Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Cuộc Chiến Trong Hậu Trường (Bài 18 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Cuộc Chiến Trong Hậu Trường (Bài 18 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

BÀI 18. CUỘC CHIẾN TRONG HẬU TRƯỜNG

Đoạn 10, 11, và 12 là phần kết luận của sách Đa-ni-ên, ghi chép sự hiện thấy dài nhất và tường tận nhất trong các sự hiện thấy của Đa-ni-ên. Ba đoạn này miêu tả các biến cố lịch sử liên quan đến những đế quốc từ thời Mê-đi Ba-tư cho đến ngày tận thế. Ý chính trong sự hiện thấy này là sự tranh chiến giữa các nước thế gian và nước Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết về sự hiện thấy này chỉ dành cho dân sự trong thời cuối cùng, khi lịch sử thế gian gần đến ngày kết liễu. Sự hiện thấy này bày tỏ một sự khải thị rất quan trọng cho dân sự Đức Chúa Trời trong ngày sau rốt.

Đại ý của ba đoạn này:

1) Đoạn 10: Lời mở đầu; lời cầu nguyện được đáp ứng.

2) Đoạn 11: Những biến cố lịch sử và sự bắt bớ dân sự Chúa qua các thời đại.

3) Đoạn 12: Thời kỳ cuối cùng và sự giải cứu dân sự Chúa.

SỰ TRANH ĐẤU TRONG HẬU TRƯỜNG

Nghiên cứu đoạn 10 sẽ giúp chúng ta hiểu đoạn 11 rõ ràng hơn. Đoạn 10 vén bức màn lên cho chúng ta thấy một cuộc tranh đấu lớn diễn ra đằng sau những biến cố của lịch sử. Một lần nữa Đa-niên nhắc nhở chúng ta rằng trong sự thăng trầm của các đế quốc, Đức Chúa Trời vẫn luôn nắm quyền kiểm soát mọi việc trên thế giới.

1. Sự hiện thấy được tỏ ra cho Đa-ni-ên khi nào? (Đa-ni-ên 10:1-3).

a. Năm thứ ba đời vua Hê-rốt
b. Năm thứ ba đời vua Nê-bu-cát-nết-sa
c. Năm thứ ba đời vua Si-ru

Đó là năm 535 T.C. Tiên tri xưng tên mình bằng tiếng Hê-bơ- rơ và cả tiếng Canh-đê do vua Nê-bu-cát-nết-sa đã đặt cho ông.

Trong ba tuần lễ, Đa-ni-ên buồn rầu vì được nhiều tin không lành từ Giê-ru-sa-lem. Vua Si-ru đã ra chiếu chỉ cho phép những người Giu-đa về quê hương hai năm rưỡi rồi, nhưng bị những kẻ thù nghịch ngăn trở việc xây cất đền thờ. Chúng “xui cho dân Giu-đa ngã lòng nhát sợ, . . . đem hối lộ cho những mưu sĩ chống với dân Giu-đa, đặng phá việc họ lo toan” đến nỗi công việc xây cất phải bỏ dở (Ê-xơ-ra 4:4, 5). Điều này khiến Đa-ni-ên rất buồn rầu, nên ông quyết định kiêng ăn cầu nguyện. Trong ba tuần lễ, ông chỉ dùng những thức ăn giản dị, kiêng cử những bánh ngon béo bổ, hầu tâm trí được minh mẫn, sáng suốt để cầu nguyện và thông công với Chúa dễ dàng hơn. Chúng ta cũng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời khi theo gương tiên tri Đa-ni-ên, quan tâm và cầu nguyện cho công việc Chúa được tấn tới.

2. Tại sao Đa-ni-ên nói rõ ngày tháng và địa điểm trong thời gian này? (Đa-ni-ên 10:4-6).

a. Sinh nhật của vua Si-ru
b. Kỷ niệm Lễ vượt qua
c. Kỷ niệm ngày

Đa-ni-ên vị bắt làm phu tù Đa-ni-ên đã lựa chọn một nơi vắng vẻ bên bờ sông Hi-đê-ke, cách Ba-by-lôn khoảng 35 dặm. Với lòng sốt sắng, Đa-ni-ên đã kiêng ăn trong “ba tuần lễ trọn,” từ ngày bốn đến ngày hai 3 mươi bốn tháng giêng, gồm cả bảy ngày lễ bánh không men sau lễ Vượt Qua (14 tháng Giêng). Lễ Vượt Qua đã nhắc nhở Đa-niên về quyền phép lạ lùng của Chúa trong việc giải phóng dân sự khỏi ách Ê-díp-tô gần 1,000 năm trước. Vì thế Đa-ni-ên tìm một nơi vắng vẻ để cầu xin Đức Chúa Trời cũng bày tỏ quyền phép Ngài để giúp dân Y-sơ-raên chống lại kẻ thù nghịch của họ trong việc xây cất lại đền thờ Giê-ru-sa-lem.

So sánh sự hiện thấy này với sự hiện thấy của sứ đồ Giăng trong Khải huyền 1:13-16, chúng ta biết rằng người đã hiện đến với Đa-ni-ên không ai khác hơn là chính Đức Chúa Giê- su Christ. Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của Đa-ni-ên một cách tuyệt vời khi ông già cũng như khi còn trẻ. Thật ra, còn hơn thế nữa. Trong Đa-ni-ên 2, Ngài đáp lời bằng cách tỏ cho ông thấy điềm chiêm bao của vua Nê-bu-cát-nết-sa. Trong đoạn 6, Ngài sai một thiên sứ đến bịt miệng sư tử để cứu mạng ông. Trong đoạn 7, 8 và 9, Ngài sai Gáp-ri-ên, một thiên sứ có địa vị cao nhất trên thiên đàng. Trong đoạn 10, Ngài phái chính Con mình. Đức Chúa Giê-su rất quan tâm đến chúng ta, đôi khi chính Ngài đến để đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta.

3. Việc gì xảy ra cho những người ở cùng Đa-ni-ên khi Chúa hiện ra? (Đa-ni-ên 10:7).

a. Họ bị ngất trong giây lát
b. Họ được biến đổi
c. Họ run rẩy và chạy trốn

Trước sự vinh hiển chói lòa của Chúa, không ai đứng nổi.

4. Việc gì xảy ra cho Đa-ni-ên khi ông thấy Đức Chúa Giê-su? (Đa-ni-ên 10:8).

a. Ông bị mất sức
b. Ông bị mù mắt
c. Ông vui mừng

Đa-ni-ên không chịu nổi sự hiện ra vinh hiển của Đấng Christ. Ông không còn sức nữa, mặt tái đi, và nằm sấp mặt xuống đất. Khi thiên sứ truyền cho ông đứng dậy, thì ông đứng lên và run 4 rẩy. Vì lòng thương xót, Chúa đã sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến đáp lời cầu nguyện của ông.

NGƯỜI RẤT ĐƯỢC YÊU QUÝ

5. Thiên sứ đã gọi Đa-ni-ên thế nào? (Đa-ni-ên 10:11).

a. Đầy tớ trung thành
b. Người rất được yêu quý
c. Con của Đức Chúa trời

Tiếng “rất được yêu quý,” là một trong những tiếng thân mật nhất trong Kinh Thánh. Thiên sứ Gáp-ri-ên thường dùng tiếng này khi nói chuyện với tiên tri (Đa-ni-ên 9:23, 10:11, 19). Con cái của Đức Chúa Trời được thiên đàng yêu quý lắm, đến nỗi “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy” (Rô-ma 8:32) để chết cho chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta (Giăng 16:27). Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Ngài nên rất được Đức Chúa Cha yêu quý. Một câu chúng ta nên tự hỏi, “Ta có yêu Chúa như Ngài yêu ta chăng? Ngài đã không tiếc gì với chúng ta, vậy chúng ta có tiếc gì với Ngài chăng?”

6. Khi nào lời cầu nguyện của Đa-ni-ên được trả lời? (Đa-ni-ên 10:12).

a. Một tuần sau khi ông cầu nguyện
b. Một tháng sau khi ông cầu nguyện
c. Ngày đầu tiên khi ông cầu nguyện

Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của tiên tri và lập tức sai thiên sứ đến trả lời người ngay từ ngày đầu. Khi chúng ta cầu nguyện, Đức Chúa Trời cũng luôn luôn lắng tai nghe, như người cha nhân từ quan tâm đến đứa con bé nhỏ yêu dấu của mình.

7. Tại sao Đa-ni-ên phải đợi ba tuần lễ mới được thiên sứ trả lời? (Đa-ni-ên 10:13).

a. Vì vua nước Phe-rơ-sơ đã ngăn trở thiên sứ
b. Vì thiên sứ muốn thử thách lòng kiên nhẫn của Đa-ni-ên
c. Cả 2 câu (a) và (b) đều đúng

8. Ai đã dám ngăn trở thiên sứ của Đức Chúa Trời trong ba tuần lễ?

a. Sa-tan
b. Vua Si-ru
c. Thầy Pha-ri-si

Vua nước Ba-tư này là ai? Đây không phải vua Si-ru, mà là chính Sa-tan, kẻ đối địch cùng Đức Chúa Trời. Khi Chúa dựng nên A-đam và Ê-va, Ngài ban cho họ quyền quản trị trái đất (Sáng thế Ký 1:26). Nhưng sau khi phạm tội, họ đã mất quyền quản trị. Sa-tan đã chiếm đoạt quyền đó, và tự xưng là “vua chúa của thế gian này.” Lu-ca 4:5, 6 có chép rằng khi Sa-tan cám dỗ Đức Chúa Giê-su, hắn đem Ngài lên đỉnh núi cao cho xem mọi nước thế gian và nói rằng, “Ta sẽ cho ngươi hết thảy quyền phép và sự vinh hiển của các nước đó; vì đã giao cho ta hết, ta muốn cho ai tùy ý ta.” Vì thế, trong đoạn này, Sa-tan xưng là “vua nước Phe-rơ-sơ,” và cố gây ảnh hưởng trên vua Si-ru.

Đa-ni-ên cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ ảnh hưởng trên tâm trí Si-ru để vua có những hành động thuận lợi cho Y-sơ-ra-ên, là dân đang gặp khó khăn trong việc xây cất lại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Trời đã vén tấm màn qua một bên để Đa-ni-ên thấy cuộc đấu tranh đang diễn ra trong hậu trường. Si-ru là vua đang trị vì xứ Ba-tư nhưng Đa-ni-ên được thấy rằng ở trong hậu trường, có một quyền lực hoạt động trên Siru. Vì quyền lực này chống lại thiên sứ của Đức Chúa Trời, nên chúng ta có thể kết luận rằng quyền lực đó là Sa-tan. Khi Đa-ni-ên cầu nguyện, thiên sứ Gáp-ri-ên và kẻ đối địch là Satan đang cố hết sức để gây ảnh hưởng trên vua Si-ru. Đằng sau những sự mắt người ta không thấy, trong ba tuần lễ, Gáp-ri-ên vật lộn với quyền lực mạnh mẽ của Sa-tan để ngăn ngừa vua Si-ru hủy bỏ một chiếu chỉ quan trọng. Cuối cùng, Mi-ca-ên, Quan Trưởng đầu nhất phải đến để hỗ trợ cho thiên sứ Gáp-riên, và Sa-tan bị đánh bại. Vì thế, nhờ ảnh hưởng của thiên sứ, vua Si-ru đã quyết định không nghe theo mưu kế của người Sa-ma-ri là bãi bỏ việc xây cất lại đền thờ. Đây cũng là những quyền lực đang tranh chiến để gây ảnh hưởng và điều khiển trí óc chúng ta ngày nay.

MI-CA-ÊN: ĐẤNG TOÀN THẮNG

Mi-ca-ên là ai? Tên người có nghĩa gì? Tên “Mi-ca-ên” nghĩa là 6 “người giống như Đức Chúa Trời” và cũng là Thiên sứ của Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:20, 23; 32:34). Đó là tên thiên sứ của Đức Chúa Giê-su trong thời Cựu Ước. Tên Mi-ca-ên được nói tới năm lần trong Kinh Thánh. Ngoài Đa-ni-ên 10:13, 21, những câu khác là:

(a) Đa-ni-ên 12:1 – Mi-ca-ên, Quan Trưởng lớn, sẽ giải cứu dân sự Ngài trong thời kỳ đại nạn và có quyền kêu kẻ chết sống lại (Xin đọc I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16).

(b) Giu-đe 9 – Mi-chen [Mi-ca-ên], Thiên sứ Trưởng kêu Môi-se sống lại.

(c) Khải huyền 12:7 – Mi-chen [Mi-ca-ên] tranh chiến cùng Satan và chiến thắng. Ngài trục xuất hắn ra khỏi thiên đàng.

Những câu trên cho thấy Mi-ca-ên là một trong nhiều tên của Đức Chúa Giê-su. Ngài là Chiên Con, là Vầng đá muôn đời, là Sư tử của chi phái Giu-đa, là Đường đi, Lẽ thật và Sự sống, v. v. Giu-đe 9 gọi Mi-ca-ên là “Thiên sứ Trưởng” nghĩa là người đứng đầu các thiên sứ. Trong Kinh Thánh chỉ có một Thiên sứ Trưởng là Mi-ca-ên mà thôi. Kinh Thánh dùng chữ Mi-ca-ên, nghĩa là “Đấng Toàn Thắng.” Đấng Christ đã thắng và chỉ một mình Ngài đã thắng Sa-tan. Thiên sứ Gáp-ri-ên phải nhờ sự can thiệp của Thiên sứ Trưởng Mi-ca-ên, mới thắng được Sa-tan. Tên Mi-ca-ên chỉ được dùng trong những trường hợp mà Đấng Christ phải tranh đấu trực tiếp với Sa-tan mà thôi. Ở trong triều đình Ba-tư, thế lực của ác thần có ảnh hưởng lớn đến nỗi chính Đấng Christ phải can thiệp để đem lại sự chiến thắng cho công việc của Đức Chúa Trời trên đất. Nếu chúng ta đứng về phe Ngài, thì chúng ta cũng sẽ luôn luôn chiến thắng. Ngài quả quyết với Đa-ni-ên rằng tương lai thế gian nằm trong sự kiểm soát của Đức Chúa Trời.

9. Ai là người duy nhất có thể thắng Sa-tan? (Khải huyền 12:7).

a. Con rắn
b. Mi-ca-ên và các sứ người
c. Đức Thánh Linh

Khải huyền cho biết “có một cuộc chiến đấu trên trời. Michen và các sứ người tranh chiến cùng con rồng, rồng cũng cùng các sứ mình tranh chiến lại; song chúng nó không thắng.” Mi-ca-ên, Thiên sứ Trưởng của các thiên sứ, hay là Chỉ huy Trưởng đã chiến đấu cùng con rồng và đã thắng.

10. Con rồng này là ai? (Khải huyền 12:9).

a. Chi phái Giu-đa
b. Vua Si-ru
c. Sa-tan

11. Ai đã tới giúp thiên sứ Gáp-ri-ên trong cuộc tranh đấu với vua nước Phe-rơ-sơ (Ba-tư)? (Đa-ni-ên 10:13).

a. Chỉ mình thiên sứ Gáp-ri-ên
b. Các thánh
c. Mi-ca-ên

Vua nước Phe-rơ-sơ đây chính là Sa-tan. Hắn tranh chiến với thiên sứ Gáp-ri-ên để gây ảnh hưởng trên vua Si-ru. Hai bên có quyền lực tương đương, nên không bên nào thắng, cho tới khi Mi-ca-ên đến để giúp thiên sứ Gáp-ri-ên, lúc đó Sa-tan mới bị đánh bại và rút lui.

12. Ai là đối tượng của phần còn lại của sự hiện thấy? (Đa-ni-ên 10:14).

a. Chỉ những nước không ảnh hưởng đến dân giao ước của Đức Chúa Trời
b. Chỉ những nước có ảnh hưởng đến dân giao ước của Đức Chúa Trời
c. Sa-tan

Chỉ những nước có ảnh hưởng đến dân giao ước của Đức Chúa Trời mới được đề cập tới trong lời tiên tri. Đây là lý do tại sao nhiều nước không được nhắc đến trong Kinh Thánh.

13. Khi Đa-ni-ên không còn sức thì Chúa đã làm gì cho ông? (Đa-ni-ên 10:16).

a. Chúa đã rờ và ban thêm sức cho ông
b. Đưa ông về trời
c. Không cho ông sự hiện thấy nữa

Một đặc tính nổi bật về Đa-ni-ên là ông thương xót và rất quan tâm đến dân sự Chúa. Trong sự hiện thấy, Đa-ni-ên được thấy sự đàn áp và đau khổ mà hội thánh Chúa phải chịu đựng qua các thời đại, ông rất đau lòng đến nỗi không còn chút sức lực và hơi thở nào nữa. Chúa đã cảm thương nỗi khổ tâm của ông, nên Ngài đến gần Đa-ni-ên, rờ người và ban cho người sức mạnh.

14. Quyền lực kế tiếp nào mà thiên sứ phải chống lại? (Đa-ni-ên 10:20-21).

a. Thần Mặt trời
b. Vua của Gờ-réc
c. Vua Hê-rốt

Cuộc chiến đấu cũng chưa xong. Thiên sứ lợi dụng chút thì giờ hưu chiến để đến đáp lời cầu nguyện của Đa-ni-ên và tỏ cho người biết việc tương lai. Sau đó thiên sứ phải trở về tiếp tục tranh chiến với quyền lực của Sa-tan. Những điều thiên sứ Gáp-ri-ên khải thị cho Đa-ni-ên đều được lấy từ “sách chơn thật” là sách có ghi chép các kế hoạch và mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên được thấy sự phác họa về những đế quốc và các vua sẽ ảnh hưởng đến dân giao ước. Đức Chúa Trời bày tỏ cho Đa-ni-ên thấy sự tranh đấu của vũ trụ đang xảy ra từng phần. Chúa cho phép Đa-ni-ên thấy rằng Ngài chống lại những mưu kế của Sa-tan để đạt đến kế hoạch của Ngài. Một lần nữa, chúng ta được bảo đảm rằng Đức Chúa Trời nắm quyền kiểm soát lịch sử thế giới. Mọi việc không phải tự nhiên xảy ra. Ngài kiểm soát những biến cố thế gian để hoàn thành chương trình Ngài.

TÓM LƯỢC

1) Khi Đa-ni-ên cầu nguyện thì Đức Chúa Trời sẵn sàng đáp lời ngay từ ngày đầu, nhưng vì sự tranh chiến giữa thiện và ác trong hậu trường, mà sự đáp lời bị trì hoãn.

2) Con cái của Chúa là những người được Ngài yêu quý lắm. Tất cả quyền lực của thiên đàng đều tham gia vào cuộc chiến đấu để cứu nhân loại tội lỗi.

3) Thế giới vô hình có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc chiến đấu giữa dân sự Đức Chúa Trời và các quyền lực thế gian. Mi-ca-ên và các thiên sứ hỗ trợ con cái Chúa trong khi họ đương đầu với Sa-tan. Đấng Christ sẽ toàn thắng trong ngày cuối cùng.

QUYẾT ĐỊNH

  • Tôi muốn được Mi-ca-ên, Đấng Toàn Thắng, giúp tôi chiến thắng Sa-tan như Ngài đã giúp thiên sứ Gáp-ri-ên.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên

Kiểm Tra 18

1) Đại ý của Đa-ni-ên đoạn 10 là gì?

________________________________________________

2) Đa-ni-ên làm gì trong ba tuần lễ?

________________________________________________

3) Ai là vua nước Phe-rơ-sơ đã ngăn trở Gáp-ri-ên trong 21 ngày?

________________________________________________

4) Ai là người duy nhất có thể thắng Sa-tan?

________________________________________________

5) Tên Mi-ca-ên được dùng trong trường hợp nào và trong  những đoạn nào?

________________________________________________

________________________________________________

________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 18 – Cuoc Chien Trong Hau Truong

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 18 – Danien

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *