Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Phong Trào Lớn Trong Ngày Cuối Cùng (Chương 27 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Phong Trào Lớn Trong Ngày Cuối Cùng (Chương 27 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Có bao giờ bạn phải trải qua một cơn thất vọng vô cùng chưa? Một thời gian thất bại và chán nản? Tôi muốn chỉ cho bạn thấy Đức Chúa Trời đã làm gì với nỗi thất vọng của chúng ta. Tôi muốn bạn thấy Chúa có thể đổi bại thành thắng, đổi những gì rất xấu thành rất tốt, và cho chúng ta sự khởi đầu mới. Điều này có thể xảy đến cho cả dân sự Đức Chúa Trời hay cho một cá nhân. Đức Chúa Trời thật sự là Chúa của sự khởi đầu mới, và những người hiểu điều đó có thể làm được những sự vĩ đại trong thế gian này.

Tôi muốn kể bạn nghe cách nào Chúa đã làm sự đổi mới ấy cho dân Ngài, và Ngài có thể làm như vậy cho mỗi người chúng ta. Qua lịch sử hội thánh, Đức Chúa Trời đã biến thảm trạng thành chiến thắng, tuyệt vọng thành vui mừng. Xin hãy đọc Khải huyền 10. Đoạn này mở đầu với một vị thiên sứ có sức mạnh lắm từ trời xuống. Trên đầu người có mống, mặt người giống như mặt trời và chân người như trụ lửa. Đây là một cảnh phi thường để mở màn cho một biến cố rất quan trọng sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. Khải huyền 10:2 nói thiên sứ có “một quyển sách nhỏ mở ra.” Hình ảnh này có nghĩa gì? Quyển sách nhỏ tượng trưng cho gì? Sách nào trong Kinh Thánh đã bị đóng ấn? Trong Kinh Thánh, chỉ có một quyển sách mà tác giả được lịnh phải niêm phong và đóng ấn. Đa-ni-ên 12:4 nói rõ ràng những lời tiên tri của Đa-ni-ên phải được đóng lại cho tới thời kỳ cuối cùng. “Còn như ngươi, hỡi Đa-ni-ên, ngươi hãy đóng lại những lời nầy, và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối cùng.” Chúa phán trong Đa-ni-ên 12:9 “Hỡi Đa-ni-ên, hãy đi; bởi vì những lời nầy đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối cùng.” Sách Đa-ni-ên thật phù hợp với lời tiên tri này. Đó là một sách tiên tri nói về thời kỳ cuối cùng, giống như sách Khải huyền. Cả Cựu Ước chỉ có sách Đa-ni-ên nói tiên tri về những điều này. Đó là một sách có nhiều hình bóng, nhiều biểu tượng của các con thú, giống như sách Khải huyền.

Nhưng ý nghĩa các lời tiên tri ấy chỉ thế hệ cuối cùng mới hiểu được. Vì những lời tiên tri này nói về thời kỳ cuối cùng, nên các thế hệ trước đây không hiểu được. Đa-ni-ên nói về một thời kỳ tiên tri đặc biệt và được niêm lại cho đến ngày cuối cùng. Đó là thời kỳ tiên tri dài nhất của Kinh Thánh được ghi trong Đa-ni-ên 8:14, “Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai; sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Chính Đa-ni-ên cũng không hiểu được lời tiên tri này; rồi ông nghe có tiếng nói rằng, “Gáp-ri-ên, hãy cho người nầy hiểu sự hiện thấy đó. . . . Người [Gáp-ri-ên] bảo ta rằng: Hỡi con người, hãy hiểu biết; vì sự hiện thấy đó có quan hệ với kỳ sau rốt” (Đa-ni-ên 8:16, 17). Khi chúng ta đọc chương số 9, lời tiên tri này đã dẫn chúng ta tới năm 1844, là năm khởi đầu thời kỳ phán xét của Đức Chúa Trời.

Bốn lần trong Khải huyền 10:2, 8, 9, và 10, Giăng tả sách mà ông thấy trong tay vị thiên sứ là “quyển sách nhỏ.” Sách Đa-ni-ên phù hợp với lời miêu tả ấy: đó là một sách nhỏ với 12 đoạn ngắn. Hai lần ý này được nhắc đến trong Khải huyền 10:2, 8, rằng quyển sách nhỏ trong tay vị thiên sứ mở ra. Cuốn sách niêm phong của Đa-ni-ên đến thời kỳ sau rốt mới được mở ra cho chúng ta hiểu. “Quyển sách nhỏ mở ra” mà thiên sứ cầm trong tay chính là sách Đa-ni-ên với những lời tiên tri quan trọng cho thời kỳ cuối cùng.

Trong Khải huyền 10:8-10, một tiếng kêu từ trời bảo Giăng, “Hãy đi, lấy quyển sách nhỏ mở ra trong tay vị thiên sứ. . . . Vậy, tôi đi tới vị thiên sứ và xin người cho tôi quyển sách nhỏ. Người phán: Ngươi hãy lấy và nuốt đi; nó sẽ đắng trong bụng ngươi, nhưng trong miệng ngươi nó sẽ ngọt như mật. Tôi lấy quyển sách nhỏ khỏi tay vị thiên sứ và nuốt đi; trong miệng tôi nó ngọt như mật, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì đắng ở trong bụng.” Lời tiên tri này có nghĩa gì? Việc Giăng gặp vị thiên sứ trong Khải huyền 10 có ý nghĩa gì? Trong khoảng năm 1840, tức là vào khoảng thời kỳ tiên tri của sách Đa-ni-ên chấm dứt, nhiều tín đồ trung thành bắt đầu nghiên cứu kỹ càng những lời tiên tri lạ lùng trong sách Đa-ni-ên. Và những người trong phong trào ấy đã mở khóa cho lời tiên tri mầu nhiệm này. Họ thấy rằng những hình bóng của lời tiên tri ấy chỉ về “thời kỳ cuối cùng.” Dĩ nhiên là họ hết sức phấn khởi. Họ rất sung sướng khám phá rằng Đức Chúa Giê-su sắp trở lại, và họ đang sống trong thời kỳ cuối cùng. Lời tiên tri khi tìm ra được quả thật ngọt ngào trong miệng, ngọt như mật. Thật tuyệt vời khi thấy lẽ thật của Chúa phù hợp với nhau.

Nhưng họ đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng. Họ đã ấn định ngày Chúa Giê-su tái lâm: tức là ngày 22 tháng 10 năm 1844. Đức Chúa Giê-su đã phán rằng không ai biết ngày hay giờ Chúa trở lại. Nhưng những người sốt sắng này đã ấn định ngày Chúa trở lại. Lòng họ hân hoan. Họ tin rằng Chúa đến để đón họ về trời. Họ chờ đợi Đấng Christ sẽ hiện ra giữa đám mây trong ngày trọng đại ấy. Và khi Đấng Christ không trở lại, lòng họ tan nát. Thế gian đối với họ trở nên đen tối. Họ thất vọng đắng cay. Lời tiên tri ngọt ngào kia nay trở nên cay đắng kinh khủng trong lòng. Ảo tưởng cay đắng này dường như tiêu diệt đức tin của họ.

Vậy, Đức Chúa Trời làm gì đối với những người hiểu sai lời tiên tri, và coi như làm trò cười cho thế gian? Ngài có quay lưng lại và bỏ họ không? Thưa không, Ngài tiếp tục bày tỏ cho họ, giúp họ nhận thức sự lầm lẫn, và dẫn họ đến gần lẽ thật hơn. Họ phải tăng trưởng, và bỏ bớt lòng tự phụ. Và Đức Chúa Trời đã giúp họ vượt qua những khó khăn đó, và giúp nhận thức rằng họ đã áp dụng sai những lời tiên tri. Ngài giúp họ hiểu được một vài biến cố trên thiên đàng, trong đền thánh trên trời, để sửa soạn cho thời kỳ cuối cùng và cho sự trở lại của Đấng Christ. Vì sự hiểu lầm lời tiên tri này, Đức Chúa Trời đã khiến thế gian chú ý vào sự tái lâm của Đấng Christ.

Vậy, điều gì đã xảy ra cho những người bị thất vọng đắng cay này? Họ thành lập phong trào Cơ Đốc Phục lâm khắp thế giới. Đó là một trong những phong trào truyền giáo lớn nhất trong thế hệ hiện đại. Điều này đã ứng nghiệm lời tiên tri trong Khải huyền 10. Chúng ta hãy đọc Khải huyền 10:11, “Có lời phán cùng tôi rằng: Ngươi còn phải nói tiên tri về nhiều dân, nhiều nước, nhiều tiếng và nhiều vua nữa.” Phải, nỗi thất vọng đã thật đắng cay. Nhưng lời kêu gọi phải nói tiên tri lại vang lên. Sứ điệp phải được rao truyền cho toàn thế giới, cho mỗi nhà, mỗi người.

Đó là điều đã xảy ra cho sứ điệp Hãy Thức Tỉnh Vì Chúa Sắp Tái Lâm. Sự đắng cay kia đã thành sự khởi đầu mới, một khám phá mới. Đó là đường lối hành động của Đức Chúa Trời. Ngài cho chúng ta sự khởi đầu mới. Chúng ta còn nhớ khi Đức Chúa Giê-su giáng thế lần thứ nhất cũng một thể ấy. Các môn đồ tưởng Ngài đến để thiết lập một chính phủ mới trên thế gian. Họ tưởng Ngài đến để đánh bại kẻ thù. Họ trông chờ chiến thắng, chứ không phải thập tự giá! Sau khi Chúa bị đóng đinh, các môn đồ than thở, “Chúng ta trông mong Ngài sẽ cứu lấy dân Y-sơ-ra-ên; dầu thể ấy, việc xảy ra đã được ba ngày rồi” (Lu-ca 24:21). Khi Đấng Christ chết trên thập tự giá, các môn đồ đã thất vọng đắng cay. Nhưng từ sự đắng cay năm 31 S.C., Đức Chúa Trời đã dấy lên Hội Thánh Cơ Đốc thời Tân Ước. Đức Chúa Trời đã ban cho các môn đồ một khởi đầu mới, một khởi đầu đầy quyền năng, đầy ơn Đức Thánh Linh. Và 2000 năm sau, Chúa đã làm điều này một lần nữa cho hội thánh của Ngài. Từ sự thất vọng của những người tin vào sự phục lâm của Chúa, Ngài đã dấy lên một phong trào làm lay chuyển thế giới. Sự khởi đầu mới này là một sự phấn khởi nhất cho chúng ta ngày nay. Sứ điệp Chúa sắp tái lâm phải được rao truyền cho toàn thế giới. Chưa bao giờ có một phong trào lớn mạnh như thế trong lịch sử Cơ Đốc giáo. Trong Ma-thi-ơ 24:14, Đức Chúa Giê-su phán, “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.” Tin mừng này, Phúc Âm này đang được rao giảng khắp thế giới, và ngày cuối cùng sắp đến!

TRẮC NGHIỆM – 27

1. Khi Đa-ni-ên viết trong phần cuối của sách, Đức Chúa Trời truyền, “hãy đóng lại những lời nầy, và hãy ________ ______ sách nầy cho đến kỳ ________ ________ .”

(Hãy xem Đa-ni-ên 12:4, 9.)

2. Giăng thấy “một vị thiên sứ khác sức mạnh lắm. . . . Người cầm nơi tay một quyển sách nhỏ ______ ____ .”

(Hãy xem Khải huyền 10:2, 8, 9, 10.)

3. o Đúng o Sai

Không có cách nào cho chúng ta biết được cuốn sách trong tay thiên sứ chỉ về sách nào, bởi vì trong Kinh Thánh có nhiều sách hợp với lời tả cuốn sách này.

(Hãy xem Khải huyền 10:2, 8, 10; Đa-ni-ên 12:4, 9.)

4. Thiên sứ bảo Giăng hãy lấy quyển sách, và “________ đi,” cũng có nghĩa là phải nghiền ngẫm bằng cách học hỏi và nghiên cứu lời Kinh Thánh.

(Hãy xem Khải huyền 10:9.)

5. Khi Giăng làm theo lời thiên sứ, thì quả thật quyển sách ấy __________ như mật trong __________ , nhưng lại _____________ trong bụng.

(Hãy xem Khải huyền 10:9-10.)

6. Lời chót thiên sứ nói cùng Giăng là, “Ngươi còn phải nói ________ ________ về nhiều dân, nhiều nước, nhiều tiếng và nhiều vua nữa.”

(Hãy xem Khải huyền 10:11.)

7. o Đúng o Sai

Các môn đồ của Đấng Christ đã trải qua cơn thất vọng vô cùng sau ngày “thứ Sáu tối tăm” ấy. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho họ một khởi đầu mới.

(Hãy xem Luca 24:17; Giăng 20:11-13.)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *