Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Chúa Biết Trước Tương Lai (Bài 3 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Chúa Biết Trước Tương Lai (Bài 3 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

BÀI 3. CHÚA BIẾT TRƯỚC TƯƠNG LAI

Đoạn 2 là phần lịch sử của sách Đa-ni-ên, bao gồm một trong những lời tiên tri lạ lùng nhất. Lời tiên tri trong đoạn này là nền tảng cho tất cả những lời tiên tri khác trong sách Đa-niên. Học đoạn 2, chúng ta có thể hiểu được đại ý của những lời tiên tri khác trong sách này. Tất cả những lời tiên tri trong Đa-ni-ên đều cùng chung một chủ đề căn bản, và mỗi lời tiên tri kế tiếp bổ túc thêm những chi tiết quan trọng mà không được khải thị trong lời tiên tri trước. Nói cách khác, những lời tiên tri tiếp theo khai triển những gì đã được nói đến trong Đa-ni-ên 2. Điểm chính của mỗi lời tiên tri luôn luôn nhắm vào thời kỳ cuối cùng. Vì thế, khi học xong sách Đa-ni-ên, chúng ta sẽ hiểu được lịch sử thế giới từ thời kỳ Đa-ni-ên cho tới thời kỳ cuối cùng một cách chính xác và chi tiết.

Một điều chúng ta cần ghi nhớ khi tìm hiểu những lời tiên tri, là chỉ những quốc gia có ảnh hưởng đến dân sự của Chúa mới được đề cập đến trong sách Đa-ni-ên. Có người hỏi, “Tại sao Trung Hoa và những quốc gia lớn của thời cổ không bao giờ được đề cập đến trong Kinh Thánh?” Lý do rất giản dị là Kinh 2 Thánh chỉ quan tâm đến những nước có ảnh hưởng đến tuyển dân của Chúa. Vì thế, chỉ những triều đại có liên quan đến dân sự Chúa mới được xuất hiện trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu bài học lý thú của Đa-ni-ên 2 để khám phá rằng Đức Chúa Trời đã nói trước rất chính xác về lịch sử thế giới.

1. Đấng duy nhất nào biết trước tương lai? (Ê-sai 46:9, 10).

a. Chiêm tinh gia
b. Sa-tan
c. Đức Chúa Trời

Qua tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời đã thách đố các thần tượng rằng, “Hãy rao những việc sẽ xảy đến sau này, cho chúng ta biết các ngươi là thần” (Ê-sai 41:23).

“Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì Ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như Ta. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên” (Ê-sai 46:9, 10).

Các thần của dân ngoại là hư không; chỉ một mình Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng của Ngài trong sự nói trước số phận của các nước. Trong Đa-ni-ên 2, Đức Chúa Trời thách đố các nhà bói khoa, thuật sĩ! Ngài bày tỏ chỉ một mình Ngài biết trước tương lai. Trong đoạn này, Đức Chúa Trời nói rõ ràng về lịch sử thế giới 2500 năm trước, và nói rất chính xác về sự dấy lên và sụp đổ của các đế quốc.

ĐIỀM CHIÊM BAO CỦA VUA

Vào khoảng năm 603 T.C., Nê-bu-cát-nết-sa đi chinh phục các nước về và sáng lập đế quốc đầu tiên. Nằm trên giường, vua suy nghĩ về thế lực của mình sau này. Vua tự hỏi: quyền thế lẫy lừng của ta, bao nhiêu sự giàu có và vinh hiển rực rỡ ấy rồi sẽ ra sao? Đức Chúa Trời đã trả lời những câu hỏi ấy để tỏ cho vua biết số phận cuối cùng của các đế quốc trên thế giới và để cho vua nhận biết Ngài.

2. Chuyện gì đã xảy ra cho Nê-bu-cát-nết-sa trong một đêm nọ? (Đa-ni-ên 2:1).

a. Vua nằm chiêm bao
b. Vua bị giết
c. Vua không ngủ được

3. Sáng hôm sau, vua truyền những nhà thông thái làm gì? (Đa-ni-ên 2:2-4).

a. Giải điềm chiêm bao
b. Đãi tiệc
c. Chầu vua

Những nhà thông thái của xứ Ba-by-lôn tự xưng là những người biết giải nghĩa chiêm bao, vì thế sự đòi hỏi này của vua không có gì là khác thường cả. Đây là một việc rất quen thuộc.

4. Có điều gì khác lạ về chiêm bao này mà vua yêu cầu? (Đani-ên 2:5).

a. Vua kể lại điềm chiêm bao
b. Vua không thể nhớ lại điềm chiêm bao
c. Đa-ni-ên cũng thấy chiêm bao giống vua

Nê-bu-cát-nết-sa không thể nhớ lại điềm chiêm bao.

5. Những nhà thông thái Ba-by-lôn có thể giải nghĩa được chiêm bao này không? (Đa-ni-ên 2:6-11).

a. Có
b. Không

Các nhà thông thái Ba-by-lôn đã hoàn toàn thất bại. Chúa đã cất giấc mơ ra khỏi trí của vua. Ngài không cho các đồng bóng tìm ra lời giải vì Ngài muốn dùng đấng tiên tri của Ngài làm trung gian để giải nghĩa cho vua ngoại đạo biết. Những người Canh-đê thú nhận sự bất tài của mình, “Sự vua đòi là hiếm có, và không ai có thể tỏ cho vua được, chỉ có các vị thần không ở với loài xác thịt” (Đa-ni-ên 2:11). Trong cơn giận dữ, vua truyền lệnh giết tất cả. Sắc lệnh tử hình này cũng áp dụng cho cả Đa-ni-ên.

LỜI PHÚC ĐÁP CỦA ĐA-NI-ÊN

6. Đa-ni-ên đã làm gì trong cơn khủng hoảng này? (Đa-ni-ên 2:16-22).

a. Bỏ trốn
b. Cầu xin Đức Chúa Trời
c. Tự vận

Đa-ni-ên đã nhìn nhận Đức Chúa Trời là Đấng điều khiển những biến cố trong lịch sử nhân loại. Sự hưng thịnh và suy tàn của các đế quốc dường như xảy ra do ý muốn loài người, nhưng Đa-ni-ên 2 tỏ cho chúng ta một cách rõ ràng Ngài điều khiển những biến cố đó. Không việc gì xảy ra mà Ngài không biết trước hoặc không cho phép. Thật an tâm thay khi biết rằng Chúa vẫn thống trị trái đất này! Chúng ta thường không hiểu được những việc xảy ra trên thế giới, nhưng Đa-ni-ên nói rõ ràng Ngài vẫn điều khiển mọi sự.

7. Đa-ni-ên thừa nhận ai có thể tỏ ra chiêm bao của vua? (Đani-ên 2:27-30).

a. Bản thân ông
b. Các bạn của ông
c. Đức Chúa Trời

ĐIỀM CHIÊM BAO VÀ LỜI GIẢI NGHĨA

8. Pho tượng trong chiêm bao của vua Nê-bu-cát-nết-sa, cái đầu là kim loại gì? (Đa-ni-ên 2:32).

a. Vàng
b. Bạc
c. Đồng

9. Ngực và cánh tay là kim loại gì? (Đa-ni-ên 2:32).

a. Vàng
b. Bạc
c. Đồng

10. Bụng và vế là kim loại gì ? (Đa-ni-ên 2:32).

a. Vàng
b. Bạc
c. Đồng

11. Ống chân là kim loại gì? (Đa-ni-ên 2:33).

a. Vàng
b. Bạc
c. Sắt 5

12. Bàn chân là kim loại gì? (Đa-ni-ên 2:33).

a. Vàng
b. Bạc
c. Sắt và đất sét

Trong pho tượng, các kim loại càng ở phía dưới thì càng kém giá trị, khởi sự từ đầu bằng vàng xuống đến chân bằng sắt. Lịch sử nhân loại không phải là một tiến bộ đến sự toàn thiện, đến “thời đại hoàng kim,” nhưng là một sự suy đồi dẫn đến một đế quốc độc ác, có quyền thống trị bằng sắt.

13. Một hòn đá, chẳng phải bởi tay đục ra, đập vào đâu pho tượng? (Đa-ni-ên 2:34, 35).

a. Đầu pho tượng
b. Tay pho tượng
c. Bàn chân pho tượng

Bấy giờ vua Nê-bu-cát-nết-sa rõ ràng đang ngồi trên mé ghế. Đa-ni-ên đã tiết lộ cho vua một cách tỏ tường về giấc mơ mà Đức Chúa Trời đã cho vua thấy.

14. Đầu bằng vàng tiêu biểu nước nào? (Đa-ni-ên 2:37, 38).

a. La Mã
b. Hoa Kỳ
c. Ba-by-lôn

Vàng là một tiêu biểu rất thích hợp cho Ba-by-lôn. Đế quốc này thống trị thế giới từ 605 đến 539 T.C. Tọa lạc tại lãnh thổ của Iraq hiện đại, 60 dặm về phía nam của Baghdad, kinh đô Ba-by-lôn là trung tâm của một quốc gia hùng mạnh tại Trung Đông vào thời đó. Thần chính của họ là Ben Marduk được cất bằng vàng khối, đặt trên ngai bằng vàng, bên cạnh cây đèn bằng vàng, trước một bàn thờ bằng vàng, trong một đền bằng vàng. Tiên tri Ê-sai gọi Ba-by-lôn là “thành phố vàng” (Golden city theo bản Kinh Thánh King James, Ê-sai 14:4).

15. Kim loại nào tiêu biểu đế quốc sau Ba-by-lôn? (Đa-ni-ên 2:32, 39).

a. Đồng
b. Bạc
c. Sắt

Ba-by-lôn không tồn tại vĩnh viễn. Cũng như bạc kém vàng, đế quốc nối tiếp Ba-by-lôn kém Ba-by-lôn. Năm 539 T.C., đế quốc Mê-đi Ba-tư xuất hiện. Dưới quyền lãnh đạo của Si-ru, Mê-đi Ba-tư xâm chiếm Ba-by-lôn và tiêu diệt xứ này. Mê-đi Ba-tư cai trị thế giới từ 539-331 T.C.

16. Kim loại nào tiêu biểu đế quốc nối tiếp Mê-đi Ba-tư? (Đa-niên 2:39).

a. Sắt
b. Đồng
c. Nhôm

Xứ Mê-đi Ba-tư cũng không thể tồn tại mãi. Trong trận chiến Arbela vào năm 331 T.C., A-lịch-sơn Đại đế xâm chiến Mê-đi Ba-tư, và đế quốc Hy Lạp của A-lịch-sơn, một vương quốc bằng đồng xuất hiện.

17. Kim loại nào tiêu biểu cho đế quốc thứ tư? (Đa-ni-ên 2:40).

a. Đồng
b. Chì
c. Sắt

Đế quốc nối tiếp Hy Lạp là chính thể quân chủ bằng sắt của La Mã, cai trị thế giới từ năm 168 T.C. đến năm 476 S.C. Đây là một đế quốc đã thống trị thế giới khi Đức Chúa Giê-su giáng sinh. Đa-ni-ên đã nói trước cả ngàn năm rất chính xác lịch sử thế giới. Sự dấy lên và sụp đổ của các đế quốc—Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hy Lạp và La Mã—đã được nói trước trong Kinh Thánh một cách rõ ràng. Chúa biết trước việc gì sẽ xảy ra. Ngài điều khiển mọi biến cố của nhân loại. Thật lạ lùng thay, Chúa đã nói trước sẽ chỉ có bốn đế quốc này mà thôi!

18. Sau khi đế quốc La Mã suy tàn, tình trạng của Âu Châu ra sao? (Đa-ni-ên 2:41-43).

a. Nửa mạnh nửa giòn
b. Mạnh hơn nhiều
c. Phân chia

Theo như lời tiên tri, khi đế quốc La Mã chấm dứt vào năm 476 S.C., xứ này không bị thống trị bởi một xứ nào khác; trái lại, những bộ lạc man rợ xâm chiếm và phân chia đế quốc La Mã thành mười nước. Bảy trong mười nước này ngày nay vẫn còn tồn tại ở Âu Châu, đó là Anh quốc (Anglo-Saxons), Pháp quốc (Franks), Đức quốc (Alemanni), Ý Đại Lợi (Lombards), Thụy Sĩ (Burgundians), Tây Ban Nha (Visigoths), Bồ Đào Nha (Suevi). Ba nước sau cùng là Ostragoths, Heruli, và Vandals đã bị một quyền lực tiêu diệt như đã ghi trong Đa-ni-ên 7.

Qua hôn nhân, liên minh và những phương tiện khác, loài người muốn thống nhất lục địa Âu Châu một lần nữa. Nhưng lời Đức Chúa Trời phán, “Họ không dính vào nhau” đã ngăn chặn tất cả những người muốn làm bá chủ Âu Châu. Charlemagne, Nã-phá-luân, Mussolini, Hitler, và Stalin đã cố gắng hết sức để liên kết Âu Châu, nhưng họ đã thất bại thảm khốc. Sắt và đất sét chỉ rằng có nước mạnh nước yếu, nhưng họ không thể hiệp với nhau, cũng như đất sét không thể dính với sắt. Lời tiên tri này đã xác định rằng thế giới sẽ bị phân chia cho đến ngày cuối cùng của lịch sử. Tương lai thế giới ở trong tay Đức Chúa Trời.

VƯƠNG QUỐC VỮNG CHẮC

19. Ai sẽ dựng nên nước sau cùng? (Đa-ni-ên 2:44).

a. Đức Chúa Trời
b. Tổng thống Mỹ
c. Đức giáo hoàng

Một nước vĩ đại kế tiếp sẽ là nước của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ “đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời.”

Đức Chúa Giê-su sẽ tái lâm! Ngài sẽ tiêu diệt các nước trên đất và lập nước đời đời. Thật vui thay! Chúa sẽ tái lâm! Tất cả lịch sử đều tiến dần đến tuyệt đỉnh khi Con Đức Chúa Trời tái lâm trong sự vinh hiển và đem đến nước công bình vĩnh cửu. Có lẽ Nê-bu-cát-nết-sa nghĩ rằng vua đã chiến thắng Đức Chúa Trời chân thật (đoạn 1), nhưng ông được chỉ dẫn một cách nhanh chóng rằng Đức Chúa Trời cai trị tất cả loài người và cuối cùng Ngài sẽ chiến thắng. Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hy Lạp, La Mã và mười nước của đế quốc La Mã dầu đã tìm cách để chiếm đoạt quyền tuyệt đỉnh và hủy diệt dân sự Chúa, nhưng sau cùng thì tất cả các nước trên đất sẽ bị nghiền nát bởi sự tái lâm của Đấng Christ. Cảm tạ Chúa! Ngài sẽ chiến thắng cuộc đấu tranh vĩ đại!

20. Sau khi nghe lời giải thích về điềm chiêm bao, vua Nê-bucát-nết-sa nói gì về Chúa của Đa-ni-ên? (Đa-ni-ên 2:47-49).

a. Chế nhạo
b. Chỉ trích
c. Ngợi khen

Sau khi nhìn nhận quyền quản trị của Chúa, một người vô tín như Nê-bu-cát-nết-sa cũng công nhận rằng Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên cao hơn tất cả các thần của Ba-by-lôn.

Tình thế thay đổi nhanh chóng! Từ sự mất nước đến sự bị bắt làm phu tù, và được giáo hóa cho phù hợp với xã hội Ba-bylôn. Bây giờ, vì lòng trung tín với Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên và bạn hữu được nâng lên hàng lãnh đạo cao cấp. Chúa luôn luôn ban thưởng cho những người trung tín với Ngài.

TÓM LƯỢC

Những bài học trong đoạn này:

1) Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất biết trước tương lai, và Ngài quản trị tất cả mọi sự trên đất. Ngài điều khiển sự dấy lên và sụp đổ của các đế quốc để đạt đến mục đích tối cao là sửa soạn biến cố phục lâm vĩ đại của Đức Chúa Giê-su. Trung tâm điểm của mọi lời tiên tri là Đấng Christ.

2) Đức Chúa Trời có thể chuyển bại thành thắng. Cục diện có thể thay đổi mau chóng khi Ngài can thiệp vào bất cứ việc gì. Mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu mến Chúa. Vì thế, nếu chúng ta trung tín vâng lời Ngài, thì chúng ta sẽ thấy quyền phép Ngài biểu lộ cách phi thường.

QUYẾT ĐỊNH

 Sau khi nhận định rằng Chúa là Đấng quản trị mọi sự trên đất, tôi muốn Ngài quản trị hoàn toàn cuộc đời tôi.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên

Kiểm Tra 3

1) Đấng duy nhất nào biết trước tương lai?
________________________________________________

2) Việc gì đã xảy ra cho vua Nê-bu-cát-nết-sa một đêm nọ?
________________________________________________

3) Có điều gì lạ về chiêm bao của vua?
________________________________________________

4) Ai có thể tỏ ra sự kín nhiệm về chiêm bao của vua?
________________________________________________

5) Xin miêu tả sơ lược pho tượng:

Đầu bằng ___________ tượng trưng cho ______________ .
Ngực và cánh tay bằng ________ tiêu biểu cho ________ .
Bụng và vế bằng ___________ tượng trưng ___________ .
Ống chân bằng ________ tiêu biểu cho ______________ .
Bàn chân bằng _______ và _______ ______ tiêu biểu cho________ nước ra từ La Mã.

6) Đề tài chính trong Đa-ni-ên đoạn 2 là gì?
________________________________________________
________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 03 – Chua Biet Truoc Tuong Lai

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 03 – Danien

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *