Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Đa Số Có Sai Lầm Chăng (Bài 18 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Đa Số Có Sai Lầm Chăng (Bài 18 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Cách đây nhiều năm, một linh mục Công giáo tên Thomas Enright, cựu viện trưởng trường Đại học Redemptorist ở Kansas City, Missouri, công khai thách thức bất cứ người nào tìm được một câu Kinh Thánh nói rằng sự thánh khiết của ngày thứ Bảy Sabát đã được đổi sang ngày thứ Nhất. Tờ báo Hartford tại Kansas, trong mục “Weekly Call,” ngày 22 tháng 2, năm 1884 đã đăng lời thách đố đó như sau:

“Tôi sẽ thưởng 1.000 Mỹ kim cho bất cứ ai sẽ chứng minh được rằng ngày Chủ nhật là ngày chúng ta phải giữ trong Kinh Thánh.”

Hằng ngàn người thi nhau đọc Kinh Thánh để tìm chân lý. Nhưng họ đều rất ngạc nhiên không tìm được câu Kinh Thánh nào chứng minh ngày Chủ nhật (Sunday) là ngày Sa-bát. Cho tới nay, không ai tuyên bố đã lãnh được số tiền thưởng 1.000 Mỹ kim này.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu Kinh Thánh nói gì về ngày thứ Nhất và gốc tích sự giữ ngày thứ Nhất phát xuất từ đâu.

1. NHỮNG CÂU HỎI QUAN TRỌNG

Thế giới Cơ Đốc ngày nay giữ hai ngày khác nhau. Đa số giữ ngày thứ Nhất trong tuần lễ, ngày mà họ tin rằng đó là ngày kỷ niệm Chúa sống lại. Còn một số khác theo đúng Kinh Thánh dạy giữ ngày thứ Bảy Sa-bát và không đề cập gì về sự giữ ngày thứ Nhất làm ngày thánh.

Là những người tin Chúa và sốt sắng muốn biết lẽ thật, chúng ta phải luôn luôn tự hỏi, “Ngày nào quan trọng đối với Đức Chúa Giê-su? Ngài muốn chúng ta giữ ngày nào?”

Để trả lời cho những câu hỏi trên, chúng ta cần nghiên cứu những sự kiện quan trọng sau đây: Tại sao có sự thay đổi ngày Sa-bát từ ngày thứ Bảy sang ngày thứ Nhất trong tuần? Kinh Thánh có cho phép sự thay đổi này không?

2. ĐỨC CHÚA GIÊ-SU GIỮ NGÀY NÀO?

Có người nói rằng ta không cần giữ một ngày nào đặc biệt, mà giữ tất cả mọi ngày. Tuy nhiên, người ta không thể ngày nào cũng nghỉ ngơi, không mua bán, không làm việc. Người khác nói, “Giữ ngày nào cũng được.” Nhưng Chúa dạy, “Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ Bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; trong ngày đó. . . ngươi chớ làm công việc chi hết.” (Xuất Ê- díp-tô Ký 20:9, 10).

Thật là rõ ràng! Không ai có thể lầm lẫn được. Chính Đức Chúa Giê-su cũng cẩn thận giữ ngày Sa-bát (Lu-ca 4:16). Ngài gọi ngày đó là “ngày thánh của ta” (Ê-sai 58:13).

Theo gương Chúa, chúng ta cũng giữ đúng ngày mà Ngài đã giữ. Các sứ đồ và hội thánh đầu tiên đều giữ ngày Sa-bát. Dân sự Chúa trong ngày sau rốt là dân giữ ngày Sa-bát. “Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 14:12).

Nói tóm lại, trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời thiết lập ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát. Trên trái đất này, Đức Chúa Giê-su và dân sự Ngài giữ ngày Sa-bát. Nơi trời mới đất mới, Ngài và dân sự vẫn tiếp tục giữ ngày Sa-bát (Ê-sai 66:23).

3. CÁC SỨ ĐỒ GIỮ NGÀY NÀO?

Có người nói rằng sau khi Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, người ta không còn giữ ngày Sa-bát nữa. Điều đó không đúng. Mỗi lần Tân Ước nói tới ngày nghỉ, hoặc trước hay sau khi Chúa chết, đều nói tới ngày Sa-bát tức là ngày thứ Bảy.

Phao-lô, nhà truyền giáo trứ danh cho dân ngoại, giữ ngày thứ Bảy trong tuần. Nhưng Kinh Thánh nói sao? Tại thành Tê- sa-lô-ni-ca, “Phao-lô tới nhà hội theo thói quen mình, và trong ba ngày Sa-bát biện luận với họ, lấy Kinh Thánh cắt nghĩa” (Công vụ các Sứ đồ 17:2). Còn ở thành Cô-rinhtô, thì “hễ đến ngày Sa-bát, thì Phao-lô giảng luận trong nhà hội.” Ông ở thành này một năm sáu tháng, tức là ông đã giữ 78 ngày Sa-bát tại Cô-rinh-tô (Công vụ các Sứ đồ 18:4, 11). Cũng như Đức Chúa Giê-su, Phao-lô theo thói quen mình, đi nhà thờ mỗi ngày thứ Bảy Sa-bát.

4. KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ NGÀY THỨ NHẤT?

Kinh Thánh có dạy ta giữ ngày thứ Nhất trong tuần không? Thưa không. Từ Sáng thế Ký tới Khải huyền, không có câu nào Chúa dạy ta giữ ngày thứ Nhất làm ngày thánh.

Trong Tân Ước chỉ có tám lần nói về ngày thứ Nhất, và không có lần nào gọi ngày đó là ngày Sa-bát hay ngày thánh.

Kinh Thánh không bao giờ gọi ngày thứ Nhất là ngày Chúa nhật hay Chủ nhật.

Kinh Thánh cũng không bao giờ truyền dạy giữ ngày thứ Nhất làm ngày thánh.

(1) Ma-thi-ơ 28:1 – Môn đồ đến thăm mồ Chúa ngày thứ Nhất.

(2) Mác 16:1, 2 – “Khi ngày Sa-bát qua rồi” các bà mới đi mua thuốc thơm đặng xức xác Đức Chúa Giê-su. Sáng sớm ngày thứ Nhất trong tuần, họ đến nơi mộ của Chúa.

(3) Mác 16:9 – Đức Chúa Giê-su sống lại sáng sớm ngày thứ Nhất và hiện ra cùng Ma-ri Ma-đơ-len.

(4) Lu-ca 24:1 – Ngày thứ Nhất trong tuần, các bà mới đem thuốc thơm đến mồ Chúa.

(5) Giăng 20:1 – Ngày thứ Nhất trong tuần, Ma-ri Mađơ-len tới mộ Ngài.

(6) Giăng 20:19 – Chiều ngày thứ Nhất trong tuần, những cửa nơi các môn đồ ở đều đóng lại “vì sợ dân Giu-đa.” Họ chưa tin Chúa đã sống lại nên họ không thể họp nhau để mừng Chúa phục sinh.

(7) I Cô-rinh-tô 16:1, 2 – Phao-lô khuyên các tín đồ cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi người “để dành tiền tại nhà mình” đặng giúp các tín đồ nghèo tại thành Giê-ru-sa-lem. Đoạn này không nói gì tới những buổi họp thờ phượng.

(8) Công vụ các Sứ đồ 20:7 – Phao-lô giảng bài từ giã vào tối ngày thứ Nhất trong tuần. Dĩ nhiên là ông giảng mỗi ngày, và các môn đồ bẻ bánh mỗi ngày. (Đọc Công vụ các Sứ đồ 2:46). 5 Điều này không làm mỗi ngày trở thành ngày thánh. Những câu trên đây không nói gì về việc các sứ đồ thay đổi ngày Sa-bát từ ngày thứ Bảy qua ngày thứ Nhất. Sự thay đổi xảy ra sau khi Đức Chúa Giê-su thăng thiên và các sứ đồ đã qua đời. Vì thế chúng ta phải nghiên cứu lịch sử để xem khi nào và thế nào đã có sự thay đổi này.

5. SỰ GIỮ NGÀY THỨ NHẤT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Dân ngoại đã thờ thần mặt trời hơn 3.000 năm rồi. Trong Cựu Ước có nhiều câu ngăn cấm việc thờ lạy mặt trời, vì hồi xưa phong tục ấy phổ thông lắm. Ê-xê-chi-ên 8:16 có viết rằng, “Kế đó, Ngài [Chúa Giê-hô-va] đem ta vào hành lang trong của nhà Đức Giê-hô-va. . . giữa hiên cửa và bàn thờ, ta thấy có ước chừng hai mươi lăm người sấp lưng về phía đền thờ Đức Giê- hô-va và xây mặt về phía đông, hướng về phương đông mà thờ lạy mặt trời.” Xin đọc thêm Phục truyền Luật lệ Ký 4:19; 17:3; II Các Vua 23:5, 11.

Dân chúng có tục lệ giữ những ngày lễ linh đình, có hát múa, rượu chè để thờ lạy mặt trời. Họ gọi những ngày lễ ấy là ngày mặt trời. Do đó mà ngày nay người Anh, người Mỹ có danh từ Sunday (ngày mặt trời) vậy.

Hiện nay có hằng triệu Cơ Đốc nhân thờ phượng trong ngày lễ mặt trời của dân ngoại mà không để ý. Họ lý luận rằng họ giữ ngày đó để kỷ niệm Chúa sống lại. Nhưng không có câu nào trong Kinh Thánh Chúa truyền chúng ta giữ ngày thứ Nhất để kỷ niệm sự Chúa sống lại. Đây chỉ là một luật lệ do con người đặt ra mà thôi. Đức Chúa Giê-su phán, “Các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời. . . . Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra” (Ma-thi-ơ 15:6, 9).

Một số người đã tìm được lẽ thật, quay về giữ ngày Sa-bát của Đức Chúa Trời. Tôn trọng ngày thứ Bảy Sa-bát của Đức Chúa Trời là giữ điều răn thứ tư cùng những điều răn khác, và thờ phượng Ngài là Đấng Tạo Hóa.

Sứ đồ Phao-lô nói trước, “Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em. . . . Vậy, hãy tỉnh thức” (Công vụ các Sứ đồ 20:29, 31).

Ông cũng cảnh cáo rõ ràng một số Cơ Đốc nhân sẽ bỏ tín lý của Kinh Thánh. “Vì phải có sự bỏ đạo đến trước. . . . Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra. . . . Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỷ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ. . . dùng mọi cách phỉnh dỗ không công bình mà dỗ những kẻ hư mất” (II Tê-sa-lô-nica 2:3-10).

Điều đã xảy ra đúng như Phao-lô nói. Sau khi các sứ đồ qua đời, hội thánh trở nên giàu có và tăng thêm uy tín, lúc đó đế quốc La Mã bắt đầu suy đồi, các nhà lãnh đạo trong chính quyền, là những người thờ mặt trời, nghĩ rằng giáo hội có thể giúp họ tăng thêm quyền lực, nên họ gia nhập hội thánh rất đông. Để giúp những tín đồ mới theo đạo được thuận tiện và dễ dàng, các nhà lãnh đạo tôn giáo bắt đầu đem vào hội thánh những giáo lý và lễ nghi của dân ngoại. Lời truyền khẩu và tà thuyết xâm nhập từ từ vào hội thánh.

Đại đế La Mã là Constantine, một người thờ mặt trời gia nhập giáo hội. Ngày 7 tháng 3 năm 321 Sau Chúa (S.C.), vua ra sắc lệnh đầu tiên thiết lập ngày thứ Nhất làm ngày quốc lễ. Khi ra sắc lệnh, vua công khai tuyên bố ngày thứ Nhất trong tuần là “ngày đáng kính của mặt trời.” Dân ngoại gọi ngày thứ Nhất là Sunday (ngày của mặt trời). Hết thảy mọi người phải nghỉ ngày thứ Nhất, và các văn phòng chính phủ đều phải đóng cửa. Một thời gian sau, khoảng 364 S.C., Hội Nghị Lao-đi-xê ra lệnh cấm các Cơ Đốc nhân nghỉ làm việc trong ngày Sa-bát. Họ thúc 7 giục mọi người tôn trọng ngày thứ Nhất và nghỉ làm việc trong ngày đó.

Lịch sử chứng minh rằng sự tôn trọng ngày thứ Nhất là một tục lệ do loài người đặt ra. Tiên tri Đa-ni-ên nói trước rằng sẽ có một quyền lực quyết định thay đổi luật pháp Đức Chúa Trời (Đa-ni-ên 7:25).

6. AI ĐÃ THAY ĐỔI NGÀY SA-BÁT?

Ai đã chính thức chuyển ngày Sa-bát từ thứ Bảy qua ngày thứ Nhất trong tuần lễ? Hội Công giáo La Mã đã tuyên bố làm điều đó. Quyển sách giáo lý của Công giáo viết:

“Hỏi: Ngày nào là ngày Sa-bát?

“Đáp: Thứ Bảy là ngày Sa-bát.

“Hỏi: Tại sao chúng ta giữ ngày thứ Nhất thay vì thứ Bảy?

“Đáp: Chúng ta giữ ngày thứ Nhất thay vì thứ Bảy vì giáo hội Công giáo. . . chuyển sự long trọng từ ngày thứ Bảy qua ngày thứ Nhất.”—Peter Geiermann, The Convert’s Catechism of Catholic Doctrine (1987 Edition), tr. 50.

Hội Công giáo hãnh diện tuyên bố rằng chính họ đã làm sự thay đổi này. “Ngày Sa-bát thánh được chuyển từ thứ Bảy qua Chủ nhật . . . không do sự dạy dỗ của Kinh Thánh, nhưng do quyền thế của giáo hội. . . . Những người nghĩ rằng chỉ Kinh Thánh mới chính xác tuyệt đối, thì họ nên trở thành tín đồ Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm, và giữ ngày thứ Bảy làm ngày thánh.”—Cardinal Maida, Tổng Giám mục tại Detroit, Saint Catherine Catholic Church Sentinel, Algonac, Michigan, 21 tháng 5, 1995.

7. VẤN ĐỀ CHÍNH LÀ GÌ?

Nhiều người hỏi, “Tại sao phần đông Cơ Đốc nhân giữ ngày thứ Nhất, ngày mà Đức Chúa Trời không thiết lập?” Vì họ làm theo luật loài người chứ không theo luật của Đức Chúa Trời.

Một câu hỏi quan trọng khác, “Tôi phải giữ ngày nào? Tôi có nên coi là quan trọng ngày mà Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của chúng ta đã thiết lập khi Ngài dựng nên thế gian, và ngày mà Đức Chúa Trời đã viết trong Mười Điều răn, “Hãy nhớ” để giữ làm ngày thánh chăng?

Vấn đề quan trọng ở đây không phải là sự giữ một ngày, nhưng là sự vâng lời. Chúng ta vâng giữ điều răn Chúa hay vâng theo luật lệ của loài người. Chính Chúa Giê-su phán, “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15).

Bạn có muốn tỏ lòng yêu mến Chúa bằng cách vâng giữ các điều răn của Ngài chăng?

Bài học 19 sẽ giải đáp câu hỏi:

PHÉP BÁP-TÊM CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

Trắc Nghiệm 18

  1. Đa số Cơ Đốc nhân giữ ngày nào làm ngày thờ phượng? ________________________________________________
  2. Đức Chúa Giê-su giữ ngày nào làm ngày thánh? _____________________
  3. Sứ đồ Phao-lô giữ bao nhiêu ngày Sa-bát tại Cô-rinh-tô? _____________________
  4. Tân Ước nói bao nhiêu lần về ngày thứ Nhất? ____________________
  5. Chúa có dạy giữ Chủ nhật làm ngày thánh không? ___________________
  6. Giáo hội nào đã thay đổi ngày thánh của Chúa? ________________________________________________
  7. Chúng ta giữ ngày nào để chứng tỏ mình vâng lời Chúa? ________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Đa Số Có Sai Lầm Chăng (Bài 18 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Đa Số Có Sai Lầm Chăng (Bài 18 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *