Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Cuộc Đấu Tranh Bắt Đầu (Bài 2 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Cuộc Đấu Tranh Bắt Đầu (Bài 2 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

BÀI 2. CUỘC ĐẤU TRANH BẮT ĐẦU

“Vũ trụ chiến.” Những chữ này nghe như từ bộ phim chiến tranh giữa các hành tinh. Tuy nghe lạ tai, nhưng sách Đa-ni-ên miêu tả một trận chiến vĩ đại đang diễn ra bên trong hậu trường thế giới. Sự thăng trầm của các đế quốc trong lịch sử nhân loại không phải ngẫu nhiên mà có. Tất cả đều là một phần của cuộc chiến đại quy mô giữa Đấng Christ và Sa-tan. Chỉ khi được đặt trong khung cảnh cuộc chiến này, chúng ta mới có thể hiểu được sách Đa-ni-ên cách chính xác.

Để hiểu rõ nội dung một quyển sách, độc giả trước hết cần biết chủ đề của sách ấy. Trong bài học này, chúng ta sẽ vén bức màn để thấy chủ đề của sách Đa-ni-ên là màn kịch vĩ đại đang diễn ra ở Ba-by-lôn thời xưa. Những gì xảy ra ở đó là hình bóng của trận đại chiến sẽ diễn ra trong thời kỳ cuối cùng của lịch sử nhân loại. Như bài học số 1 cho thấy, các câu chuyện trong sách Đa-ni-ên đã kịch tính hóa các lời dự ngôn. Những gì xảy ra cho dân sự Đức Chúa Trời trong thời cổ Ba-by-lôn là tiêu biểu cho những gì sẽ xảy đến cho dân sự Ngài trước ngày tận thế. Các quyền lực thế gian đã chống nghịch dân sự Đức Chúa Trời trong thời cổ Ba-by-lôn thế nào, thì cũng sẽ tìm cách tiêu diệt những người trung thành với Đức Chúa Giê-su trong ngày cuối cùng thể ấy.

Sách Đa-ni-ên bắt đầu bằng sự đại bại của dân sự Đức Chúa Trời. Lúc ấy, quân Ba-by-lôn dường như đang thắng thế trong cuộc đấu tranh với dân sự Đức Chúa Trời. Trong thế giới ngày nay, ác lực cũng dường như đang thắng thế và lẽ thật dường như đang thua thiệt. Đa-ni-ên nhắc nhở chúng ta đừng ngã lòng vì tình trạng tương tự đã từng xảy ra trong thời ông. Tiên tri đã miêu tả thế nào để đối phó trong thời kỳ khó khăn sắp đến. Ông đã nhờ vào quyền lực thiên thượng để thắng những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn; thì nếu dựa vào ân điển của Chúa, chúng ta cũng sẽ được chiến thắng như vậy!

1. Ai là vua của Ba-by-lôn? (Đa-ni-ên 1:1).

a. Đa-ri-út
b. Nê-bu-cát-nết-sa
c. Mi-ca-ên

Năm 605 T.C., Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem. Hai thành này chỉ về hai lối sống, hai hệ thống tư tưởng. Ba-by-lôn là trung tâm phản nghịch cùng Đức Chúa Trời, là hệ thống tôn giáo giả vì thờ hình tượng, chống nghịch lại luật pháp Đức Chúa Trời. Giê-ru-sa-lem, thành của Đức Chúa Trời tiêu biểu cho sự trung tín, vì thờ phượng Chúa và phục tùng luật pháp Ngài. Trong câu đầu của sách Đa-ni-ên nói đến sự tranh chấp giữa thiện và ác. Cuộc đấu tranh vĩ đại này khởi sự từ trên trời (Khải huyền 12:7-9) và tiếp tục dưới đất.

Trong suốt những phần ghi chép lịch sử của sách Đa-ni-ên, chúng ta thấy tiên tri liên tiếp bị đe dọa vì trung thành với Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài. Những khó khăn này thật rõ ràng trong sách Đa-ni-ên. Các chánh quyền cố gắng gây ảnh hưởng bằng cách ra luật lệ ngăn cản, cấm đoán sự thờ phượng Đức Chúa Trời hay bắt thờ lạy hình tượng. Chỉ những người trung tín với Đức Chúa Trời sẽ được giải cứu.

Nên nhớ rằng những lời tiên tri của Đa-ni-ên chỉ về ngày cuối cùng là khi những sự khó khăn lại tái diễn. Trong thời kỳ cuối cùng, loài người sẽ nỗ lực ngăn cản, cấm đoán sự thờ phượng thật và bắt buộc thờ lạy các thần khác. Sách Đa-ni-ên nói rõ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời sẽ có một dân sự thắng mọi thử thách này. Những khó khăn mà Đa-ni-ên ghi lại là về sự thờ phượng và vâng lời. Đó cũng sẽ là những khó khăn trong ngày cuối cùng. Điều quan trọng là mỗi chúng ta luôn luôn giữ lòng trung tín với Đức Chúa Trời.

ĐA-NI-ÊN BỊ BẮT LÀM PHU TÙ

Sự tranh đấu bắt đầu khi Đa-ni-ên và các bạn bị Nê-bu-cát-nết-sa bắt làm phu tù. Trong đoạn này, chúng ta sẽ nghiên cứu câu chuyện lạ lùng về một người trai trẻ và các bạn phải đương đầu với những thử thách nặng nề do vị vua chuyên chế đặt ra. Chúng ta cũng sẽ ghi nhận rằng những thử thách nầy có liên quan đến phần còn lại của sách Đa-ni-ên. Các thử thách miêu tả trong đoạn 1 có vẻ rất nhỏ so với các thử thách lớn hơn nhiều sẽ đến sau này trong sách Đa-ni-ên. Bài học của đoạn 1 là chỉ những ai thắng được những thử thách nhỏ mới thắng được những thử thách lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải trung tín với Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào.

Trong thời cổ, khi các vua muốn chiếm thành nào, thì họ bao vây chung quanh thành đó rất chặt chẽ, ngăn chận mọi nguồn tiếp tế nước uống và thực phẩm, rồi chờ cho đến khi những người ở trong thành đầu hàng. Đây là một kinh nghiệm khủng khiếp cho dân thành Giê-ru-sa-lem.

2. Ai cho phép Nê-bu-cát-nết-sa chiếm thành Giê-ru-sa-lem? (Đa-ni-ên 1:2).

a. Đức Chúa Trời
b. Lu-xi-phe
c. Các thần của Ba-by-lôn

3. Tại sao Đức Chúa Trời cho phép Nê-bu-cát-nết-sa bắt dân Giu-đa? (Giê-rê-mi 2:13).

a. Vì họ lìa bỏ Đức Chúa Trời
b. Vì họ nhạo báng Đức Chúa Trời
c. Câu (a) và (b) đều đúng

Qua tiên tri Giê-rê-mi và các tiên tri khác trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã nói trước người Canh-đê sẽ thắng dân Giu- đa vì dân này đã lìa bỏ Đức Chúa Trời, không thờ phượng và không vâng lời Ngài. Sự thờ phượng giả và sự bất phục tùng đã khiến dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù.

4. Ai có vẻ thắng thế trong Đa-ni-ên đoạn 1? (Đa-ni-ên 1:2).

a. Sa-tan
b. Các thần của Ba-by-lôn
c. Đức Chúa Trời

Sách Đa-ni-ên bắt đầu với sự dường như thất bại cho Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta đừng quên rằng cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ chiến thắng vẻ vang. Hiện nay tội ác có vẻ đang phát triển, nhưng một ngày kia lẽ thật của Đức Chúa Trời sẽ chiến thắng vinh hiển.

5. Nê-bu-cát-nết-sa đã chọn hạng người nào trong số những người Giu-đa bị bắt làm phu tù để vào học trường Ba-by-lôn? (Đa-ni-ên 1:3-5).

a. Những người trẻ tuổi ưu tú
b. Những người khỏe mạnh
c. Đàn ông

Dĩ nhiên, Nê-bu-cát-nết-sa đã chọn những người trẻ tuổi ưu tú nhất trong xứ Giu-đa để dạy họ cách thức, đường lối của Ba-by-lôn.

6. Trong số tất cả con cái người Giu-đa được vào trường huấn luyện, bốn thanh niên nào có tên ghi chép trong Kinh Thánh? (Đa-ni-ên 1:6).

a. Đa-ni-ên, Giô-na, Ha-na-nia, và A-xa-ria
b. Ha-na-nia, Mi-sa-ên, A-xa-ria, và Giê-rê-mi
c. Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria

Để hoàn toàn Ba-by-lôn hóa những thanh niên này, các tên mới được đặt cho họ để biểu lộ lòng trung thành đối với xứ Ba-by-lôn và các thần Ba-by-lôn. Tên Đa-ni-ên có nghĩa là “Đức Chúa Trời là đấng phán xét.” Theo nghĩa Ba-by-lôn, Bên-tơ-xát-sa, nghĩa là “Bên bảo vệ sinh mạng vua.” Bên là một trong các thần được nhiều người tôn thờ ở xứ Ba-by-lôn. Tên Ha-na-nia nghĩa là “Đức Giê-hô-va đầy nhân từ”, trong khi tên Ba-by-lôn là Sa-đơ-rắc chỉ về sự trung thành với thần Marduck của Ba-by-lôn. Tên Mi-sa-ên, nghĩa là “Người thuộc về Đức Chúa Trời” trở thành Mê-sác, chỉ về một thần khác của Ba-by-lôn. Tên A-xa-ria, nghĩa là “Đức Giê-hô-va cứu giúp” bị đổi thành A-bết-Nê-gô, “Tôi tớ của thần Na-bu.”

ĐA-NI-ÊN VÀ CÁC BẠN BỊ THỬ THÁCH

7. Chế độ dinh dưỡng nào dành cho những người được chọn (Đa-ni-ên 1:5).

a. Đặc sản
b. Ăn chay
c. Đồ ngon và rượu

8. Đức Chúa Trời đã dạy dân Y-sơ-ra-ên thế nào về việc uống rượu? (Châm ngôn 20:1; 23:31).

a. Rượu khiến người ta nhạo báng
b. Rượu làm cho con người sống thọ
c. Rượu giúp con người thông minh

9. Những thực phẩm nào có thể được dọn trên bàn ăn của vua Nê-bu-cát-nết-sa mà Đức Chúa Trời đã cấm dân Y-sơ-ra-ên dùng? (Lê-vi Ký 11:2-8).

a. Loài vật thanh sạch
b. Loài vật không thanh sạch
c. Câu (a) và (b) đều đúng

Thật là tấn thối lưỡng nan cho những người trai trẻ Hê-bơ-rơ. Mặc dù bị cầm tù, họ được đối xử như hoàng tộc. Họ có thể dùng các món ăn đặc biệt và ngồi tại bàn của vua, nhưng làm như vậy có nghĩa là bất phục tùng Đức Chúa Trời. Không ngồi ăn tại bàn vua có nghĩa là không vâng lệnh vua, là người đã đối xử với họ rất đặc biệt. Dầu vậy, Đa-ni-ên và các bạn đã không ngần ngại về sự quyết định của mình.

10. Đa-ni-ên và các bạn đã quyết định thế nào? (Đa-ni-ên 1:8).

a. Trung thành với vua
b. Trung thành với Đức Chúa Trời
c. Làm theo ý của mình

Không chút nghi ngờ trong lòng Đa-ni-ên. Trung thành với Đức Chúa Trời quan trọng hơn là trung thành với vua. Ở đây chúng ta thấy sự khởi đầu của một vấn đề sẽ được bày tỏ 6 nhiều lần trong sách Đa-ni-ên. Dân sự trung tín của Chúa đang bị dẫn vào cuộc tranh chấp, đó là vâng phục Đức Chúa Trời hay vâng lời loài người. Cũng như Đa-ni-ên, dân sự Chúa trong thời kỳ cuối cùng sẽ không do dự lựa chọn vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta. Đa-ni-ên 1:8 là một câu Kinh Thánh căn bản trong sách này, miêu tả rất sống động tại sao Đức Chúa Trời có thể tin tưởng tuyệt đối nơi Đa-ni-ên trong những kinh nghiệm mà Đa-ni-ên đã trải qua trong thời cổ Ba-by-lôn.

11. Đa-ni-ên đã yêu cầu hoạn quan trưởng điều gì? (Đa-ni-ên 1:8).

a. Chỉ ăn đồ ngon của vua
b. Miễn dùng thực phẩm của vua
c. Yết kiến vua

Đa-ni-ên cầu xin được miễn dùng thực phẩm của vua; ông là một tù nhân mà can đảm yêu cầu điều đó.

12. Đức Chúa Trời khiến Đa-ni-ên như thế nào trước mặt hoạn quan? (Đa-ni-ên 1:9, 10).

a. Được ơn
b. Thương xót
c. Câu (a) và (b) đều đúng

Người hoạn quan trưởng e ngại rằng sức khỏe của Đa-ni-ên và các bạn sẽ không được dồi dào nếu họ không ăn tại bàn vua. Nếu việc đó xảy ra, ông sẽ chịu trách nhiệm và chắc chắn sẽ bị giết; vì vậy nên ông sợ hãi.

13. Đa-ni-ên đã đề nghị điều gì? (Đa-ni-ên 1:11-13).

a. Thử trong 1 tuần
b. Thử trong 10 ngày
c. Thử trong 1 tháng

14. Đa-ni-ên và các bạn đã yêu cầu ăn gì trong mười ngày? (Đani-ên 1:12)

a. Rau và đậu
b. Thịt và rau
c. Rau và nước

Các thứ hạt, đậu cũng là rau. Đa-ni-ên và các bạn đã yêu cầu những thức ăn rất giản dị của người Giu-đa. Đa-ni-ên biết rằng trong lúc ở Ba-by-lôn, ông sẽ gặp những thử thách gay go nhất không thể tưởng tượng được. Nếu muốn trung tín với Đức Chúa Trời, thì phải sống và ăn uống giản dị. Người biết rằng nếu uống rượu và ăn thức ăn của vua thì nhiều lúc sẽ ở trong trạng thái mê muội như người say. Người sẽ không đủ sức chống lại sự cám dỗ và không giữ được lòng trung tín với Đức Chúa Trời. Vì vậy, điều cần thiết là phải ăn uống giản dị nếu muốn giữ lòng trung tín với Chúa giữa những thử thách lớn lao tại Ba-by-lôn.

KẾT QUẢ CỦA SỰ VÂNG LỜI

15. Kết quả thuộc thể của Đa-ni-ên và các bạn thế nào sau mười ngày thử nghiệm? (Đa-ni-ên 1:15).
a. Xinh tươi đầy đặn
b. Xanh xao yếu ớt
c. Trẻ đẹp

16. Kết quả thuộc linh của Đa-ni-ên và các bạn thế nào sau mười ngày thử nghiệm? (Đa-ni-ên 1:17).

a. Thông biết tỏ sáng
b. Khôn ngoan
c. Câu (a) và (b) đều đúng

17. Sau mười ngày thử nghiệm, Đa-ni-ên và các bạn so với những người khác ra sao? (Đa-ni-ên 1:19, 20).

a. Giỏi hơn gấp đôi
b. Giỏi hơn gấp mười
c. Không có gì khác biệt

Đa-ni-ên và các bạn được kiến thức và tài năng không phải chỉ do cách ăn uống của họ, mặc dầu thức ăn cũng đóng một vai trò quan trọng. Đức Chúa Trời ban cho những thanh niên này kiến thức và tài năng vì họ vâng theo tuyệt đối những nguyên tắc của Ngài. Chúa luôn luôn tôn trọng sự vâng phục của con cái Ngài.

Đa-ni-ên và các bạn là những sinh viên xuất sắc nhất trong trường đại học. Họ tài giỏi gấp mười lần những người khác trong cả vương quốc. Xin đừng hiểu lầm! Lý do họ giỏi gấp mười lần không phải vì họ là những nhân vật phi thường, nhưng nhờ vâng phục Đức Chúa Trời nên Ngài ban phước cho họ. Việc xảy ra trong đoạn này có nhiều liên quan đến phần còn lại của sách Đa-ni-ên. Bốn người trai trẻ này không phải là những thanh niên Hê-bơ-rơ duy nhất đã đương đầu với vấn đề khó khăn ở Ba-by-lôn. Tuy nhiên, họ là những người được chọn vào trường đại học mà vẫn giữ lòng trung tín với Đức Chúa Trời. Họ cũng là bốn người đã thắng mọi thử thách khác trong sách Đa-ni-ên. Khi chúng ta nghiên cứu Đa-ni-ên và lò lửa hực, Đa-ni-ên và hang sư tử, chúng ta sẽ thấy bốn người trẻ tuổi này luôn luôn trung tín. Nhưng ai nhượng bộ trong thử thách nhỏ, mà chúng ta thấy có vẻ dễ dàng, thì sẽ nhượng bộ mọi thử thách khác. Nếu chúng ta không trung tín với Đức Chúa Trời khi gặp sự thử thách dễ dàng, thì chúng ta không thể trung tín với Ngài khi gặp những thử thách khó khăn.

TÓM LƯỢC

Những bài học trong đoạn này:

1) Đức Chúa Trời cho phép vua Nê-bu-cát-nết-sa bắt dân Giu-đa làm phu tù vì họ đã lìa bỏ Ngài, không thờ phượng và không vâng lời Ngài. Vì thế Ngài đã rút sự bảo vệ của Ngài nên dân phải bị tù đày và thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá.

2) Đa-ni-ên và ba người bạn bị thử thách về vấn đề ăn uống, nhưng họ đã lựa chọn trung tín vâng lời Đức Chúa Trời. Họ ăn những thức ăn giản dị, bổ dưỡng, dù có phải trái lịnh vua. Kết quả của sự trung tín này là Đức Chúa Trời đã ban cho họ nhiều ơn phước. Họ thông minh gấp mười những người đồng thời, và Đa-ni-ên cũng được những sự hiện thấy và biết giải nghĩa chiêm bao.

3) Trước khi Chúa có thể trọng dụng dân sự Ngài, họ phải bị thử thách. Những ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng sẽ trung tín trong việc lớn.

QUYẾT ĐỊNH

 Tôi muốn trung tín và vâng phục Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh dù nhỏ nhặt để tôi có thể đứng vững trong thời kỳ khó khăn.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên
Kiểm Tra 2

1) Ai cho phép vua Nê-bu-cát-nết-sa chiếm thành Giê-ru-salem?
________________________________________________

2) Tại sao Chúa cho phép vua Nê-bu-cát-nết-sa bắt dân Giu-đa?
________________________________________________

3) Đa-ni-ên và ba người bạn bị thử thách về gì?
________________________________________________

4) Đa-ni-ên và các bạn quyết định điều gì?
________________________________________________

5) Họ yêu cầu được ăn uống gì trong mười ngày?
________________________________________________

6) Bài học chính trong Đa-ni-ên đoạn 1 là gì?
________________________________________________
________________________________________________
________________________________________________
________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 02 – Cuoc Dau Tranh Bat Dau

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 02 – Danien

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *