Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Dân Sự Chúa Chúa Được Giải Cứu (Bài 22 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Dân Sự Chúa Chúa Được Giải Cứu (Bài 22 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

BÀI 22. DÂN SỰ CHÚA ĐƯỢC GIẢI CỨU

Hôm nay chúng ta nghiên cứu đoạn chót của sách Đa-ni-ên. Trong nhiều tháng qua, chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời đã khải thị nhiều điều quan trọng liên quan đến lịch sử thế giới và dân sự Ngài, công việc cứu chuộc của Đấng Christ trên thế gian, việc cầu thay và phán xét trong đền thánh trên trời. Sách này cũng cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng; Ngài điều khiển mọi biến cố trong lịch sử nhân loại, hoàn thành tất cả chương trình, kế hoạch của Ngài và cuối cùng Ngài sẽ chiến thắng.

Mặc dù lịch sử nhân loại đầy dẫy chiến tranh và tội ác, những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên khải thị rằng các sự xung đột sẽ kết thúc. Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt hết mọi tội lỗi và gian ác. Đoạn 12 có thể chia làm bốn phần: những biến cố xảy ra vào thời kỳ cuối cùng (câu 1-4); những câu hỏi và trả lời (câu 5-10); thời kỳ tiên tri và chúc phước (11, 12); và lời hứa cho Đa-ni-ên (câu 13).

NGÀY GIẢI CỨU

1. Khi nào Mi-ca-ên sẽ trỗi dậy? (Đa-ni-ên 12:1).

a. Trong kỳ đó
b. Trong những kỳ
c. Trong kỳ đầu tiên

“Kỳ đó” là khi nào? Đó là thời kỳ mà kẻ bắt bớ đề cập đến trong Đa-ni-ên 11:40-45 sẽ “đến sự cuối cùng mình.” Đây là lúc quyền lực của tội ác dường như hoàn toàn điều khiển các biến cố trên đất và dân sự Đức Chúa Trời bị đàn áp đến tột độ. Bấy giờ Ngài sẽ can thiệp để giải cứu dân sự Ngài. Khi quyền lực tội ác thành lập tổng tư lệnh tại “đất vinh hiển” (Đa-ni-ên 11:45), là lúc hắn muốn chiếm nước thiên đàng, thì Đấng Christ sẽ trỗi dậy.

Mi-ca-ên là ai? Mi-ca-ên là một tên khác của Đấng Christ. Ngài là Đấng đã tranh chiến cùng Sa-tan và quăng hắn ra khỏi thiên đàng (Khải huyền 12:7-9); cuối cùng Ngài sẽ hủy diệt hắn (xin xem bài 18).

Tại sao Mi-ca-ên “trỗi dậy”? Chúng ta còn nhớ Đa-ni-ên 7 (bài học 17) nói về sự điều tra phán xét, miêu tả cảnh phán xét oai nghiêm trên thiên đàng. Các ngôi được đặt tại nơi Chí thánh trong đền thánh trên trời, có Đấng Thượng Cổ (Đức Chúa Cha) và Con người (Đức Chúa Giê-su) ngồi ở trên để bắt đầu cuộc điều tra phán xét. Nếu “ngồi trên ngôi” miêu tả sự phán xét bắt đầu (Đa-ni-ên 7:9, 10, 13), thì “trỗi dậy” bày tỏ sự phán xét đã hoàn tất. Đức Chúa Giê-su sẽ ra khỏi nơi Chí thánh, chấm dứt công việc điều tra phán xét, cửa ân điển sẽ đóng lại, và Ngài sẽ tái lâm để tiếp rước dân sự trung tín về nhà mà Ngài đã sắm sẵn cho họ.

Vào thời kỳ cuối cùng sẽ có tai nạn rất đỗi lớn lao như chưa bao giờ có. Giống như ba người trai trẻ Hê-bơ-rơ bị quăng vào lò lửa hực vì trung tín với Chúa, thì trong ngày cuối cùng, dân sự Đức Chúa Trời cũng phải chịu những thử thách nặng nề. Đức Chúa Giê-su đã phán một trong những dấu hiệu trước khi Ngài phục lâm là “Người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi” (Ma-thi-ơ 24:9). Họ là những người phải trải qua các tai nạn lớn lao cuối cùng nhưng họ sẽ được giải cứu (Khải huyền 7:14).

2. Chúa hứa với dân sự Ngài điều gì? (Đa-ni-ên 12:1).

a. Tất cả người Do Thái sẽ được cứu
b. Kẻ nào được ghi trong quyển sách kia sẽ được cứu
c. Mọi người đều được cứu khi Chúa trở lại

Quyển sách kia là sách sự sống (xin đọc Khải huyền 13:8; 20:12, 15; 21:27).

Lời hứa này được phán cùng Đa-ni-ên. “Dân sự ngươi” có phải là dân Do Thái vì Đa-ni-ên là người Do Thái chăng? Như vậy phải chăng chỉ dân Do Thái mới được giải cứu trong sự xung đột cuối cùng sao? Có phải Đa-ni-ên 12:1 nói về những người Do Thái đang sống ở Trung Đông, Nữu Ước, hay bất cứ nơi nào khác? Chữ “dân sự ngươi” áp dụng cho ai trong thời kỳ sau rốt? Kinh Thánh sẽ trả lời những câu hỏi trên đây.

Y-SƠ-RA-ÊN THIÊNG LIÊNG

3. Phao-lô nói gì về những người tin và thuộc về Đấng Christ? (Ga-la-ti 3:29).

a. Anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham
b. Anh em là kẻ kế tự theo lời hứa
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng nếu bạn thuộc về Đấng Christ thì bạn là dòng dõi của Áp-ra-ham. Dòng dõi của Áp-ra-ham được gọi là Y-sơ-ra-ên. Vì thế, tất cả Cơ Đốc nhân trung tín là dân Y-sơ-ra-ên thật. Ga-la-ti 3:26-28 nói rõ những người tin Đức Chúa Giê-su Christ đều là con của Đức Chúa Trời vì trong Đức Chúa Giê-su Christ, chúng ta hết thảy đều là một. Phao-lô nói thêm rằng Y-sơ-ra-ên mới này, là hội thánh Đấng Christ, là dân thừa hưởng những lời hứa ban cho Áp-ra-ham. Như thế, những lời hứa trong Cựu Ước dành cho dân Y-sơ-ra-ên theo phần xác được làm trọn trong dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, là những người chấp nhận Đức Chúa Giê-su Christ và được chuộc bởi huyết báu Ngài.

4. Khi dân Giu-đa từ Ba-by-lôn về, Chúa đã cho họ thời gian bao lâu? (Đa-ni-ên 9:24).

a. 70 tuần lễ
b. 70 ngày
c. 70 năm

Chúng ta đã nghiên cứu trong Đa-ni-ên 9 (xem bài học 15), bảy mươi tuần lễ này nói về 490 năm định cho dân Giu-đa để họ trở về đường lối ngay thẳng của dân giao ước. Cuối thời kỳ này, họ đã chối bỏ Đấng Cứu Thế, lên án và đóng đinh Ngài; nhưng vì lòng nhân từ thương xót, Chúa đã cho họ thêm ba năm rưỡi nữa. Các sứ đồ đã biệt riêng ba năm rưỡi để rao giảng cho dân Do Thái. Tuy nhiên, vào năm 34 S.C., Ê-tiên kêu gọi dân Do Thái lần chót hãy ăn năn và chấp nhận Đấng Mê-si. Các nhà lãnh đạo Do Thái không những từ chối lời kêu gọi mà còn ném đá Ê-tiên (Công vụ 7). Sau khi Ê-tiên chết, các Cơ Đốc nhân bị bắt bớ cách dữ dội; vì thế, họ phải rời bỏ thành Giê-ru-sa-lem, tản lạc khắp nơi, và bắt đầu rao giảng tin lành cho dân ngoại (Công vụ 8:4).

Sau năm 34 S.C., Đức Chúa Giê-su đã từ bỏ tuyển dân Do Thái, và làm việc qua “Y-sơ-ra-ên thiêng liêng”, là hội thánh Ngài, gồm những người chấp nhận Ngài và được chuộc bởi huyết báu của Ngài (Ê-phê-sô 4:22-27). Chúng ta là “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9).

5. Việc gì đã xảy ra cho tuyển dân Giu-đa? (Ma-thi-ơ 21:43).

a. Được vào nước thiên đàng trước
b. Bị mất nước thiên đàng
c. Được Chúa cất đi một cách bí mật

Thật là một lời tuyên bố kinh khủng! Nước của Đức Chúa Trời đã cất khỏi dân Do Thái và “cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó.” Quốc gia mà ngày xưa đã từng được vinh dự ủy thác việc gìn giữ và rao truyền lẽ thật của Đức Chúa Trời, giờ đây đã giết Con Ngài và ném đá tôi tớ Ngài! Vì thế, chữ “Y-sơ-ra-ên” thiêng liêng không còn áp dụng cho họ nữa. Chỉ những ai chấp nhận Đấng Christ mới là tuyển dân của Ngài.

NHỮNG BIẾN CỐ CUỐI CÙNG

6. Số phận của những kẻ được sống lại thế nào? (Đa-ni-ên 12:2).

a. Kẻ sống lại để sống đời đời
b. Kẻ sống lại để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Những kẻ được sống lại ở đây gồm hai hạng: (1) những người có tên ghi trong sách sự sống sẽ được sống đời đời; (2) còn một số người không có tên ghi trong sách này. Đó là những kẻ nhạo báng Đấng Christ, lên án và đóng đinh Ngài trên cây thập tự (Khải huyền 1:7). Ngài đã phán cùng thầy cả thượng phẩm Cai-phe trong Ma-thi-ơ 26:64, “Về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây trời mà xuống.” Những kẻ này được sống lại để thấy sự vinh hiển của Ngài trong ngày tái lâm, sau đó họ sẽ “chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời.”

7. Ai là những người khôn sáng và phần thưởng của họ là gì? (Đa-ni-ên 12:3).

a. Những nhà bác học
b. Những nhà chiêm tinh gia
c. Những người dắt đem nhiều người về sự công bình

Những kẻ “khôn sáng” là những người đã biết lựa chọn cách khôn ngoan. Họ không sống cho mình, mà sống để đem ơn phước cho những người khác. Họ rao truyền sứ điệp của Chúa và làm chứng cho tình yêu thương Ngài, dắt đem nhiều người về sự công bình. Bạn có muốn ở trong số những người này không?

8. Thiên sứ Gáp-ri-ên truyền Đa-ni-ên làm gì ? (Đa-ni-ên 12:4- 5).

a. Hãy đóng ấn sách này
b. Hãy in quyển sách này ra nhiều bản
c. Hãy đốt quyển sách này đi

Thiên sứ không có ý nói là tất cả những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên đều bị đóng ấn, nhưng chỉ những lời tiên tri liên quan tới thời kỳ cuối cùng. Vào lúc đó, những lời tiên tri này sẽ được ứng nghiệm và sẽ được rao truyền khắp nơi. Gáp-ri-ên cũng nói kiến thức sẽ tăng thêm trong ngày cuối cùng. Lời tiên tri này áp dụng không những về sự phát triển nhanh chóng của khoa học và kỹ thuật trên thế giới, nhưng cũng đặc biệt áp 6 dụng cho sự hiểu biết về sách Đa-ni-ên. Trước khi Chúa tái lâm, sách Đa-ni-ên sẽ được mở ấn. Hằng ngàn người sẽ học những lời tiên tri này để sửa soạn cho ngày Chúa trở lại.

9. Khi nào thì sách Đa-ni-ên được mở ấn? (Đa-ni-ên 12:5-7).

a. Khi Chúa trở lại
b. Qua một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ
c. Khi Đa-ni-ên chết

Người mặc vải gai đứng trên nước sông đây không ai khác hơn là Mi-ca-ên (Đa-ni-ên 10:5). Khi người giơ cả hai tay lên trời, chỉ Đấng hằng sống mà thề, chứng tỏ đây là một lời tuyên bố rất quan trọng. Thời gian một kỳ, những kỳ và nửa kỳ là 1260, từ 538 đến 1798, như đã được giải nghĩa trong Đa-ni-ên 7:25 (bài học 9). Sau thời gian bắt bớ đạo dữ dội trong 1260 năm, thì Đức Chúa Trời sẽ ban ánh sáng để dân sự hiểu được lời tiên tri về ngày cuối cùng.

10. Chúa trả lời thế nào khi Đa-ni-ên không hiểu? (Đa-ni-ên 12:8-10).

a. Quyển sách phải được đóng ấn cho đến kỳ cuối cùng
b. Đa-ni-ên phải tự tìm hiểu
c. Không ai được phép đọc sách này

Mặc dù Đa-ni-ên không hiểu lời tiên tri này và cầu hỏi Chúa, Ngài cũng không giải nghĩa, vì sự ứng nghiệm lời tiên tri này còn xa lắm. Nhưng Ngài sẽ khải thị trong ngày cuối cùng. Sự ứng nghiệm đã được chép trong Khải huyền, khi sách Đa-ni-ên được mở ấn; lúc đó Chúa phán “không còn có thì giờ nào nữa” (Khải huyền 10:6).

Những kẻ khôn sáng sẽ được Đức Chúa Trời soi sáng để hiểu lời tiên tri. Họ sẽ nhờ ân điển của Chúa để được tinh sạch và trắng, và được luyện lọc, nghĩa là họ phải trải qua những sự thử thách nặng nề. Còn những kẻ dữ thì cứ làm điều dữ, và sẽ không hiểu gì hết vì họ đã coi thường những lời tiên tri và cảnh cáo của Chúa.

HAI THỜI KỲ TIÊN TRI

11. Hai thời kỳ tiên tri nào được nói tới trong đoạn này? (Đa-niên 12:11, 12).

a. Thời kỳ 1260 ngày và 1335 ngày
b. Thời kỳ 1260 ngày và 1290 ngày
c. Thời kỳ 1290 ngày và 1335 ngày

Thời kỳ 1290 ngày và 1335 ngày liên quan với 1260 ngày mà lời tiên tri nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Những thời kỳ ấy bắt đầu từ khi sự thờ phượng thật bị bỏ, và sự gớm ghiếc của antichrist được thành lập. Thời kỳ 1290 dài hơn thời kỳ 1260 ngày là 30 ngày, là khởi đầu với “sự trừ bỏ của lễ thiêu hằng dâng,” và sửa soạn thiết lập “sự gớm ghiếc làm cho hoang vu.” (Dạy những giáo lý trái với Kinh Thánh, bài học 21).

Theo cách tính thời kỳ tiên tri, một ngày là một năm (Ê-xê-chiên 4:6). Nếu lấy năm 1798 trừ đi 1290, chúng ta có niên hiệu 508 S.C. Năm đó, vua nước Pháp là Clovis, chấp nhận đức tin Công giáo, và trở nên người nâng đỡ rất quan trọng cho hội Công giáo, mở đường cho sự hiệp một giữa tôn giáo và chính trị năm 538 S.C. Vua cũng bắt hết cả quần thần phải theo Công giáo, và hết sức tiêu diệt tôn giáo Arius, là tôn giáo rất thịnh hành thời đó. Đây là thời điểm quan trọng trong việc thiết lập quyền thế tối cao của giáo hoàng La Mã tại Tây phương, sửa soạn cho thời kỳ bắt đạo 1260 năm.

Thời kỳ tiên tri 1335 ngày/năm cũng bắt đầu năm 508 S.C., và chấm dứt năm 1843/1844. Đó là năm rất quan trọng liên hệ tới phong trào do William Miller khởi xướng, rao truyền sứ điệp đền thánh được thanh sạch và sự Chúa tái lâm. Câu 12 nói “Phước thay cho kẻ đợi, và đến 1335 ngày.” Từ năm l844, chúng ta sống trong thời kỳ cuối cùng, là thời kỳ điều tra phán xét, và thời kỳ trước ngày Chúa tái lâm. Cảm tạ Chúa, Đức Chúa Giê-su sắp trở lại! Chúng ta là những người thật có phước!

12. Đức Chúa Trời hứa gì với Đa-ni-ên? (Đa-ni-ên 12:13).

a. Đa-ni-ên sẽ ngồi bên hữu của Đức Chúa Giê-su
b. Đa-ni-ên sẽ đứng trong sản nghiệp mình
c. Đa-ni-ên sẽ được sống lại trước các Cơ Đốc nhân

Khi dân Y-sơ-ra-ên sắp sửa vào Đất hứa, mỗi chi phái bắt thăm cho phần đất sản nghiệp của mình. Chúng ta cũng đang đứng 8 Printed in U.S.A. Copyright © 2008 by Tiếng Nói Hy Vọng. All Rights Reserved. tại ranh giới của Đất hứa trên trời. Sản nghiệp dành cho Đa-niên là chắc chắn. Tất cả những người trung tín cũng sẽ được đứng với Đa-ni-ên. Thật là vui mừng khi sách này kết thúc với lời hứa quý báu cho Đa-ni-ên. Lời hứa này cũng cho chúng ta nữa nếu chúng ta trung tín với Chúa như Đa-ni-ên.

TÓM LƯỢC

1) Tin mừng trong đoạn này là vào thời kỳ cuối cùng, Mi-ca-ên sẽ trỗi dậy giải cứu dân sự Ngài. Họ sẽ phải trải qua những tai nạn lớn lao, nhưng Ngài sẽ cùng đi với họ và giải cứu họ.

2) Một số lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên được đóng ấn cho tới thời kỳ cuối cùng. Đức Chúa Trời sẽ ban ánh sáng cho thế hệ sau cùng để hiểu và rao truyền các lời tiên tri này. Nhưng chỉ những kẻ khôn sáng sẽ hiểu, còn kẻ dữ sẽ chẳng hiểu gì.

KẾT LUẬN VỀ SÁCH ĐA-NI-ÊN

Đa-ni-ên kết luận sách này với niềm vui lớn! Đấng Christ sẽ chiến thắng! Dân sự Ngài cũng sẽ chiến thắng! Ngài giải cứu họ và ban cho họ sự sống đời đời! Cả vũ trụ sẽ được tinh sạch, không còn những vết nhơ tội lỗi. Cuộc thiện ác đấu tranh sẽ chấm dứt vĩnh viễn! Sa-tan và các tay sai của hắn sẽ bị tận diệt! Các kẻ gian ác cũng sẽ bị tiêu hủy. Bệnh tật, đau buồn, than khóc, tội lỗi, và chết chóc không còn nữa. Đa-ni-ên 12 khai mạc một kỷ nguyên mới, một thế giới mới, một thế giới đẹp đẽ, bình an và phước hạnh cho những người yêu mến Đức Chúa Trời, như Ngài đã dự định từ buổi sáng thế. A-lê-lu-gia!

QUYẾT ĐỊNH

  • Tôi quyết tâm trung tín với Chúa như Đa-ni-ên để được sẵn sàng nghinh tiếp Ngài phục lâm.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên

Kiểm Tra 22

1) Khi nào và tại sao Mi-ca-ên trỗi dậy?

________________________________________________

2) Lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra?

________________________________________________

3) Y-sơ-ra-ên thiêng liêng là gì?

________________________________________________

4) Khi nào sách Đa-ni-ên được mở ấn?

________________________________________________

5) Khi nào các thời kỳ tiên tri 1290 ngày và 1335 ngày bắt đầu và chấm dứt?

________________________________________________

________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 22 – Dan Su Chua Duoc Giai Cuu

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 22 – Danien

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *