Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Các Vua Tranh Chiến (Bài 19 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Các Vua Tranh Chiến (Bài 19 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

BÀI 19. CÁC VUA TRANH CHIẾN

Những lời tiên tri về tương lai trong sách Đa-ni-ên, không có lời nào miêu tả rất chi tiết như trong Đa-ni-ên 11. Những lời tiên tri trong đoạn này ứng nghiệm rất chính xác và rõ ràng về lịch sử đến nỗi Porphyry, một sử gia Sy-ri vào thế kỷ thứ 3 S.C. tuyên bố, “Không ai có thể nói tiên tri về lịch sử cách chính xác như vậy.” Một số người nghĩ rằng có thể những biến cố này được viết sau khi sự việc đã xảy ra. Nhưng ai đã nghiên cứu sách Đa-ni-ên sẽ không ngạc nhiên vì thấy rằng Đức Chúa Trời biết trước tương lai, những lời tiên tri của Ngài luôn luôn chính xác, và lịch sử đã chứng minh điều đó.

Khi khải thị những sự hiện thấy trong đoạn này, thiên sứ không dùng hình bóng như trong các đoạn 2, 7 và 8 với những con thú và các sừng, nhưng những sự kiện xảy ra ở đây cũng không dễ hiểu, vì được dùng như các ám hiệu; tuy vậy, nếu chú tâm nghiên cứu, chúng ta cũng có thể hiểu được. Phản ứng đầu tiên của nhiều người là ước mong Đức Chúa Trời nói rõ ràng hơn. Nhưng thật ra Ngài không nói rõ những chuyện này vì sự lợi ích cho chúng ta. Ngài đã cố ý bỏ những tên và ngày tháng của những biến cố quan trọng để khuyến khích chúng ta nghiên cứu lịch sử và so sánh những điều Ngài phán với những gì chúng  ta khám phá được. Thật rất thích thú khi chúng ta khám phá và hiểu được những lời tiên tri mà lúc đầu dường như bí ẩn đối với chúng ta. Hơn nữa, chỉ những ai siêng năng học và tìm hiểu lời Chúa thì Ngài mới ban Đức Thánh Linh để giúp họ hiểu được những sự mầu nhiệm của Ngài mà thôi.

Trong sự hiện thấy này cũng như trong một bức tranh vẽ toàn cảnh: những vật nào ở gần thì thấy rõ ràng hơn, càng đi xa thời kỳ tiên tri bao nhiêu thì các chi tiết càng ít hơn bấy nhiêu, chỉ có những việc quan trọng lắm mới hiện ra cách rõ ràng mà thôi.

CHIẾN TRANH GIỮA BA-TƯ VÀ GỜ-RÉC

Điều khác biệt giữa sự hiện thấy trong đoạn 11 và sự hiện thấy trong những đoạn khác là đoạn này nói đến những cá nhân hơn là đến các đế quốc. Khi dùng chữ “vua”, thiên sứ muốn nói “vua” như một cá nhân, chứ không có nghĩa là một nước như trong các đoạn khác.

1. Thiên sứ Gáp-ri-ên đã làm gì vua Đa-ri-út? (Đa-ni-ên 11:1).

a. Tiêu diệt vua
b. Giúp đỡ và ban thêm sức cho vua
c. Bỏ mặt vua

Câu này tiếp theo câu 21 đoạn 10, khi thiên sứ Gáp-ri-ên đang nói với tiên tri Đa-ni-ên trong sự hiện thấy vào năm thứ ba đời vua Si-ru (10:1). Thiên sứ nhắc cho Đa-ni-ên nhớ rằng hai năm trước (Đa-ni-ên 9:1), vào năm thứ nhất đời vua Đa-ri-út, khi Đa-ni-ên tha thiết cầu nguyện cho sự giải phóng dân Y-sơ- ra-ên, thì Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ đến giúp đỡ vua Đa-riút và làm cho người nên mạnh. Chi tiết này giúp giải nghĩa tại sao vua Đa-ri-út thương yêu Đa-ni-ên và cố hết sức tìm cách cứu người khỏi bị quăng vào hang sư tử (Đa-ni-ên 6:14).

2. Có mấy vua nữa sẽ dấy lên? (Đa-ni-ên 11:2).

a. 1
b. 3
c. 5

Đa-ni-ên được sự hiện thấy này trong đời vua Si-ru. Sau khi vua Si-ru băng hà, ba vua được đề cập trong đoạn này là Cambyses (530-522 T.C.), Smerdis (522 T.C.), Darius I (522- 486 T.C.).

3. Thiên sứ nói gì về vua thứ tư? (Đa-ni-ên 11:2).

a. Có nhiều của cải
b. Có nhiều vợ con
c. Bạc mệnh

Vua thứ tư là Xerxes [Xét-xe] (486-465 T.C.), Kinh Thánh gọi là A-suê-ru, phu quân của Hoàng hậu Ê-xơ-tê (E-xơ-tê 1, 2). Vua A-suê-ru có tiếng là giàu có và xa hoa, vì được thừa hưởng gia tài của các vua trước để lại; nhờ vậy mà quyền thế của đế quốc Ba-tư lên đến cực điểm. Đức Chúa Trời đã hứa ban sự giàu có cho vua Si-ru trong Ê-sai 45:3, “Ta sẽ ban vật báu chứa trong nơi tối, của cải chứa trong nơi kín cho ngươi.” Vua Xétxe thừa hưởng của ông cha không những sự giàu có, nhưng tham vọng muốn chinh phục Hy Lạp. Vua liên kết 40 nước và tập hợp một đạo binh hùng hậu, hơn 300,000 quân lính, khai chiến với Hy Lạp tại Salamis (480 T.C.) và Plataea (479 T.C.) – nhưng như lời tiên tri đã dự ngôn, đạo binh của vua bị thất trận hoàn toàn.

4. Ai tranh chiến cùng vua A-suê-ru? (Đa-ni-ên 11:3).

a. Sa-tan
b. Thiên sứ
c. Một vua mạnh

Vị vua mạnh mẽ này không ai khác hơn là A-lịch-sơn Đại đế. Chúng ta đã học trong Đa-ni-ên 8:4, 20 là Hy Lạp sẽ xâm chiếm Mê-đi Ba-tư. Cuộc chinh phục của vua rất nhanh chóng: trong tám năm vua chinh phục nhiều nước và không ai ngăn cản được bước tiến của vua. Nhưng như lời tiên tri đã dự ngôn, sự cai trị của A-lịch-sơn không được lâu dài (336-323 T.C.).

5. Việc gì sẽ xảy ra cho Hy Lạp sau khi A-lịch-sơn băng hà? (Đa-ni-ên 11:4).

a. Phe-rơ-sơ lên ngôi bá chủ
b. Đế quốc bị chia ra
c. Kết thúc lịch sử thế giới

Năm 323 T.C., A-lịch-sơn Đại đế đã lên đến tuyệt đỉnh của vinh quang, nhưng vua chết thình lình năm 33 tuổi vì phóng đãng và uống rượu say sưa. Vài năm sau thì hoàng tộc của vua bị giết hết và đế quốc được chia ra cho bốn tướng cai trị, đúng như lời tiên tri đã nói trước: Cassander phía tây, Lysimachus 4 phía bắc, Seleucus phía đông, và Ptolemy phía nam. Ghi nhận sự tương đồng giữa Đa-ni-ên đoạn 2, 7, 8 và 11.

VUA PHƯƠNG NAM

Danh từ “vua phương bắc” và “vua phương nam” thường được dùng trong Đa-ni-ên 11. Chúng ta cần hiểu lời tiên tri để nhận diện những nước này. Sau khi vua A-lịch-sơn băng hà, đế quốc Hy Lạp bắt đầu tan rã một cách nhanh chóng vì có những cuộc nội chiến liên miên, cuối cùng được chia ra làm bốn phần. Nhưng lời tiên tri không đề cập đến những phần khác mà chỉ chú ý tới hai phần: đó là hai nước ảnh hưởng tới dân Y-sơ-ra-ên. Seleucus Nicator cai trị Sy-ri và Ạc-mê-ni được gọi là “vua phương bắc”, còn Ptolemy Soter cai trị Ai Cập và Li-by được gọi là “vua phương nam,” tức là hai nước ở phía bắc và nam của Palestine. Hai vùng này được Đức Chúa Trời sửa soạn cho những biến cố tương lai có ảnh hưởng tới “Đất vinh hiển”, vì thế mà Ngài khải thị cho tiên tri Đa-ni-ên những hoạt động của vùng này. Hai nước cứ tranh chiến mãi cho đến khi nước La Mã thừa những sự xung đột của họ để chiếm từng nước một. Lời tiên tri nói rất chi tiết về thời kỳ này, vì người Giuđa phải chịu những ảnh hưởng của các trận chiến tranh ấy, và phải trải qua nhiều năm khổ sở. Từ năm 301 đến năm 212 T.C., nước Palestine thuộc quyền cai trị của Ai Cập, nhưng sau đó thì lại ở dưới quyền cai trị của Sy-ri.

6. Kinh Thánh nói gì về vua phương nam? (Đa-ni-ên 11:5).

a. Vua sẽ được mạnh
b. Một trong các tướng sẽ mạnh hơn vua
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Vua Ai Cập, Ptolemy I Soter (323-280 T.C.), được mạnh mẽ ngay từ đầu. Vua sát nhập Cyprus, Phoenicia, Cyrene và nhiều thành phố khác vào Ai Cập, vì vậy nước của vua được mạnh. Nhưng một vị tướng “mạnh hơn” vua là Seleucus I Nicator. Vị tướng này lúc đầu chiếm miền đông của đế quốc Hy Lạp, nhưng ông bị một vị tướng khác đánh bại, và phải chạy qua Ai Cập để được an toàn. Ptolemy tiếp đãi ông rất đặc biệt, và giúp ông có một đạo binh mới. Seleucus đuổi được kẻ thù ra khỏi miền đông, và đẩy Lysimachus ra khỏi Sy-ri. Vua sát nhập Ma-xê-đoan và Thrace vào Sy-ri, như thế ông làm bá 5 chủ ba phần tư lãnh thổ của đế quốc Hy Lạp thời xưa, và thiết lập một nước mạnh hơn nước Ai Cập. Thật đúng như lời Kinh Thánh đã nói trước.

VUA PHƯƠNG BẮC

7. Hai vua dùng cách nào để đồng minh với nhau? (Đa-ni-ên 11:6).

a. Gả công chúa phương nam cho vua phương bắc
b. Vua phương nam dâng của cải cho vua phương bắc
c. Hai vua cùng ký hiệp ước hòa bình

Hai nước Sy-ri và Ai Cập thường tranh chiến với nhau, đặc biệt là giữa Ptolemy II Philadelphus và Antiochus II Theos. Họ đồng ý ký hòa ước với điều kiện là Antiochus phải bỏ vợ là Laodice và hai con trai của bà để cưới Berenice, con gái của Ptolemy Philadelphus. Kết quả của cuộc hôn nhân này là một bé trai ra đời.

Sau khi vua Philadelphus băng hà thì Antiochus II bỏ Berenice mà lấy lại người vợ cũ là Laodice. Nhưng Laodice trở nên cay đắng, liền trả mối thù xưa: đầu độc vua, đặt con mình lên ngôi, giết Berenice và con trai bà cùng những người Ai Cập hầu cận của bà. Vì thế tình giao hảo của hai nước bị tan vỡ và các trận chiến lại nổi lên. Thật diệu kỳ thay! Đức Chúa Trời đã khải thị những chi tiết này ba trăm năm trước khi sự việc xảy ra.

PHƯƠNG BẮC VÀ PHƯƠNG NAM TRANH CHIẾN

8. Ai đã trả thù cho công chúa Ai Cập? (Đa-ni-ên 11:7, 8).

a. Anh của công chúa
b. Chồng của công chúa
c. Con của công chúa

Vua Ptolemy III Euergetes (246-221 T.C.), anh của Berenice, đứng lên trả thù cho em gái mình. Vua đem quân đội đánh Syri và được thắng, giết Laodice. Khi trở về, vua đem theo rất nhiều chiến lợi phẩm bằng vàng, bạc và 2500 tượng thần mà Cambyse khi xưa đã lấy từ Ai Cập đem về Ba-tư. Dân sự rất sung sướng vì tìm lại được các thần cũ, nên tôn Ptolemy với danh hiệu là Euergetes, nghĩa là bậc ân nhân. Ptolemy III rất thỏa mãn về chiến công của mình, nên không tấn công Sy-ri nữa trong suốt đời vua. Lời tiên tri đã nói đúng từng chi tiết.

9. Phản ứng của vua phương bắc thế nào về sự xâm chiếm của Ai Cập? (Đa-ni-ên 11:9).

a. Đầu phục
b. Trả thù
c. Trốn chạy

Năm 242 T.C., Seleucus II Callinicus tái lập lại quyền thế và đem quân đi đánh vua phương nam để hy vọng lấy lại vàng bạc đã bị cướp, nhưng đạo binh của vua bị đánh tan, vua bị thương nặng và phải trở về tay không!

10. Ai đã trả thù cho vua phương bắc? (Đa-ni-ên 11:10).

a. Em trai của vua
b. Cận thần của vua
c. Hai người con trai của vua

Seleucus II để lại hai người con trai. Seleucus III Ceraunos hết lòng dự bị để phục thù nước Ai Cập, nhưng bị đầu độc bởi các tướng của mình sau khi trị vì được ba năm (225-223 T.C.). Em vua là Antiochus III Magnus Đại đế lên thay thế (223-187 T.C.). Vua này đem một đạo binh hùng hậu tranh chiến cùng Ai Cập, lấy lại được Gaza, Phoenicia, Palestine, và tiến đến Raphia, giáp ranh giới Ai Cập.

11. Vua phương nam phản công thế nào? (Đa-ni-ên 11:11).

a. Vua phương nam thua trận
b. Đánh bại vua phương bắc
c. Vua phương nam giải hòa cùng vua phương bắc

Vua phương nam Ptolemy IV tức giận về sự khai chiến của vua phương bắc, nên tập trung hết thảy các lực lượng chống lại Antiochus III trong trận chiến Raphia (217 T.C.). Như lời tiên tri đã dự ngôn, đạo binh của vua phương bắc tuy hùng hậu hơn nhưng bị thất trận. Hơn 10,000 lính bộ binh bỏ xác nơi chiến trường, và 4,000 người bị bắt làm tù binh. Ai Cập chiếm lại được một phần lãnh thổ trong đó có Palestine. Nhưng sự chiến thắng không bền lâu vì Ptolemy IV vốn là người trụy lạc.

12. Vua phương bắc làm gì sau khi bị thất trận? (Đa-ni-ên 11:13).

a. Sống ẩn dật
b. Chiêu mộ thêm binh lính
c. Bị ám sát

Trong những năm 212-204 T.C., Antiochus III sửa soạn cơ binh lớn để tranh chiến với Ai Cập, hy vọng lấy lại lãnh thổ đã bị mất. Năm 203 T.C., Ptolemy IV và hoàng hậu chết cách bí mật, có lẽ bị đầu độc, để lại ấu vương Ptolemy V lên ngôi khi mới 5 tuổi. Antiochus lợi dụng cơ hội này để chinh phục Ai Cập.

13. Kinh Thánh nói thế nào về vua phương nam? (Đa-ni-ên 11:14).

a. Nhiều người nghịch cùng vua
b. Vua có thêm đồng minh
c. Nước của vua sẽ phồn thịnh

Vua Antiochus III Magnus không chỉ là người chống lại ấu vương Ptolemy V, nhưng Agathocles, thủ tướng của Ai Cập, đứng lên thay vua trị nước, rất kiêu hãnh về địa vị của mình nên các tiểu quốc dấy lên phản loạn. Đồng thời Phi-líp của Ma-xê-đoan liên kết với Antiochus để lập mưu phân chia Ai Cập. Lợi dụng sự khủng hoảng của Ai Cập, năm 201 T.C., 16 năm sau chiến trận Raphia, Antiochus III đem quân đánh vua phương nam lần thứ hai.

QUYỀN LỰC MỚI XUẤT HIỆN

14. Một quyền lực mới nào sẽ xuất hiện? (Đa-ni-ên 11:14).

a. Quyền lực Hy Lạp
b. Quyền lực La Mã
c. Quyền lực Ai Cập

Một quyền lực mới được giới thiệu ở đây. Xa xa bên bờ sông Tiber, một nước đã ôm ấp những tham vọng và kế hoạch đen tối. Lúc đầu thì nhỏ bé và yếu ớt, nước này đã lớn lên nhanh chóng. Từ đây một quyền thế mới xuất hiện trong lịch sử, “những kẻ hủy diệt dân ngươi” (KJV) tức là người La Mã can thiệp vào việc tranh chấp giữa các nước. Thấy nước nguy nan, triều đình Ai Cập liền phái đại biểu đến La Mã xin bảo hộ cho ấu vương Ptolemy V. La Mã can thiệp vào cuộc chiến để bảo vệ Ai Cập khỏi sự xâm lăng của Antiochus và Phi-líp. Hai vua này quên rằng ấu vương của Ai Cập ở dưới quyền bảo hộ của La Mã. Vì thế La Mã lập tức khai chiến với vua Phi-líp và bắt Antiochus làm hòa với Ai Cập. Hết thảy các nước thù nghịch của Ai Cập đều lần lần ngã trước thế lực rất mạnh của người La Mã. Năm 200 T.C., lần đầu tiên La Mã can thiệp vào việc giữa Sy-ri và Ai Cập. Chúa đã dấy lên La Mã để chống lại hai nước này.

“Hầu cho ứng nghiệm sự hiện thấy.” La Mã đã được nói đến nhiều lần trong sách Đa-ni-ên, và đã làm ứng nghiệm lời tiên tri. Năm 63 T.C., người La Mã đã cướp sự độc lập của dân Giuđa, và năm 70 S.C. đã hủy diệt Đền thánh và thành Giê-ru-salem.

“Nhưng họ sẽ ngã xuống” chỉ về những người chống lại vua phương nam và những kẻ hung dữ là La Mã sẽ ngã xuống. Cả hai trường hợp đều ứng nghiệm theo lời tiên tri.

Chúng ta vừa nghiên cứu một phần trong những lời tiên tri rất chi tiết của Đa-ni-ên 11 và thấy những lời tiên tri này ứng nghiệm rất chính xác trong lịch sử các nước liên quan đến dân sự Chúa. Khi có những cuộc tranh chiến giữa vua phương bắc và phương nam, thì đất Palestine nằm ngay trên bãi chiến trường. Vì thế dân sự Chúa đã phải trải qua bao nhiều năm đau khổ. Cuối cùng, “kẻ hủy diệt dân sự ngươi” là La Mã xuất hiện, và dân Chúa một lần nữa là nạn nhân của đế quốc này, đúng như lời tiên tri đã dự ngôn. Trong bài học tới chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu đoạn 11 của sách Đani-ên.

TÓM LƯỢC

1) Đức Chúa Trời thấy trước những biến cố trong lịch sử nhân loại. Ngài đã định trước những giới hạn của lịch sử bằng những sắc lệnh đời đời. Ngài can thiệp một cách hiệu quả để làm thành các ý định của Ngài.

2) Đức Chúa Trời cho chúng ta biết Ngài rất quan tâm đến những chi tiết nhỏ. Ngài biết mỗi người rất rõ ràng và yêu thương chúng ta như chúng ta là người duy nhất trên trái đất.

3) Kinh Thánh dạy chúng ta, “Lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô- ma 12:21), còn nếu lấy ác trả ác thì hận thù cứ còn mãi mãi. Sự tranh chiến liên miên giữa hai vua phương bắc và phương nam đã chứng minh điều này.

QUYẾT ĐỊNH

  • Tôi muốn theo gương của Chúa, lấy tình thương xóa bỏ hận thù.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên

Kiểm Tra 19

1) Hai nước nào được nói đến trong Đa-ni-ên 11?

________________________________________________

2) Vua phương bắc và vua phương nam trong Đa-ni-ên 11 là ai?

________________________________________________

3) Hai vua đã dùng cách nào để đồng minh với nhau?

________________________________________________

4) Kết quả của sự kết hòa này ra sao?

________________________________________________

5) Quyền lực mới nào đã dấy lên vào khoảng năm 200 T.C. và với mục đích gì?

________________________________________________

________________________________________________

________________________________________________

________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 19 – Cac Vua Tranh Chien

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 19 – Danien

 

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *