cách sâu xa và chi tiết hơn. Hai đặc điểm được thêm vào đoạn 7 là: (1) sự xuất hiện và hoạt động của cái sừng nhỏ và (2) cuộc phán xét ở trên trời trước ngày Chúa phục lâm. Cuộc phán xét này sẽ dẫn đến sự hủy diệt quyền thế cái sừng nhỏ, và dân thánh của Đấng Rất Cao sẽ nhận lấy nước, quyền thế và sự vinh hiển đời đời. 2

BỐN CON THÚ

1. Đa-ni-ên đã thấy chiêm bao vào năm nào? (Đa-ni-ên 7:1).

a. Năm đầu đời vua Si-ru
b. Năm đầu đời vua Bên-xát-sa
c. Năm thứ hai đời vua Nê-bu-cát-nết-sa

Giấc chiêm bao trong đoạn này xảy ra vào năm đầu trị vì của vua Bên-xát-sa, vào khoảng 553 T.C. Giả thử Đa-ni-ên được 18 tuổi khi bị bắt làm phu tù vào năm 605 T.C., thì lúc này ông được 73 tuổi. Sự sụp đổ của Ba-by-lôn (đoạn 5) và kinh nghiệm của ông trong hang sư tử (đoạn 6) chưa xảy ra, vì các đoạn trong sách Đa-ni-ên không được sắp đặt theo niên đại thứ tự. Tuy vậy, năm mươi năm đã trôi qua từ khi có điềm chiêm bao trong đoạn 2.

2. Đa-ni-ên thấy gì trước hết trong chiêm bao? (Đa-ni-ên 7:2).

a. Bốn con thú
b. Bốn thiên sứ
c. Bốn hướng gió

Gió tiêu biểu cho chiến tranh, hay xung đột. Đức Giê-hô-va vạn quân phán, “Ta sẽ khiến bốn gió từ bốn phương trời thổi đến nghịch cùng Ê-lam, sẽ làm tan lạc chúng nó đến mọi gió đó . . .” (Giê-rê-mi 49:36).

3. Biển tượng trưng cho gì? (Khải huyền 17:15).

a. Các dân tộc
b. Chiến tranh
c. Sức mạnh

4. Đa-ni-ên thấy bao nhiêu con thú từ biển lên? (Đa-ni-ên 7:3).

a. 4
b. 7
c. 12

Bốn con thú từ biển đi lên. Gió xô xát trên biển tiêu biểu cho các dân tộc đang tranh chiến. Ê-sai 17:12 nói, “Các dân đông đảo làm xôn xao là dường nào, khác nào như biển gầm! Các dân tộc xông tới như nhiều nước đổ mạnh.”

5. Bốn con thú tượng trưng cho gì? (Đa-ni-ên 7:17, 23).

a. Bốn thiên tai
b. Bốn cuộc chiến
c. Bốn vua hay bốn đế quốc

Trong Đa-ni-ên đoạn 2, bốn đế quốc được tượng trưng bởi pho tượng lớn với nhiều thứ kim loại: đầu bằng vàng tượng trưng cho Ba-by-lôn; ngực và hai cánh tay bằng bạc, tiêu biểu cho Mê-đi Ba-tư; bụng và vế bằng đồng, tượng trưng cho Hy Lạp; ống chân bằng sắt, tiêu biểu cho La Mã; mười ngón chân phần bằng sắt, phần bằng đất sét, tượng trưng cho đế quốc La Mã bị phân chia làm mười nước. Đoạn 2 nói trước về lịch sử thế giới. Đoạn 7 xây trên những gì đã được khải thị trong đoạn 2, nhưng dùng những biểu tượng khác cho bốn đế quốc và thêm các chi tiết về đặc tính của mỗi đế quốc. Một quyền lực mới, cái sừng nhỏ, được giới thiệu trong đoạn 7.

Sự hiện thấy trong đoạn 7 miêu tả lịch sử thế giới không phải về mặt vinh hiển bề ngoài của các nước, nhưng về sự liên quan của họ với dân sự Đức Chúa Trời. Bốn con thú dữ tợn là hình bóng cho bốn nước hung hăng vì các nước ấy chống nghịch dân sự Đức Chúa Trời, luôn luôn sẵn sàng xông vào để cắn xé và hủy diệt. Những hình bóng này chỉ về các chính thể chuyên chế và tinh thần xâm chiếm. Thêm vào đó, các đế quốc này cũng ưa dùng các mãnh thú để làm tiêu biểu cho nước mình.

6. Con thú nào tượng trưng cho nước Ba-by-lôn? (Đa-ni-ên 7:4).

a. Con beo
b. Con sư tử
c. Con gấu

Vàng, kim loại quý nhất, đã được chọn để tiêu biểu cho Ba-by-lôn trong đoạn 2, thì sư tử là chúa các loài thú, và chim ưng là vua các loài chim cũng được dùng để tiêu biểu cho Ba-by-lôn trong thời gian thịnh vượng nhất. Đế quốc Ba-by-lôn mạnh như sư tử, và nhanh như chim ưng trong các cuộc chinh phục. Có hai tiên tri đã dùng hình bóng này. Chúa phán trong Giê-rê-mi 50:17, “Y-sơ-ra-ên là một con chiên tan lạc, bị sư tử đuổi theo. Trước hết vua A-si-ri đã vồ nuốt nó; nay sau hết Nê-bu-cátnết-sa, vua Ba-by-lôn, đã làm tan xương nó ra.” Ha-ba-cúc 4 1:6-8 nói, “Ta khiến người Canh đê dấy lên . . . Những lính kỵ nó đến từ phương xa; chúng nó bay như chim ưng . . .” Sư tử có cánh chim ưng là tiêu biểu rất thích hợp cho Ba-by-lôn.

7. Việc gì xảy ra cho con sư tử có cánh chim ưng? (Đa-ni-ên 7:4).

a. Cánh của nó bị nhổ
b. Con sư tử bị cất lên khỏi đất
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Những người kế vị Nê-bu-cát-nết-sa không noi theo gương của vua và cũng không nghe những lời dạy dỗ khôn ngoan của tiên tri Đa-ni-ên. “Nó được ban cho lòng loài người” chứng tỏ bản tính của Ba-by-lôn thay đổi sau khi Nê-bu-cát-nết-sa chết. Các vua kế tiếp buông mình theo những điều vô đạo đức và say sưa trong những bàn tiệc. Nước Ba-by-lôn bị suy đồi mà còn phải chống đối với những kẻ thù nghịch và dẹp những sự chia rẽ trong nước. Các cánh của sư tử bị nhổ đi và nó bị cất lên khỏi đất chỉ về thời cuối cùng của sự chinh phục và sự suy đồi của Ba-by-lôn cho đến khi bị Si-ru hủy diệt hoàn toàn.

8. Con thú nào tượng trưng cho đế quốc thứ hai? (Đa-ni-ên 7:5).

a. Con sư tử
b. Con gấu
c. Con beo

Gấu là một con thú rừng, chậm chạp nhưng mạnh lắm. Nó thường ở trên núi cao. Hình bóng này rất thích hợp cho tính tình của người Mê-đi Ba-tư. Nó đứng nghiêng nửa mình, nghĩa là nó dự bị xông vào đánh. Nó cực kỳ dữ tợn, vì nó cắn nuốt nhiều thịt. Theo các sử gia thời xưa thì Mê-đi và Ba-tư là những dân chinh phục tàn bạo nhất. Những di tích của các vua để lại miêu tả sự hung ác của họ. Thí dụ: cảnh vua ngồi trên ngai dùng giáo đâm lủng mắt những tù nhân khốn khổ bị trói quỳ trước mặt.

Ba cái xương sườn mà con gấu ngậm trong miệng chỉ về ba cuộc chinh phục lớn nhất của người Mê-đi và Ba-tư. Ba nước bị chinh phục là Ly-đi, Ê-díp-tô và Ba-by-lôn. Ba nước ấy hiệp nhau để ngăn chặn sự tiến tới của Si-ru. Trong đời Si-ru, người 5 Ba-tư thắng trận, nhưng không bao lâu họ yếu dần. Rồi trong trận chiến Arbela năm 331 T.C. với Hy Lạp, lực lượng họ bị đánh tan tành, và A-lịch-sơn Đại đế xâm lấn đến cả Ba-by-lôn.

9. Con thú nào tượng trưng cho đế quốc thứ ba là Hy Lạp? (Đa-ni-ên 7:6).

a. Con beo
b. Con gấu
c. Con sư tử

Con beo có tiếng là lẹ làng. Điều này là hình bóng rất đúng về bản tính của người Hy Lạp. Bốn cánh ở trên lưng chỉ về sự lẹ làng lạ lùng của A-lịchsơn Đại đế trong những cuộc chinh phục làm bá chủ thế giới. Trong khoảng không đầy mười năm, vua đã đánh bại thế giới văn minh và thống nhất Đông phương và Tây phương. Người ta bình luận rằng vua đi chinh phục các nước rồi chỉnh đốn các nước lại cách mau chóng như một nhà du lịch đi qua các nước. Vua đã chinh phục đế quốc Mê-đi Batư khi mới 25 tuổi. Nhưng quyền cai trị lớn lao ấy cũng chỉ là nhất thời, và sau một buổi uống rượu say sưa quá độ, vua đã chết vì cơn nóng sốt dữ dội ngày 13 tháng 6, năm 323 T.C., lúc mới 32 tuổi. Sự chết của A-lịch-sơn Đại đế cũng mau chóng như các cuộc chinh phục của vua.

10. Con beo có bao nhiêu đầu? (Đa-ni-ên 7:6).

a. 4
b. 7
c.12

Bốn đầu của con beo tượng trưng cho bốn nước do sự phân chia đế quốc Hy Lạp sau khi A-lịch-sơn Đại đế băng hà. Khi sức khỏe của vua suy tàn, các tướng lãnh lặng lẽ đi ngang qua giường cúi chào vĩnh biệt. Vì quá yếu đuối, vua không nói được mà chỉ gật đầu đáp lễ. Ông không chỉ định người kế vị. Ngay trước khi mai táng vua, các tướng lãnh đã tranh dành quyền lực. Sau hơn hai mươi hai năm tranh chiến đẫm máu, năm 301 T.C., bốn tướng chia quyền cai trị bốn miền như sau:

(1) Cassander ở phương tây, lấy Ma-xê-đoan và Hy Lạp,

(2) Lysimachus ở phương bắc, lấy Thrace và Tiểu Á,

(3) Ptolemy ở phương nam, lấy Ê-díp-tô và Ả-rạp,

(4) Seleucus ở phương đông, lấy Ba-by-lôn và Sy-ri.

11. Con thú thứ tư tượng trưng cho đế quốc La Mã, có răng bằng gì? (Đa-ni-ên 7:7).

a. Vàng
b. Sắt
c. Đồng

Đến đế quốc thứ tư thì không có một con thú nào diễn tả được hết đặc tính độc ác của nó. Xin để ý sự tương đồng giữa những chân bằng sắt trong đoạn 2 và những cái răng bằng sắt trong đoạn 7; điều này chỉ cho thấy chính thể quân chủ sắt đá của La Mã. Nó khác hết thảy các đế quốc trước. Đó là một nước theo quân quốc chủ nghĩa, chuyên chinh phục bởi sức mạnh tàn ác.

Con thú thứ tư có một sức mạnh phi thường, nắm giữ các nước trong nanh vuốt mình. Đế quốc này lớn nhất và lâu dài nhất trên thế gian. La Mã cắn nuốt các nước bằng những răng bằng sắt, cướp bóc thế gian, dùng chân giày đạp những vật còn lại sau những cuộc chinh phục bởi các trò giải trí vô nhân đạo và sự bắt dân bại trận làm nô lệ.

12. Con thú thư tư có mấy sừng? (Đa-ni-ên 7:7).

a. 7
b. 10
c. 12

Mười cái sừng tương tự như mười ngón chân của pho tượng trong Đa-ni-ên đoạn 2. Đây chỉ về sự phân chia đế quốc La Mã ra làm mười nước ở Âu Châu từ năm 351 tới năm 476 S.C. như chúng ta đã học trong đoạn 2. Mười nước này là:

(1) Anh (Anglo Saxon)

(2) Pháp (Franks)

(3) Đức (Alemanni)

(4) Ý Đại Lợi (Lombards)

(5) Tây Ban Nha (Visigoths)

(6) Thụy Sĩ (Burgundians)

(7) Bồ Đào Nha (Suevi)

(8) Ostragoths

(9) Heruli

(10) Vandals

BA-BY-LÔN

MÊ-ĐI BA-TƯ

HY-LẠP

LA MÃ

Bốn đế quốc trong Đa-ni-ên 2

13. Đa-ni-ên thấy cái gì mọc lên giữa những cái sừng? (Đa-ni-ên 7:8).

a. Một cái sừng lớn
b. Một con thú nhỏ
c. Một cái sừng nhỏ

Đây là một thế lực không hề được nhắc đến trong Đa-ni-ên đoạn 2. Những miêu tả của Đa-ni-ên về công việc của cái sừng nhỏ này là hoàn toàn mới và không hề được nói đến trước đó. Trong bài kế tiếp chúng ta sẽ cùng nhau nhận diện cái sừng nhỏ này.

TÓM LƯỢC

1) Đức Chúa Trời dùng các loài thú dữ để miêu tả bản tính bốn nước: hung ác, ưa hủy phá, có tinh thần tranh chiến và xâm lăng.

2) Trong sự khôn ngoan vô cùng của Đức Chúa Trời, các nước được dùng để hoàn thành mục đích Ngài. Nước Ba-by-lôn có trách nhiệm sửa phạt dân Y-sơ-ra-ên thờ hình tượng và phạm luật pháp Ngài. Nước Mê-đi Ba-tư giải phóng người Y-sơ-raên và tu bổ nước Giu-đa. Người Hy Lạp truyền bá ngôn ngữ mình để sửa soạn dân chúng sẵn sàng cho việc rao truyền Phúc Âm. Người La Mã, trong lúc đi chinh phục các dân tộc, phá hủy hết ranh giới các nước và mở mang đường sá khiến cho sự giao thông được tiện lợi. Như vậy, Đức Chúa Trời điều khiển lịch sử thế gian để hoàn thành mục đích Ngài.

QUYẾT ĐỊNH

o Tôi biết Chúa là Đấng nắm giữ tương lai nên tôi muốn giao phó cuộc đời tôi cho Ngài và xin Ngài hoàn thành mục đích Ngài trong đời tôi.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên
Kiểm Tra 8

1) Con thú nào tượng trưng cho Ba-by-lôn và có đặc điểm gì?

________________________________________________

2) Con thú nào tiêu biểu cho Mê-đi Ba-tư và có đặc điểm gì?

________________________________________________

3) Con thú nào tượng trưng cho Hy Lạp và có đặc điểm gì?

________________________________________________

4) Con thú nào tượng trưng cho La Mã và có đặc điểm gì?

________________________________________________

5) Tại sao các thú dữ được dùng để tiêu biểu cho các nước

này?

________________________________________________
________________________________________________
________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 08 – Bon De Quoc Tranh Chien

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 08 – Danien

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *