Home / Dưỡng linh / Tại Sao Chúng Ta Chịu Khổ? (Chương 1 – Hoàng Tử & Phản Thần)

Tại Sao Chúng Ta Chịu Khổ? (Chương 1 – Hoàng Tử & Phản Thần)

Chương 1 – Tại Sao Chúng Ta Chịu Khổ?

Lê Thanh đang ngồi nơi ngạch cửa trước, nhìn qua xóm Dừa. Ngoài kia, trên cánh đồng bao la những người láng giềng đang cấy lúa. Xa xa, Trung, bạn nó đang lùa bò về chuồng. Kế bên một bà mẹ đang ôm con vào lòng.
– Đối với họ, cuộc đời cứ diễn tiếp như cũ, còn với mình sẽ chẳng bao giờ như xưa nữa. – Lê Thanh chua cay nghĩ thầm.

Những hình ảnh của cái ngày bi đát cách nay ngót sáu tuần lễ đang hiện rõ trong trí nó. Tiếng bánh xe thắng rít kinh rợn. Chiếc xe đạp bẹp nát trên đường. Tiếng rên siết. Máu đổ lai láng. Dân chúng tựu lại xem. Từ trước đã bao lần nó có mặt trong quần chúng như vậy để xem những thân người gãy nát được khiêng đi khỏi chỗ xảy ra tai nạn. Nhưng lần này, chính nó – phải, chính nó! – là người nằm sóng sượt trên đường, chính tiếng rên siết của nó, máu của nó, xe đạp của nó. Và cả chân của nó nữa. Giờ đây, nó biết rõ lắm rằng cái xương bánh chè của nó đã bể và không mong lành dễ dàng được nữa. Chẳng bao giờ nó có thể co chân lại một cách dễ dàng được nữa. Chẳng bao giờ đạp xe đạp được nữa. Chẳng bao giờ dự vào những trò chơi thể thao mà nó hằng ưa thích nữa. Từ đây, nó phải tàn tật suốt đời.

Hơn nữa, trong khi nó ngồi đây để suy nghĩ những nỗi khổ của nó thì các bạn học của nó đang thi lên lớp. Vì đã phí nhiều thì giờ trên giường bệnh, nó phải ở lại lớp, mà đối với một học sinh danh dự của trường Trung học Phan Thanh Giản thì điều này quả là một thất vọng bi đát vậy.
– Tại sao mình gặp quá nhiều rắc rối trong khi những người khác có được cuộc đời nhàn hạ như thế? Nó nghĩ vậy và nhớ đến câu tục ngữ: “Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện.” Nhưng điều này này làm cho nó giận dữ. Nó lầm bầm một mình: Mình đâu có tệ hơn những người kia!

Ngay lúc ấy, có một người mà nó chưa quen biết bao giờ đang theo con đường mòn lần bước tới. Những người láng giềng bỏ dỡ công việc để ra đón tiếp ông Tạ. Thanh lê chân xuống tam cấp có với vẻ vô cùng đau đớn.
– Ông ấy là ai vậy? – Nó hỏi Trung, bạn nó.
– Ông ấy là thầy giáo Lắm đã đến đây kể chuyện cho tui tao nghe mấy lần rồi. Tụi tao thích nghe ông ta kể chuyện lắm.
– Ông ấy ở đâu vậy?
– Cách đây độ ba cây số về hướng Tây.
– Ông dạy về gì?
– Dạy điều thiện ở đời.
– À, được rồi! Tao muốn biết tại sao một người thiện lại gặp nhiều khó khăn.
– Để mình đi hỏi xem. – Trung nói và trước khi Thanh nắm giữ nó lại thì thằng bé đã chạy đến thẳng đến chỗ thầy giáo đang đứng.
– Thưa thầy, bạn tôi muốn biết tại sao người thiện lại gặp khó khăn? – Nó hỏi.
– Đó là một câu chuyện lý thú. – Thầy Lắm đáp với giọng rất hiền lành. – Bạn em ở đâu? Tôi muốn nói chuyện với em ấy.
– Sao ông không kể chuyện ấy cho chúng tôi nghe luôn thế?
Cụ Sáu trưởng ấp nói tiếp:
– Tôi cũng muốn nghe chuyện ấy nữa.
Với lời đề nghị này cả nhóm đồng tiến về bãi cỏ xanh dưới rặng dừa và ngồi xuống. Thanh xích lại gần để nghe. Thầy Lắm bắt đầu câu chuyện:
– Xưa kia, có một vì Vua rất quyền thế cai trị trên một đế quốc rất lớn. Vì Vua này rất khôn ngoan và mọi người đều yêu mến Ngài. Chánh phủ của Ngài chỉ có một luật mà thôi: Yêu mến nhau.
Nhưng vị thủ tướng lại nổi lòng ganh tị khi thấy mọi người đều yêu thương Vua. Ông nghĩ thầm: Nếu ta có được quyền thế của Vua, ta muốn đặt ngai ta cao như các vì sao! Ta muốn ta là Vua! Sau rốt, vị thủ tướng này quyết định chống lại chánh phủ. Ông ta muốn mọi thần dân đều theo mình nên bắt đầu kể cho họ nghe cách bí mật rằng: “Nhà Vua rất ích kỷ nên bắt mọi người yêu thương mình. Tôi sẽ lập một chánh phủ mà mọi người làm theo ý riêng mình. Anh sẽ không cần phải phục tùng ai cả. Anh sẽ được tự do.”
– Chẳng bao lâu sau, vị thủ tướng phản loạn này có rất đông người theo. – Thầy Lắm kể tiếp. – Nhà Vua biết rõ ràng tên phản thần và vây cánh của hắn sẽ phải khốn khổ nếu họ bỏ luật pháp yêu thương mà chỉ sống theo ý thích mình.
Ngài thấy rõ ràng kết quả của cuộc phản loạn sẽ là ganh tỵ, thù hiềm, chiến tranh, khốn khổ và chết mất. Ngài phải làm gì vời việc này đây?
– Ngài phải giết ông thủ tướng xấu xa đi! – Thằng bé mà mọi người gọi là Tèo, góp ý.
Thầy Lắm đáp:
– Ngài có thể giết ông ta cách dễ dàng, nhưng Ngài không làm vậy.
– Tại sao không? – Thanh hỏi.
– Vì từ trước đến giờ những thần dân trung thành của nhà Vua chưa từng thấy cuộc phản loạn nào cả. Họ chưa biết điều ấy tàn ác đến mực nào. Một số đông còn thán phục vị thủ tướng và nếu Vua giết ông ta liền, họ sẽ không hiểu tại sao Ngài làm như vậy. Họ sẽ nghĩ rằng vì Vua của họ tàn ác quá đi và chắc chắn họ sẽ có tình cảm với vị thủ tướng hơn.
– Rồi nhà Vua làm sao? – Trung hỏi.
– Ngài để kẻ phản thần cứ sống và lập chánh phủ của nó, bấy giờ mọi người có thể so sánh chánh phủ của nhà Vua và chánh phủ của vị thủ tướng để coi chánh phủ nào tốt hơn.
– Hay! Ý hay tuyệt. – Cụ Sáu nói – Có việc gì xảy ra cho chánh phủ của tên phản loạn kia? Họ có thật gặp rắc rối không?
– Có chớ! Không ai yêu mến ai cả. Không có luật pháp, cũng không trật tự. Mạnh ai nấy muốn làm gì thì làm. Một số tay chân của tên phản loạn muốn có thế lực và tranh đấu để có thế lực. Một số khác muốn khoái lạc cho nên họ ăn uống say sưa đến mang bệnh. Nhiều người muốn giàu có, nên họ giết người cướp của để làm giàu. Chẳng bao lâu trọn quốc gia phản loạn đều đầy dẫy những vụ lưu huyết và khốn cùng.
– Tên phản loạn có ân hận không? – Tèo hỏi.
– Không, nó không ân hận đâu em ơi. Lòng nó trở nên chai đá đến nỗi nó chỉ vui thực sự khi thấy dân chúng khốn khó. Nhưng nhà Vua lại hối tiếc giùm họ. Ngài biết rằng họ đã bị lừa dối và một số lớn sẽ trở về với Ngài nếu họ có thể thoát khỏi quyền thế của tên phản loạn.

Tôi đã nói cho các bạn rằng luật pháp của chánh phủ hoàng gia là yêu thương, và chính Vua là tấm gương chói sáng của tình yêu ấy vì Ngài yêu ngay cả kẻ thù Ngài. Ngài đã nghĩ đến một phương cách để cứu chuộc họ, để tha thứ cho họ và đem họ trở về làm thần dân của Ngài như xưa. Cách Ngài chiến đấu với tên phản loạn để khôi phục lại quốc gia phản loạn là câu chuyện lạ lùng nhất trong mọi lịch sử.
– Nhưng điều đó có ăn nhập gì với chúng ta đâu? – Thanh hỏi.
– Có nhiều điều lắm em ơi! – Giáo viên đáp và tiếp – Em biết không, chúng ta đều được sanh ra trong quốc gia phản loạn. Chúng ta hiện đang sống trong thế giới đã chối bỏ luật pháp yêu thương trọng đại của nhà Vua – tức thế giới mà người ta sống để thỏa mãn ý thích của mình – một thế giới của hận thù và kinh hãi.
Cụ trưởng ấp đứng dậy hỏi lớn:
– Có phải ông muốn nói rằng quốc gia phản loạn là thế giới của chúng ta đây chăng?
Thầy Lắm đáp:
– Chính thế! Chúng ta sống trong thế giới đã bị hủy hoại bởi tên phản loạn ấy. Chúng ta đều ở dưới quyền thế của hắn. Cũng vì vậy mà chúng ta gặp không biết bao nhiêu khó khăn và thống khổ ở đời. Nhưng tôi rất vui mừng mà nói cho các bạn hay, chúng ta có một lối thoát. Tôi muốn cho các bạn biết về vì Vua quyền thế kia là Đấng thật sự làm chủ thế gian này. Tôi muốn nói về tình yêu và chương trình của Ngài để giải phóng các bạn khỏi tội lỗi và đau khổ.
– Vậy chớ vì Vua chủ tể thế gian này là ai? Cụ Sáu hỏi trong hoang mang.
– Và ai là tên phản loạn đó? – Thanh hỏi tiếp theo – Ông muốn ám chỉ gì khi nói rằng chúng ta ở dưới quyền lực của hắn? Tôi chưa bao giờ gặp hắn kia mà.
Thầy giáo đáp:
– Những câu hỏi ấy hay lắm nhưng hôm nay tôi không có đủ thì giờ để trả lời hết được. Nếu muốn ngày mai tôi sẽ trở lại để nói cho các bạn biết nhiều hơn về vì Vua này.
– Phải đó. Thầy nhớ trở lại nhé. Chúng tôi muốn nghe.
Thanh đứng yên trong khi những người khác tiễn thầy Lắm ra đường. Nó nghĩ: Có lẽ ông thầy này sẽ trả lời những câu hỏi của mình được.

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *