Home / Hội Thánh - Điểm Nhóm / HT Orlando / Ông Tổ Chung Áp-ra-ham

Ông Tổ Chung Áp-ra-ham

Kính thưa quí vị,
Tình hình vùng Trung Đông trong mấy tuần qua làm cho cả thế giới rúng động. Lò lửa ngầm giữa Do-thái và Palestine bùng cháy dữ dội, làm cho các lãnh tụ của thế giới theo dõi từng diễn tiến và lo ngại. Do-thái là một quốc gia nhỏ bé nằm bên bờ Địa Trung Hải, tiếp cận với bán đảo Si-nai về phía Bắc. Dân số hiện nay khoảng 6 triệu người, có một quân lực hùng mạnh nhất, được trang bị những loại vũ khí tối tân nhất vùng Trung Đông, nhưng xem ra lại bối rối nhất kể từ thời 1950. Sức mạnh vũ khí nguyên tử không hiệu nghiệm để đối phó với người hàng xóm sát cạnh nhà. Xe tăng, thiết giáp xem ra không mấy hữu hiệu và e dè để chống lại với đám dân quân gồm đàn bà, con nít trang bị bằng giàn thun và sỏi đá. Vũ khí tối tân chưa ngăn được “bom người” của phía dân Palestine gồm cả con gái và trẻ em, như con thiêu thân lao vào khu thường dân Do-thái, chủ ý giết càng nhiều càng tốt, mục đích để gây chấn động thế giới. Phản ứng của Do-thái, “Mắt đền mắt, răng đền răng” là con dao hai lưỡi, gây thêm sự phẫn nộ về phía người Ả-rập, và làm mất bớt cảm tình của một số các nước Âu Mỹ. Người ta nhớ lại rằng đây có thể là giá mà người Do-thái phải trả định kỳ, phải đổ máu giống như đóng thuế lợi tức, vì một lời nguyền của tổ phụ của họ khi họ vu cáo và đòi đóng đinh Đức Chúa Jêsus Christ cách đây hơn 2000 năm: “Xin huyết của người nầy đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Ma-thi-ơ 27:25)

Hòa bình nào cũng đòi hỏi sự thương thuyết, trả giá trên bàn hội nghị một cách lâu dài và nhàm chán; trong lúc đó, trên chiến trường máu vẫn đổ, thịt vẫn rơi. Với sự nhận xét một cách bi quan, sử gia của Do-thái là Amos Elon than rằng: “Tôi rất tuyệt vọng, tôi sợ rằng sự thể đã quá trễ, tôi chỉ có thể bộc lộ một phần nào sự lo sợ của tôi, có phải là đã quá muộn cho việc tìm ra những ra những biện pháp để giải quyết những xung đột trong vùng? Ai sẽ biết cách giải đáp?”. Muốn tìm hiểu tại sao những dân tộc thuộc khối Ả-rập và dân Do-thái thù hận nhau triền miên, ta hãy đi lùi vào lịch sử để ôn cố và tri tân. Vào năm 1979, Ai-cập tỏ ra thân thiện với Y-sơ-ra-ên. Tổng thống Anwar Sadat của Ai-cập, Thủ tướng Begin của Do-thái và Chủ tịch Yassir Arafat của Palestine ký hòa ước tại Camp David qua sự trung gian và nỗ lực hòa giải của Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter. Ba lãnh tụ của các quốc gia đối nghịch đã ngỡ ngàng bắt tay nhau, ôm nhau, và nói: “Chúng ta cùng chung một ông tổ Áp-ra-ham” Vậy, Áp-ra-ham là ai? Đã thừa nhận là cùng có chung gốc, một ông tổ là Áp-ra-ham, tức là anh em cùng huyết thống, nhưng tại sao lại có mối thù thiên thu không đội trời chung. Ta thử xem trong Thánh-sử:

Ngày xưa…
Có một người quê tại U-rơ, thuộc xứ Canh-đê, theo cha định đến xứ Ca-na-an để lập nghiệp. Người tên là Áp-ram (có nghĩa là người cha yêu quí). Thượng Đế phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, đi đến xứ mà ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước” (Sáng thế Ký 11:31; 12:1-2). Rồi Áp-ram đi theo lời của Đức Chúa trời phán dạy. Lúc đó Áp-ram đã 75 tuổi và Sa-rai vợ Áp-ram đã 65 tuổi. Vợ chồng tuổi đã cao, đối với loài người thường tình thì không thể sanh con được nữa, trong lúc đó Chúa phán: Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn!

Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói kém rất lớn, nên Áp-ram xuống xứ Ai-cập mà kiều-ngụ. Thượng Đế lại hiện ra và hứa cùng Áp-ram: “Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương Bắc, phương Nam, phương Đông và phương Tây, Vì cả xứ nào thấy, ta sẽ ban cho ngươi, và cho dòng dõi ngươi đời đới. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi như bụi trên đất; thế thì, nếu kẻ nào đếm đặng bụi trên đất, thì cũng sẽ đếm đặng dòng dõi ngươi vậy.” (Sáng thế Ký 13:14-16). Ngày tháng trôi qua, hai vợ chồng già vẫn cô đơn, son sẻ. Một đêm kia Áp-ram than thở với Thượng Đế: “Lạy Thượng Đế, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết tuyệt tự!’ Thượng Đế bèn phán rằng: “Ai ở trong gan ruột ngươi ra, sẽ là người kế nghiệp ngươi.” Thượng Đế bèn dẫn Áp-ram ra khỏi trại, chỉ lên trời và bảo rằng: “Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng dõi ngươi cũng sẽ như vậy”. Kinh Sáng thế Ký 15:2, 4-5; và đoạn 22:17 chép: “…ta sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi của ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm đựơc thành quân nghịch.” Ngài lại phán tiếp: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã dẫn ngươi ra khỏi xứ U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, để ban cho ngươi xứ nầy (tức là xứ Ca-na-an) làm sản nghiệp… Phải biết rằng, dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp trong 400 năm. Nhưng ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó… Đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây, vì tội lỗi của dân A-mô-rít chưa được đầy dẫy’ …Ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp-ram, mà phán rằng: Ta cho dòng dõi ngươi xứ nầy, từ sông Ai-cập (tức là sông Nil) cho đến sông lớn kia tức sông Ơ-phơ-rát.” (Sáng thế Ký 15:7-21).

Đời sống cô đơn son sẻ của cặp vợ chồng già Áp-ram và Sa-rai vẫn âm thầm lặng lẽ trôi qua trên đất khách. Lời Chúa hứa với Áp-ram vẫn còn đó, hai mái đầu xanh đã nhuốm màu thời gian, tóc đã bạc phơ, đôi vợ chồng Áp-ram vẫn son sẻ. Thất vọng và nóng ruột, Sa-rai nói với Áp-ram rằng: “tôi có con đầy tớ giúp việc người Ai-cập, tên là A-ga… Nầy Thượng Đế đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi của tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng. Áp-ram nghe theo lời của vợ là Sa-rai. Sau khi Áp-ram đã trú ngụ 10 năm tại đất Ca-na-an, Sa-rai, vợ người, bắt A-ga, là con đầy tớ mình là người xứ Ai-cập, đưa cho chồng làm nàng hầu. Người ăn ở cùng con đòi, thì nàng thọ thai. Khi con đầy tớ thấy mình thọ thai, thì khinh bà chủ mình. Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Đều sỉ nhục mà tôi bị đây đổ lại trên ông. Tôi đã giao con đòi tôi vào lòng ông, mà từ khi nó thấy mình thọ thai, thì lại khinh tôi. Cầu Đức Giê-hô-va xét đoán giữa tôi và ông. Áp-ram đáp cùng Sa-rai rằng: Nầy, con đòi đó ở trong tay nbgươi, phân xử thế nào, mặc ý ngươi cho vừa dạ. Đoạn Sa-rai hành hạ A-ga. Nàng bèn đi trốn.

Nhưng thiên sứ của Đức Giê-hô-va thấy nàng ở trong đồng vắng gần bên suối nước… thì hỏi rằng: Hỡi A-ga, đòi của Sa-rai, …ngươi sẽ đi đâu? Nàng thưa rằng: “Tôi lánh xa mặt Sa-rai, chủ tôi. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va dạy rằng: “Ngươi hãy trở về chủ ngươi, và chịu lụy dưới tay người”. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va phán tiếp: “Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều, đông đảo đến đỗi nguòi ta đếm không đặng nữa”. Thiên sứ lại phán rằng: “Nầy, ngươi đương có thai, sẽ sanh một trai, đặt tên là Ích-ma-ên; vì Đức Giê-hô-va có nghe sự sầu khổ của ngươi. Đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng; tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người sẽ địch lại nó. Nó sẽ ở về phía Đông, đối mặt cùng hết thật anh em mình”. Thượng Đế đã đặt tên cho đứa con của A-ga là Ích-ma-ên khi nó hãy còn ở trong bụng mẹ. Ích-ma-ên chính là thủy tổ của các giống dân Ả-rập sau nầy. Khi sinh Ích-ma-ên thì Áp-ram được 86 tuổi.

Kính thưa quí vị thính giả,
Định phận và hậu tự của Ích-ma-ên đã được Thượng Đế ghi vào thiên thư từ đây, và thiên cơ tiết lộ “…nó sẽ như một con lừa rừng; tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người sẽ địch lại cùng nó, nó sẽ ở về phía Đông”. Đây là lời sấm truyền, và là tương quan thù địch truyền kiếp giữa dân Do-thái và dân các nước Ả-rập từ thời thượng cổ cho tới ngày nay. Dòng dõi của Ích-ma-ên rất lớn, chiếm hết cả phần đất Ả-rập, trải dài từ Ha-vi-la cho đến Xu-rơ, đối ngang Ai-cập, chạy qua A-si-ri.

Khi Áp-ra-ham được chín mươi chín tuổi, thì Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn. Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá bội… Nầy, phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Áp-ra-ham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc. Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước”. …Còn Sa-rai, vợ ngươi, chớ gọi là Sa-rai nữa, nhưng gọi là Sa-ra (có nghĩa là công chúa). Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng ta sẽ cho ngươi một con trai. Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc”. Áp-ra-ham bèn sấp mình xuống đất, cười và nói thầm rằng: Hồ dễ người đã trăm tuổi rồi, mà sanh con được chăng? Còn Sa-ra, tuổi đã chín mươi, sẽ sanh sản được sao? Thượng Đế mới lặp lại lần thứ hai: Thật vậy, Sa-ra, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác… Độ khoảng nầy năm tới Sa-ra phải sanh cho ngươi. (Xem Sáng thế Ký đoạn 17 và 18).
Thời gian cứ lạnh lùng trôi qua, và tuổi già chồng chất trên đầu vợ chồng người lãng tử già. Rồi vào một buổi trưa, các sứ trời lại đến viếng Áp-ra-ham, một thiên sứ nói với ông: “Trong độ một năm nữa, ta sẽ trở lại đây với ngươi không sai, và chừng đó, Sa-ra, vợ ngươi, sẽ có một con trai.’ Sa-ra ở nơi cửa trại sau lưng đấng đó, nghe các lời nầy, Vả lúc nầy Áp-ra-ham cùng Sa-ra đã già, tuổi tác đã cao; Sa-ra không còn chi nữa như thế thường người đàn bà. Sa-ra cười thầm: Già như tôi thế nầy, dễ còn đều vui đó sao? Còn chồng tôi cũng đã già rồi!’ Thượng Đế gọi Áp-ra-ham lại hỏi: “Cớ sao Sa-ra cười như vậy… Há có điều chi Thượng Đế không làm được chăng? Đến kỳ đã định, trong một năm nữa, ta sẽ trở lại cùng ngươi, và Sa-ra sẽ có một con trai” (Sáng thế Ký 18:1-15).

Đến năm thứ 25 cuộc đời lưu vong, Áp-ra-ham đã đúng trăm tuổi, đúng kỳ Đức Chúa Trời đã định, Sa-ra thọ thai, sanh một con trai cho Áp-ra-ham trong khi tuổi đã già, và cũng là đứa con trai duy nhất theo lời hứa, đặt tên là Y-sác, đứa con trai độc sanh nầy sẽ thực hiện lời của Thượng Đế hứa rằng dòng dõi Áp-ra-ham sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển. Sự sanh ra trái thông lệ thường tình, vì một bà già 90 tuổi còn cho con bú! Sự ra đời của Y-sác làm tăng cường đức tin cho Áp-ra-ham nơi Đức Chúa Trời đã hứa cùng mình: “Há có điều chi Thượng Đế không làm được chăng? Áp-ra-ham xác tín rằng điều gì Thượng Đế hứa, Thượng Đế sẽ thực hiện, và thực hiện theo đúng kỳ đã định, theo đúng thời khóa biểu của Ngài. “Người chẳng có lưỡng lự hoặc hồ nghi về lời hứa của Đức Chúa trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng đều chi Đức Chúa trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được” (Rô-ma 4:20).

Khi Y-xác lớn lên và thôi bú, Áp-ra-ham bày một tiệc lớn ăn mừng. Sa-ra thấy Ích-ma-ên con trai của con đòi A-ga, người Ai-cập, đã sanh cho Áp-ra-ham cười cợt trong bữa tiệc thì đem lòng ganh ghét, bèn nói với Áp-ra-ham rằng: Hãy đuổi con đòi với con trai nó đi, vì đứa trai của con đòi nầy sẽ chẳng được kế nghiệp cùng con trai của tôi là Y-sác đâu. (Sáng thế Ký 21:8-10) Lòng đố kỵ ghen tương, ganh ghét và sự ngược đãi của dòng vợ lớn đối với mẹ con của A-ga, đã tạo nên một mối thù hận sâu xa trong lòng của thiếu niên Ích-ma-ên, lúc bấy giờ đã trên 14-15 tuổi. Lứa tuổi đã biết suy tư và ghi nhớ trong lòng lâu dài. Vả lại, sự thù hận đã nhen nhuốm từ khi nó hãy còn trong bụng mẹ, chịu ảnh hưởng bởi thai giáo nơi A-ga, mẹ nó.

Áp-ra-ham nghe lời vợ là Sa-ra, dậy sớm, lấy bánh và một bầu nước, đưa cho A-ga; để các món đó trên vai nàng, và giao đứa trai cho nàng, rồi đuổi đi. Nàng ra đi, đi dông dài trong đồng vắng Bê-e-sê-ba. Khi nước trong bầu đã hết, nàng để đứa trẻ dưới cội cây, cất tiếng khóc và nói rằng: “Ôi! tôi nỡ nào thấy đứa trẻ phải chết! (Sáng thế Ký 21:14, 16). Nghe tiếng đứa trẻ khóc, thiên sứ của Đức Chúa Trời hiện đến phán rằng: “Hỡi A-ga, ngươi có đều gì vậy, chớ sợ chi, vì Đức Chúa trời đã nghe tiếng đứa trẻ ở đâu đó rồi. Hãy đứng dậy đỡ lấy đứa trẻ và giơ tay nắm nó, vì ta sẽ làm cho nó nên một dân lớn… Đức Chúa Trời giúp đứa trẻ; nó lớn lên, ở trong đồng vắng, có tài bắn cung. Nó ở tại nơi đồng vắng Pha-ran, mẹ cưới cho nó một người vợ quê ở xứ Ai-cập” (Sáng thế Ký 21:17-21).

Kính thưa quí vị thính giả,
Qua trích dẫn các đoạn thánh sử trên, ta thấy sự ra đời của Y-sác là một hiện tượng siêu nhiên của Thượng Đế mở mang cho lịch sử đầy huyền bí của dân tộc Do-thái. Dòng dõi của Y-sác tức là dân Do-thái ngày nay; còn dòng dõi của Ích-ma-ên gồm các dân Á-rập. Tuy là anh em cùng cha khác mẹ, nhưng mầm mống mối thâm thù thiên thu đã xuất phát từ trong gia đình của Áp-ra-ham. Căn cứ trong thánh sử, ta thấy các căn nguyên sâu xa sau đây có thể đã gây ra mối thù địch truyền kiếp:

  • Áp-ra-ham không giữ lời Chúa đã hứa, chưa đến thời kỳ đã định, ông đã phá bỏ thời dung biểu của Chúa, vì Áp-ra-ham nóng lòng muốn có con nối dõi tông đường, sợ sẽ chết tuyệt tự, nên đã nghe lời xúi của vợ đi lấy con đòi của vợ mình.
  • Khi con đòi thấy mình thọ thai thì khinh bỉ bà chủ của mình.
  • Áp-ra-ham lại nghe theo lời vợ lớn là Sa-rai, nhẫn tâm đuổi con đòi A-ga đang mang thai đi nơi khác. Sự ghen tương, đố kỵ của Sa-rai đã hành hạ A-ga, tạo sự cay đắng, thù hận trong lòng nàng.
  • Lần thứ hai, vì sự ganh ghét, ích kỷ của Sa-ra, người chủ, cũng là vợ lớn, Áp-ra-ham đã nhẫn tâm cắt đứt thâm tình, đuổi đứa con trai còn vị thành niên của mình cùng mẹ nó vào trong đồng vắng mông lung, không nơi nương tựa. Đây là mầm mống của sự thù hận, và là tương quan nguyên nhân thù địch truyền kiếp giữa dân Do-thái và dân các nước Ả-rập từ ngàn xưa, mãi đến ngày nay, và không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *