Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Chúa Bày Tỏ Ngài Bằng Cách Nào? (Bài 3 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Chúa Bày Tỏ Ngài Bằng Cách Nào? (Bài 3 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Nếu muốn hiểu rõ một người nào, bạn có thể đến thăm nhà người ấy. Nhìn ngoài sân và các phòng, bạn có thể biết người ấy siêng năng hay lười biếng, gọn ghẽ hay cẩu thả, có óc thẩm mỹ hay không. Nhìn sách người ấy đọc, bạn có thể biết tâm trí người như thế nào.

Cũng bởi cách ấy, chúng ta có thể học biết được Đức Chúa Trời. Không ai trong vòng chúng ta đã từng thấy Ngài, nhưng chúng ta có thể hiểu phần nào về Ngài bằng cách nhìn xem sự vật mà Ngài đã dựng nên. Chúng ta thấy Ngài có quyền năng rất lớn, như quyền năng sáng tạo và ban sự sống cho mọi sinh vật, quyền năng điều khiển các tinh tú trong quỹ đạo của chúng. Ngài là Đức Chúa Trời của sự trật tự vì mọi vật trong cõi thiên nhiên đều hoạt động theo luật lệ Ngài. Ngắm nhìn những bông hoa muôn màu sắc, những ngọn núi 2 cao hùng vĩ, biển cả mênh mông với sóng bủa dập dồn. . . chúng ta nhận biết Ngài là một đại nghệ sĩ rất yêu vẻ đẹp. Thiên nhiên là quyển sách thứ nhất của Đức Chúa Trời bày tỏ về Ngài. Nhưng sự bày tỏ ấy vẫn còn thiếu sót. Vì vậy, Ngài ban cho chúng ta một quyển sách để dạy ta rõ ràng hơn về Ngài. Đó là quyển Kinh Thánh.

Kinh Thánh được gọi là Sách hay là Lời của Đức Chúa Trời, vì chính Ngài là tác giả. Qua Kinh Thánh Ngài muốn chúng ta hiểu biết về Ngài tường tận. Kinh Thánh không vẽ một bức chân dung nào của Đức Chúa Trời để ta có thể họa lại trên vải, khắc trên đá hay trên gỗ, vì Ngài không phải là một vị thần chết. Ngài cấm chúng ta tạc các hình tượng để thờ, dù các hình đó nhắc nhở chúng ta nhớ đến Ngài. Sau đây là những điều Đức Chúa Trời tự bày tỏ về mình.

1. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG SỐNG VÀ CÒN ĐỜI ĐỜI

Đức Chúa Trời tuyên bố trong Kinh Thánh Ngài là Đấng “Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14), nghĩa là Ngài tự nhiên mà có và còn mãi mãi. Ngài không có khởi đầu cũng không có cuối cùng. Đức Chúa Trời không phải chỉ là một ý niệm, một nhân vật thần thoại, hay tưởng tượng. Ngài là Đấng có thật, là “Đức Chúa Trời hằng sống và còn đời đời” (Đa-ni-ên 6:26).

Đức Chúa Trời hằng có đời đời, không nay còn mai mất. Ngài là Đấng “hôm qua, ngày 3 nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê-bơ-rơ 13:8).

Trước khi có thời gian, Ngài đã hiện hữu,

“Trước khi núi non chưa sanh ra,
Đất và thế gian chưa dựng nên,
Từ trước vô cùng cho đến đời đời,
Chúa là Đức Chúa Trời” (Thi thiên 90:2).

Ngài ở đâu? “Chúa ở trên trời, là nơi Chúa ngự” (I Các Vua 8:39).

Ngài thấy và nghe, “Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người” (I Phi-e-rơ 3:12).

Ngài suy nghĩ và ghi nhớ, “Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi thiên 103:14).

Ngài rất rộng lượng, “Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng” (Thi thiên 84:11).

Ngài sẵn sàng hướng dẫn chúng ta, “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi” (Ê-sai 48:17).

Đức Chúa Trời có hình thể nhưng với mắt trần, chúng ta không thể thấy Ngài. Ngài có mặt, tai, mắt, môi, miệng, tay và chân (Xuất Ê-díptô Ký 31:18; Thi thiên 34:15, 16; 89:34).

Tiên tri Đa-ni-ên thấy “áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như lông chiên sạch” (Đa-ni-ên 7:9). Ngài có cảm xúc, suy tư, yêu thương, tha thứ. Ngài cảm thông những nỗi khó khăn, sầu khổ, vui, buồn của chúng ta. Tuy có thực thể, Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Ngài có thể ở khắp mọi nơi cùng một lúc. Ngài có thể nghe tất cả, thấy tất cả và biết tất cả. Những điều này Kinh Thánh đã chứng minh rõ ràng.

2. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG TOÀN NĂNG

Ngài là Đấng quyền phép vô cùng vì Ngài nắm mọi quyền năng. Không có chi Ngài không làm được. “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm” (Gióp 42:2). “Điều đó loài người không thể làm được, song Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được” (Ma-thi-ơ 19:26).

Ngài có quyền phép trên thiên nhiên. Bão tố, nước và lửa đều vâng phục Ngài. Kinh Thánh kể rằng khi Đức Chúa Giê-su đang ngủ ở trên thuyền, thì biển động dữ dội. Các môn đồ sợ hãi đánh thức Ngài. Đức Chúa Giê-su đứng dậy truyền cho biển im lặng, thì biển liền lặng im như tờ (Mác 4:37-39).

3. ĐỨC CHÚA TRỜI THÔNG SUỐT MỌI SỰ

Ngài là Đấng biết hết mọi sự, không có chi là khó đối với Ngài. Ngài thấy hết mọi sự. “Mắt Đức Chúa Trời xem xét đường lối loài người, Ngài nom các bước họ” (Gióp 34:21).

Ngài nghe hết mọi sự, “Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi” (Thi thiên 139:4).

Ngài hiểu hết mọi sự, “Sự thông sáng Ngài vô cùng vô tận” (Thi thiên 147:5).

4. ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN DIỆN MỌI NƠI VÀ MỌI THỜI

Ngài không bị giới hạn bởi không gian. Bạn không thể trốn tránh Ngài, vì Ngài luôn luôn ở gần ta. “Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, ví tôi nằm dưới Âm phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, bay qua ở tại cuối cùng biển, tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi” (Thi thiên 139:7-10).

Ngài không bị giới hạn bởi thời gian. Tương lai đối với 5 Chúa rõ ràng như hiện tại. Ngài thấy sự cuối cùng từ lúc ban đầu. “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên” (Ê-sai 46:10).

5. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ SỰ YÊU THƯƠNG TUYỆT ĐỐI

Trong Kinh Thánh, đặc tính nổi bật hơn cả là đặc tính yêu thương của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép Ngài hiện ra cùng Môi-se, phán rằng, “Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6).

Chẳng những Ngài có sự yêu thương, mà chính Ngài “là sự yêu thương” (I Giăng 4:8).

Sự nhân từ Ngài hằng có đời đời, vững vàng hơn núi cao. “Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ Ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi” (Ê-sai 54:10). Sự trìu mến của Ngài sâu rộng hơn tình yêu thương của cha mẹ, “Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy” (Thi thiên 103:13). “Đờn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đờn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi. Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta” (Ê-sai 49:15, 16). “Ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con” (Ê-sai 66:13).

Ngài là Thân Phụ đầy Tình Yêu. Bạn hãy tưởng tượng một người cha nhân từ nhất, giàu tình thương nhất mà bạn đã biết. Đức Chúa Trời là bậc từ phụ ấy. Bạn là con Ngài. Ngài yêu thương bạn và quan tâm đến mọi nhu cầu của bạn.

Khi Đức Chúa Giê-su ở thế gian, Ngài thường dạy về tình yêu thương, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Giăng 3:16).

Ngài luôn luôn yêu thương thế gian mặc dù thế gian phản nghịch lại Ngài. Đức Chúa Giê-su kể cho dân chúng nghe một câu chuyện để giúp họ hiểu được Đức Chúa Trời yêu thương loài người đến mực nào.

Một người kia có hai con trai. Người em một hôm nói với cha rằng, “Thưa cha, xin chia cho con phần gia tài của con.” Khi người cha ban phần cho rồi, anh thâu tóm cả và bỏ nhà ra đi.

Anh ta đến một đô thị lớn ở chốn xa, ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình. Tiền của hết, trong xứ lại có cơn đói lớn; anh đành phải đi làm mướn cho một người bổn xứ. Họ sai ra đồng chăn heo, một công việc hèn hạ nhất thời ấy. Anh muốn lấy vỏ đậu của heo để ăn cho no, nhưng chẳng ai cho.

Trong khi chăm lo cho bầy heo dơ dáy và trong hoàn cảnh khốn cùng, anh ta bèn nghĩ lại. Anh đã thâu gặt được gì trong những năm vui thú nọ? Tiền bạc đã hết, bạn bè lìa bỏ, bụng đói, áo rách, tâm trí chán chường, thân thể bệnh hoạn. . . Đột nhiên, anh nhận thức được sự điên rồ của mình. Anh thầm nhủ, “Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha.” Anh quyết định đi về và sẽ xưng tội với cha như vầy, “Thưa cha, con đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi con như một 7 đầy tớ của cha.” Nghĩ vậy, chàng thanh niên liền bỏ bầy heo mà trở về nhà.

Mấy năm trước, khi bỏ nhà đi, anh không bao giờ nghĩ đến sự ảm đạm đã bao trùm trên gia đình mình, vì nỗi đau đớn của cha, ngày đêm trông ngóng đứa con hoang đàng trở về. Hôm nay khi anh còn ở đằng xa, cha già đã nhìn thấy thân tàn ma dại của người con thì lòng đầy xót thương. Ông chạy ra ôm chầm con vào lòng mà hôn trong tình yêu chan chứa với những giọt lệ vui mừng.

Để che đậy sự rách rưới của con, người cha cởi chiếc áo choàng quý giá của mình mà phủ cho con. Anh thổn thức thưa với cha, “Cha ơi, con đã có tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa.” Nhưng người cha không nghe tiếp. Ông không cho con cơ hội để xin làm đầy tớ. Ông ra lệnh cho tôi tớ mình, “Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho con ta. Hãy đeo nhẫn vào tay và mang giày vào chân cho con ta. Hãy bắt bò tơ mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được.”

Bài học trong chuyện này cho chúng ta thấy đứa con không đáng được hưởng gì cả. Anh ta có làm gì tốt đâu, ngoại trừ nhận thức được sự khốn khổ của mình, ăn năn hối cải, và quyết định trở về cùng cha. Tuy vậy, người cha tiếp nhận anh với cả tấm lòng vị tha từ ái. Thiên Phụ của bạn cũng vậy. Bất luận bạn đã làm gì, hoặc có xấu xa cách nào đi nữa, nếu bạn trở về cùng Đức Chúa Trời, Ngài sẽ vui mừng tiếp nhận bạn.

Đó là đức tính của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng quyền năng vô hạn, nhân từ vô hạn, khôn ngoan vô hạn, từ ái vô hạn, công bình vô hạn và yêu thương vô hạn. Nhiệm mầu hơn tất cả là mọi quyền năng, sự khôn ngoan, tri thức của Ngài hòa trộn với sự nhân từ, thương yêu và chân thật. Ngài là Đấng Chí Cao, toàn thiện toàn mỹ, hoàn hảo trong mọi phẩm cách, và là Đấng duy nhất đáng cho mọi người tôn thờ kính yêu.

6. ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ HOÁN CẢI BẠN

Nếu bạn tôn thờ Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống, Ngài có thể hoán cải đời bạn. Nếu bạn hiến dâng đời sống mình 8 cho Ngài, dần dần bạn sẽ nhận được quyền năng thầm lặng của Đức Chúa Trời ban cho đời mình mỗi ngày.

Bàn tay điều khiển vũ trụ bao la kia có thể điều khiển cuộc đời bạn và đem đến cho bạn sự bình an, thư thái. Bạn hãy phó thác đời mình cho Ngài như đứa bé phó thác đời nó vào cánh tay của mẹ. Bạn hãy nói, “Đức Chúa Trời kính yêu, con xin phó thác đời con trong cánh tay quyền năng của Ngài. Xin Ngài ngự vào lòng con và ban cho con sự bình an.” Nếu bạn lấy đức tin đến với Ngài, Ngài sẽ đến với bạn và ở cùng bạn luôn luôn.

Sau khi học biết về Đức Chúa Trời, bạn có muốn để Ngài hướng dẫn cuộc đời bạn chăng? Bạn có muốn dâng mình cho Ngài và tin tưởng vào quyền lực Ngài, hầu được sự bình an và năng lực để sống một cuộc đời tốt đẹp chăng?

Bài học 4 sẽ giải đáp câu hỏi:

KINH THÁNH CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG?

Trắc Nghiệm

1. Xin kể ba điểm mà Đức Chúa Trời giống con người. ___________________________________________

___________________________________________

___________________________________________

2. Xin điền vào những chỗ trống.

“Điều đó loài người ________ ______ làm được, song Đức Chúa Trời làm _______ _______ ________ _______.”

3. Sự thông sáng của Chúa thế nào?

_____ _______ ______ ________

4. Câu nào trúng, xin viết chữ T, câu nào sai, viết chữ S.

___ Đức Chúa Trời bị giới hạn bởi không gian.

___ Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi thời gian.

___ Đức Chúa Trời không biết trước tương lai.

5. Xin trả lời những câu hỏi sau đây:

Đặc tính nổi bật nhất của Chúa là gì? _________________

Chuyện người con trai hoang đàng dạy ta điều gì? ________________________________________________

6. Muốn được Chúa hướng dẫn, bạn phải làm gì?

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Chúa Bày Tỏ Ngài Bằng Cách Nào? (Bài 3 – Con Đường Sống)

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Chúa Bày Tỏ Ngài Bằng Cách Nào? (Bài 3 – Con Đường Sống)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *