Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Tại Sao Có Nhiều Giáo Phái Cơ Đốc? (Chương 21 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Tại Sao Có Nhiều Giáo Phái Cơ Đốc? (Chương 21 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Đây là một khu rừng rậm! Bạn có biết hiện nay có hơn 200 giáo phái Cơ Đốc chăng? Và mỗi giáo phái này lại còn chia ra nhiều nhánh nhỏ nữa. Thí dụ, chỉ giáo phái Báp-tít cũng có hơn 20 nhánh. Một giám mục của hội thánh Anh Quốc nói, “Sự chia rẽ của Cơ Đốc giáo là nguồn gốc yếu đuối của Tây phương. Trong các xứ không theo Cơ Đốc giáo, điều này là. . . một hòn đá vấp phạm.” Đây nói về sự bối rối của những người mới tin Chúa mà sống trong các quốc gia theo Ấn Độ giáo, Hồi giáo, hay Phật giáo, khi phải chọn một trong những giáo phái Cơ Đốc để gia nhập. Vì thế, người ta tự hỏi, “Tại sao có nhiều giáo phái Cơ Đốc vậy? Nếu Đấng Christ muốn mọi người hiệp một, tại sao các môn đồ Ngài lại chia ra làm nhiều nhóm vậy? Và nhóm nào cũng xưng mình là hội thánh thật?”

Đức Chúa Trời trả lời trong Khải huyền đoạn 6. Một sự hiện thấy về lịch sử Cơ Đốc giáo khi Đấng Christ, tức Chiên Con, mở các ấn của quyển sách. Và sự khải thị bắt đầu bằng bốn con ngựa chạy ngang trên bầu trời biểu hiệu cho bốn thời kỳ liên tiếp trong lịch sử hội thánh.

Con Ngựa Bạch Biểu Hiệu Sự Tinh Khiết Và Chiến Thắng. Khải huyền 6:2 nói, “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa bạch. Người cỡi ngựa có một cái cung; có kẻ ban cho người một cái mão triều thiên, và người đi như kẻ đã thắng lại đến đâu cũng thắng.” Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết. Người kỵ mã ở đây đeo một cái cung, đầu đội mão triều chiến thắng, và cỡi ngựa chạy băng ra như những ngày đầu tiên của hội thánh Cơ Đốc. Hội thánh lúc ban đầu, với Đức Chúa Giê-su là tướng chỉ huy, tiến thẳng vào đồn lũy của Sa-tan và chiến thắng. Hội thánh đầu tiên rất trung tín, mặc dầu bị bắt bớ. Cuối cùng, sự can đảm và đức tin của các thánh đồ đã làm lung lay cả Đế quốc La Mã. Cô-lô-se 1:23 nói về sự thành công của Cơ Đốc giáo trong thời Tân Ước, “bởi đạo Tin lành [Phúc Âm] mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời.” Thời kỳ hội thánh tinh khiết và quyền phép của các sứ đồ kéo dài cho đến khoảng năm 100 S.C.

Con Ngựa Hồng Của Sự Bắt Bớ Tàn Bạo. Khải huyền 6:4 nói, “Liền có con ngựa khác sắc hồng hiện ra. Kẻ ngồi trên ngựa được quyền cất lấy cuộc hòa bình khỏi thế gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau; và có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn.” Thời kỳ bắt bớ dữ dội này bắt đầu vào khoảng năm 100 S.C. cho đến năm 313 S.C. Sa-tan, khi thấy đức tin của Cơ Đốc nhân vững mạnh, được nhiều người theo, nó bèn dấy lên những hoàng đế La Mã ngoại đạo để bắt bớ tín đồ. Họ bị đốt trên giàn hỏa, quăng cho sư tử ăn, bị xé ra từng mảnh; đó là một thanh gươm lớn đẫm máu treo trên hội thánh. Nhưng lạ lùng thay, hội thánh vẫn bành trướng! Cả thế giới thấy Cơ Đốc nhân vui lòng chết vì đức tin của mình, và thán phục đức tin can trường của họ.

Con Ngựa Ô Của Sự Hòa Giải Và Bại Hoại. Khi chính quyền ngoại giáo La Mã không tiêu diệt được hội thánh Chúa, Sa-tan bèn có kế hoạch mới quyết định tấn công từ bên trong. Khải huyền 6:5 nói, “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa ô. Kẻ ngồi trên ngựa tay cầm cái cân.” Nếu màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết của đức tin, thì màu đen biểu hiệu sự bại hoại của đạo. Kỵ mã của con ngựa ô cầm cái cân, chỉ cho thấy hội thánh đã được “đem lên cân và thấy bị thiếu.” Trong thời kỳ này, Sa-tan len lỏi vào hội thánh. Các sự tin tưởng và hành đạo ngoại giáo xâm nhập vào hội thánh. Lời Chúa đã bị thay thế bằng những lời truyền khẩu. Giáo hội có đầy uy quyền trong thời trung cổ, mạnh mẽ như Đế quốc La Mã hồi trước. Họ hãnh diện về những thánh đường nguy nga, và hành quyền tuyệt đối trên giáo dân. Những người ngoại, trước đây thờ thần Zeus hay Caesar, bây giờ gia nhập hội thánh Cơ Đốc. Đáng tiếc thay, nhiều nhà lãnh đạo hội thánh muốn cho sự gia nhập này được dễ dàng, đã cho phép họ giữ những sự tin tưởng, những hình tượng, những tập quán cũ. Điều răn thứ hai dạy rõ ràng đừng làm và thờ lạy hình tượng (Xuất Ê-díp-tô-ký 20:4, 5), thì bị loại bỏ khỏi giáo lý của hội thánh.

Sự thờ mặt trời rất quan trọng đối với người La Mã, và không giảm bớt khi người ta bắt đầu tin theo Đức Chúa Giê-su. Các nhà lãnh đạo giáo hội muốn cho việc theo Chúa được dễ dàng, nên cấm làm việc trong ngày thứ Nhất của tuần lễ. Ngày nay, nhiều người không biết rằng, chính ngày thứ Bảy trong tuần vẫn được các tín đồ lúc ban đầu giữ làm ngày thờ phượng Chúa một thời gian lâu, sau khi Đấng Christ về trời. Đó là ngày Yên Nghỉ (Sa-bát) cho những tín đồ lúc ban đầu. Chắc chắn trong Tân Ước không có bằng chứng nào nói về sự thay đổi ngày thờ phượng. Các nhà lãnh đạo giáo hội nói: ngày Chủ Nhât là ngày Chúa sống lại. Nhưng người ngoại gia nhập hội thánh có thật sự thờ phượng Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng đã sống lại, hay họ vẫn tiếp tục thờ mặt trời? Khoảng giữa thế kỷ thứ năm, Giáo hoàng Leo I đã khiển trách những người thờ phượng tại nhà thờ Thánh Phê-rô vì họ vẫn quay về hướng mặt trời và vái lạy trước khi bước vào nhà thờ! Pha trộn phong tục ngoại giáo với sự dạy dỗ của Chúa đã làm cho hội thánh sa sút phần thuộc linh.

Con Ngựa Vàng Vàng Của Sự Chết Thuộc Linh. Khải huyền 6:8 nói, “Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa vàng vàng hiện ra. Người cỡi ngựa ấy tên là Sự chết, và Âm phủ theo sau người. Ho được quyền trên một góc tư thế gian, đặng sát hại dân sự bằng gươm dao, bằng đói kém, bằng dịch lệ và bằng các loài thú dữ trên đất.” Một xác chết cỡi trên lưng con ngựa có sắc vàng vàng. Sự hòa giải đã dẫn đến sự chết thuộc linh. Vào năm 538 S.C., những tín điều của giáo hội đã thay thế cho Kinh Thánh, và các nhà lãnh đạo giáo hội đã thay thế Đấng Christ. Thời kỳ này được gọi là Thời kỳ Hắc Ám. Mọi sự đều trở nên ứ đọng: nghệ thuật không phát triển, kiến thức bị giới hạn, sự học hỏi bị kiểm soát. Giáo hội chiếm quyền chính phủ. Tòa án đạo là một thí dụ kinh khiếp về sự giáo hội dùng bạo lực để bảo tồn giáo lý của mình. Bề ngoài, thì giáo hội thật lộng lẫy, oai nghi và quyền thế. Nhưng bên trong, thì mục nát và chết chóc. Thời kỳ tiên tri này kéo dài 400 năm, từ năm 100 đến 500 S.C.; một sự suy đồi lâu dài của hội thánh. Nhiều người tự hỏi: không biết lẽ thật của Đức Chúa Trời có bao giờ được chiếu sáng trở lại chăng? Nhưng trong Ma-thi-ơ 16:18, Đức Chúa Giê-su đã hứa, “Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” Sự lầm lạc không thể thắng mãi. Lẽ thật của Đức Chúa Trời được dấy lên lại, được chiến thắng bởi các anh hùng đức tin can đảm.

Sau thời kỳ Hắc Ám, Đức Chúa Trời không tuôn đổ tất cả lẽ thật của Ngài trên một người, nhưng Ngài đã dùng nhiều người để phục hồi lẽ thật. Ngài ban phước cho những người như nhóm Waldenses để rao truyền Lời Đức Chúa Trời là nền tảng cho đức tin. Ngài bày tỏ cho John Huss thấy rằng sự vâng lời Đức Chúa Trời đi trước sự vâng lời giáo hội. Ngài chỉ cho Martin Luther biết lẽ thật về sự được xưng công bình bởi đức tin. Những người Ana-Baptists tìm lại được lẽ thật về phép báp-têm cho người trưởng thành bằng cách dìm mình xuống nước. John Wesley tìm lại được lẽ thật về sự nên thánh, và hành động của Đức Thánh Linh trong đời sống chúng ta. Những người theo phong trào Cơ Đốc Phục lâm tìm lại được lẽ thật về sự tái lâm của Đấng Christ. Những hội thánh mới, những phong trào mới, được thành lập chung quanh những người tìm thấy lẽ thật và ánh sáng mới.

Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta có nhiều giáo phái khác nhau. Mỗi giáo phái đều vui mừng tiếp nhận lẽ thật mới tìm được. Nhưng đây cũng là điều rắc rối. Đức Chúa Trời muốn phục hồi tất cả lẽ thật của Ngài cho dân sự Ngài trong thời kỳ cuối cùng. Ngài muốn chúng ta tiến tới và khám phá lẽ thật của Ngài. Đức Chúa Trời còn nhiều ánh sáng hơn để ban cho chúng ta. Nhưng các hội thánh thường thỏa mãn với lẽ thật đã tìm được. Nhóm Lutheran chỉ muốn nói về những điều Martin Luther đã dạy; nhóm Methodist chỉ muốn học những gì John Wesley dạy, v.v… Bảo tồn những lẽ thật quan trọng là tốt, nhưng xây một bức tường chung quanh lẽ thật ấy rồi ngừng tại đó là không tốt. Chúa muốn mỗi thế hệ chấp nhận những lẽ thật của các thế hệ trước, cho đến khi Lẽ thật trọn vẹn của Lời Ngài được phục hồi. Chương trình của Chúa là nhóm họp tất cả dân sự Ngài từ các hội thánh, và hiệp một trong phong trào cuối cùng để phục hồi tất cả lẽ thật của Ngài.

TRẮC NGHIỆM – 21

1. o Đúng o Sai

Trong thời hội thánh các sứ đồ, lẽ thật của Đức Chúa Trời lan truyền rất nhanh chóng, ra khắp thế giới thời đó.

(Hãy xem Công vụ các Sứ đồ 2:41; 4:4; 6:7; Phi-líp 4:22; Cô-lô-se 1:23.)

2. Trong quan điểm tổng quát về lịch sử hội thánh mà sứ đồ Giăng đã thấy, thời kỳ thứ tư được tiêu biểu bằng con ngựa ________ ________ , và người cỡi ngựa ấy tên là _______ __________ , và ________ _______ theo sau người. Hình ảnh này tượng trưng cho sự chết thuộc linh của hội thánh!

(Hãy xem Khải huyền 6:8.)

3. Muốn đứng vững cho Đấng Christ và lẽ thật của Ngài, nhiều khi cần sự can đảm. Nhưng Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta, “Anh em vì ________ mà tranh chiến, là ________ đã truyền cho các thánh ________ _______ đủ rồi.” Như Phi-e-rơ đã can đảm trả lời những nhà cầm quyền đe dọa ông, “Thà phải vâng lời _______ _______ _________ còn hơn là vâng lời __________ _______.”

(Hãy xem Giu-đe 3 và Công vụ 5:29.)

4. Khi Phao-lô khuyên, “__________ _______ dữ tợn. . . chẳng tiếc bầy đâu,” ông nói về sự tấn công của Sa-tan từ bên ngoài hội thánh, sự bắt bớ. Nhưng khi ông cảnh cáo các nhà lãnh đạo, các người trông nom hội thánh rằng, “Lại _________ anh em cũng sẽ có những người nói lời _________ ________ dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ,” là ông nói về sự tấn công của Sa-tan từ bên trong, bằng cách làm bại hoại các nhà lãnh đạo và các giáo lý.

(Hãy xem Công vụ các Sứ đồ 20:28-30.)

5. Thật đáng buồn, Đức Chúa Trời nói về những sự bại hoại từ bên trong khi Ngài nói rằng ngay đến cả “Các thầy _______ ______ nó phạm luật pháp ta, và làm dơ vật thánh ta; chẳng phân biệt cái gì là thánh, cái gì là tục; chẳng khiến người ta phân biệt cái gì là ___ ____ , cái gì là tinh sạch; ________ ________ chẳng xem các ngày Sa-bát ta, và ta bị nói phạm giữa chúng nó.”

(Hãy xem Ê-xê-chi-ên 22:26.)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *