Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Giải Pháp Cho Thế Giới Tội Lỗi (Chương 10 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Giải Pháp Cho Thế Giới Tội Lỗi (Chương 10 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Chương 10: Giải Pháp Cho Thế Giới Tội Lỗi

Nhiều người muốn nhà mình là nơi để tạm lánh xa những căng thẳng và khó khăn của thế giới lãnh đạm và hỗn loạn. Họ muốn tìm thấy tình thương và an toàn trong gia đình mình. Nhưng các nhà nghiên cứu về tương lai cho biết rằng nhà của chúng ta trong thế kỷ thứ 21 sẽ có nhiều thay đổi chưa từng thấy. Những câu hỏi là: Làm sao giá trị gia đình có thể tồn tại trong thế kỷ thứ 21? Đời sống trong gia đình bạn sẽ như thế nào trong thế kỷ thứ 21? Vài sự thay đổi nghe như là những tin vui, chẳng hạn người ta sẽ làm việc ở nhà nhiều hơn.

Nhưng cũng có những tin không phấn khởi lắm, như làm sao bảo vệ nhà mình khỏi những điều tệ hại xâm nhập. Chưa bao giờ người ta phải đương đầu với sự vô luân như hiện nay. Chúng ta biết những “con vi khuẩn điện tử” có thể tấn công hằng triệu máy điện toán trong tích tắc. Nhưng những điều tệ hại hơn nữa cũng lan tràn nhanh chóng. Trẻ em có thể tìm đọc bất cứ các loại tài liệu khiêu dâm nào trên màng lưới điện toán. Những kẻ với đầu óc lộn xộn có thể tìm được địa chỉ, số điện thoại của người khác qua thư điện tử. Những người kỳ thị chủng tộc hay những nhóm tà giáo có thể phổ biến tài liệu nguy hiểm của họ cho hằng triệu người trên màng lưới trong giây phút. Bất cứ ai cũng có thể mở một “trang nhện” cho mình được cả.

Chỉ vài năm nữa chúng ta có thể xem TV với màn ảnh rõ như hình chụp. Còn về nội dung của những chương trình có ảnh hưởng nhiều trên chúng ta thì sao? Khi mở máy TV lên, bạn sẽ quên mất gia đình mình. Đời sống gia đình lúc ấy không quan trọng, chỉ còn nhục dục và bạo động.

Có những giá trị khác nhau đòi hỏi sự chú ý và lòng trung thành của chúng ta. Con em chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi những ý kiến khác nhau về điều đúng hay sai. Vì vậy, việc quan trọng là chúng ta phải dạy dỗ con em mình biết lựa chọn đúng, giúp chúng biết nhận định điều có giá trị. Chúng cần biết phân biệt điều lợi hay hại cho sức khỏe, điều đạo đức hay vô đạo đức.

Khải huyền 14:7 nói, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến.” Đức Chúa Trời đang phán xét thế gian. Và Ngài có một tiêu chuẩn luân lý rõ ràng mà Ngài dùng để quyết định điều đúng hay sai. Gia-cơ 2:10-12 nói về Mười Điều Răn là chúng ta sẽ “chịu luật pháp tự do đoán xét mình.” Luật pháp của Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn của thiên đàng, và chúng ta sẽ bị đoán xét theo tiêu chuẩn này. Đó là luật pháp tự do, vì nhờ ân điển của Đức Chúa Trời thay đổi lòng chúng ta, giúp chúng ta vâng giữ luật pháp Ngài, nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự nô lệ của tội lỗi.

Khi sứ đồ Giăng thấy thiên đàng thì viết trong Khải huyền 11:19, “Đền thờ Đức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời, hòm giao ước bày ra trong đền thờ Ngài.” Giăng thấy trong đền thánh trên trời có hòm giao ước đựng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Luật pháp của Đức Chúa Trời phản ảnh bản tính Ngài, diễn tả ý muốn của Ngài, và chỉ cho chúng ta rõ ràng điều đúng và sai.

Lẽ thật về luật pháp và sự phán xét của Đức Chúa Trời đã bị biến mất trong thế giới Cơ Đốc giáo trong những năm qua. Một số người không muốn nói về lẽ thật này, và một số khác không muốn nghĩ tới lẽ thật này nữa. Lý do chúng ta phải tranh đấu để bảo vệ gia đình mình khỏi những điều vô luân, bạo động, vì chúng ta đã xây bỏ luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ muốn nói về Phúc Âm mà thôi, nhưng không hiểu rằng sự phán xét và luật pháp của Đức Chúa Trời là một phần của Phúc Âm. Lý do vì sao Đấng Christ phải chết trên thập tự giá là để chúng ta được “xưng công bình” trong ngày phán xét; để chúng ta được xưng là công bình trước luật pháp Đức Chúa Trời.

Vì ỷ vào ân điển, người ta dần dần quên mất bổn phận phải sống theo tiêu chuẩn thánh của Chúa, là mực thước cho mọi hành động. Trong I Giăng 3:4, Kinh Thánh định nghĩa tội lỗi như vầy, “Tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” Tội lỗi tức là vi phạm tiêu chuẩn của thiên đàng.

Trong Giăng 14:15, Đức Chúa Giê-su phán, “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” Tình yêu thương Chúa khiến tôi không làm những điều để thỏa mãn mình, nhưng làm những điều Chúa muốn. I Giăng 2:3, 4 thêm những lời mạnh mẽ này, “Tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.” Khi chúng ta dâng lòng mình cho Chúa, khi chúng ta thật sự biết Ngài và dâng hiến đời mình cho Ngài, thì tự nhiên chúng ta muốn vâng lời Ngài.

Nói cách thực tế hơn, luật pháp của Đức Chúa Trời như là tấm gương soi để thấy những vết nhơ trong đời sống ta. Trong Rô-ma 7:7, Phao-lô nói, “Nhưng tôi chỉ bởi luật pháp mà biết tội lỗi; vì nếu luật pháp không nói, `Ngươi chớ tham lam,’ thì tôi đã không biết sự tham lam.” Trong Rô-ma 3:20 thêm rằng, “Vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.” Luật pháp của Đức Chúa Trời định nghĩa tội lỗi là gì. Chúng ta không được cứu vì giữ luật pháp. Chúng ta được cứu bởi ân điển. Trong Ê-phê-sô 2:8, 9 nói, “Nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu. . . . Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” Sự cứu rỗi chỉ nhờ ân điển của Đức Chúa Trời ban cho. Ân điển dẫn ta đến sự vâng lời, chứ không phải sự bội nghịch. “Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển” (Rô-ma 6:14). Trong câu này, Phao-lô tuyên bố rằng chúng ta không bị tội lỗi cai trị tức là phạm luật pháp vì ân điển và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi trong quá khứ. Quyền phép Ngài hành động trong đời sống để giúp chúng ta vâng lời Ngài.

Ân điển và đức tin không loại bỏ luật pháp Đức Chúa Trời. Trong Rô-ma 3:31 đặt câu hỏi, “Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” Như vậy, đức tin không kéo chúng ta đi xa luật pháp của Chúa, nhưng dạy chúng ta giữ luật pháp. Chính Đức Chúa Giê-su cũng nói trong Ma-thi-ơ 5:17, “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.” Nếu Đức Chúa Trời đã hủy bỏ luật pháp Ngài và hạ thấp tiêu chuẩn công bình của Ngài, thì Đức Chúa Giê-su đã không cần phải chết trên thập tự giá vì Ngài đâu phải chuộc tội cho ai.

Luật pháp chỉ cho chúng ta biết mình là tội nhân. Luật pháp không cứu chúng ta, nhưng nhờ luật pháp chúng ta biết được tội lỗi mình và đến cùng Đấng Cứu Thế. Đó là lý do sách Ga-la-ti 3:24 nói, “Ây vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình.” Trong Thi thiên 19:7 nói, “Luật pháp Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại.” Nhưng với nhiều người ngày nay, luật pháp không làm được như vậy vì đã mất hết quyền lực. Nhiều hội thánh còn dạy rằng Đức Chúa Trời không có một tiêu chuẩn nào cả, và luật pháp Ngài chẳng có giá trị gì với đời sống đạo đức của con người. Một số hội thánh lại cương quyết cho rằng luật pháp Đức Chúa Trời không còn giá trị gì, vì người ta chỉ cần ân điển mà thôi. Nhưng sự bỏ tiêu chuẩn đúng hay sai sẽ đem lại lộn xộn; chúng ta sẽ gặt lấy những điều bạo động, vô luân, và nổi loạn khắp nơi.

Người ta ước lượng nhân loại đã thảo ra trên 35 triệu luật lớn nhỏ để giữ trật tự cho xã hội. Đức Chúa Trời chỉ cần có mười điều luật cũng đủ để người ta sống trong hạnh phúc. Và những luật pháp này, Chúa đã khắc trên bảng đá bằng chính ngón tay Ngài, vì Ngài muốn chúng tồn tại cho đến đời đời. Trước khi bảng đá được ban ra trên núi Si-nai, trước cả A-đam và Ê-va, tiêu chuẩn không thay đổi này đã là nền tảng của chính phủ thiên đàng. Các thiên sứ sống hạnh phúc và hòa thuận trong luật pháp ấy cho đến khi Sa-tan và những kẻ theo nó đặt ra những luật lệ riêng, và kết quả là A-đam và Ê-va đã mất vườn địa đàng, và mất đi sự tín nhiệm mà Chúa đặt nơi họ. Vì vậy thế giới đã sụp đổ dưới chân họ.

Trong Hê-bơ-rơ 8:10, Đức Chúa Trời hứa, “Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, họ sẽ làm dân ta.” Ân điển của Đức Chúa Trời biến đổi chúng ta, vì thế chúng ta vâng giữ luật pháp bởi tình yêu thương. Bạn có muốn nói, “Lạy Đức Chúa Giê-su, trong một thế giới vô luật lệ, con quyết định giữ luật pháp Chúa, xin Chúa đổi mới lòng con.”

TRẮC NGHIỆM – 10

1. o Đúng o Sai
Kinh Thánh định nghĩa tội lỗi là sự trái luật pháp của Đức Chúa Trời, và sống một đời vô luật lệ.
(Hãy xem I Giăng 3:4.)

2. Chúng ta biết luật pháp của Đức Chúa Trời vẫn còn hiệu lực trong thế giới ngày nay, nếu không thì không còn tội lỗi, và chúng ta không cần Đấng Cứu Thế, bởi vì Kinh Thánh nói rằng nơi nào không có __________ _________ , thì nơi đó không có sự phạm __________ _________.
(Hãy xem Rô-ma 4:15.)

3. Người nào dạy rằng Đức Chúa Giê-su đã bỏ luật pháp khi Ngài đến, tức là đã coi thường lời Chúa phán rõ ràng, “Đừng tưởng ta đến đặng ________ luật pháp. . . Ta ________ , không phải để _________ , song để làm cho trọn.”
(Hãy xem Ma-thi-ơ 5:17.)

4. Kinh Thánh dùng những lời rất nặng để nói về những ai tự cho rằng mình biết Chúa mà không giữ Điều Răn Ngài “là người ______ _______ , lẽ _________ quyết không ở trong người.”
(Hãy xem I Giăng 2:4.)

5. Sa-tan ghét luật pháp của Đức Chúa Trời—Mười Điều Răn—nhưng Kinh Thánh diễn tả các điều răn của Chúa như “luật pháp là _______ , điều răn cũng là _______ , công bình và ________ _________.
(Hãy xem Thi thiên 19:7 và Rô-ma 7:12.)

6. Không ai được cứu bởi giữ luật pháp hay bởi việc làm của người ấy. “Nhờ _____ _____ , bởi ______ _____ , mà anh em được cứu. . . chẳng phải bởi __________ ________ .” Đó là món quà mà Đức Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta.
(Hãy xem Ê-phê-sô 2:8; Rô-ma 6:23.)

7. Khi Sa-tan nói nhỏ vào tai bạn rằng, “Ngươi chẳng cần phải giữ điều răn của Đức Chúa Trời; ngươi chỉ cần yêu Chúa là đủ rồi,” chúng ta phải nhớ rằng Kinh Thánh nói, “Nếu các ngươi _______ _______ ta, thì giữ gìn các __________ _________ ta.”
(Hãy xem I Giăng 5:3; Giăng 14:15.)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *