Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Vũ Trụ Chiến (Chương 4 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Vũ Trụ Chiến (Chương 4 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Chương 4. Vũ Trụ Chiến

Thiên sứ! Thiên sứ đã trở nên rất phổ thông mấy năm gần đây. Thiên sứ đã trở nên nổi tiếng. Họ đóng vai chính trong một chương trình được nhiều người ưa thích của CBS gọi là “Được Thiên sứ rờ tới.” Họ cũng xuất hiện trong nhiều phim và là đề tài của nhiều sách bán chạy nhất. Trong sách Khải huyền, thiên sứ cũng nổi bật, được đề cập đến trong mỗi chương. Nhưng bây giờ, tôi muốn tập trung vào một cuộc đấu tranh của các thiên sứ được miêu tả trong sách Khải huyền, một cuộc chiến làm lu mờ tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng, và đang diễn tiến hằng ngàn năm nay. Cuộc chiến này rất quan trọng vì đó thật sự là một cuộc đấu tranh về Đức Chúa Trời là ai. Đây là một cuộc chiến có ảnh hưởng đến vận mạng của nhân loại, dù chúng ta có ý thức điều đó hay không.

Chiến Tranh Trên Thiên Đàng. Thật khó tin, nhưng Khải huyền 12:7-9 diễn tả, “Bấy giờ có một cuộc chiến đấu trên trời: Mi-chen và các sứ người tranh chiến cùng con rồng, rồng cũng cùng các sứ mình tranh chiến lại; song chúng nó không thắng, và chẳng còn thấy nơi chúng nó ở trên trời nữa.”

Chiến tranh trên trời! Dường như là một danh từ mâu thuẫn. Điều này đem lại những câu hỏi: Tại sao có chiến tranh trên trời? Con rồng làm gì trên thiên đàng? Sa-tan làm gì trên thiên đàng? Hắn từ đâu ra?

Tiền Sử Của Sa-tan. Kinh Thánh cho biết vì lý do nào mà cuộc đấu tranh bùng nổ. Tiên tri Ê-xê-chi-ên có lần truyền lời của Đức Chúa Trời cho vua xứ Ty-rơ. Nhưng trong lời tiên tri này, Ngài cũng nói về một nhân vật khác. Vua vinh hiển xứ Ty-rơ là tiêu biểu cho một thiên sứ sáng láng, “Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn ngoan, tốt đẹp trọn vẹn. . . Ngươi là một chê-ru-bin được xức dầu đương che phủ; ta đã lập ngươi lên trên hòn núi thánh của Đức Chúa Trời; ngươi đã đi dạo giữa các hòn ngọc sáng như lửa. Đường lối ngươi trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian ác trong ngươi” (Ê-xê-chi-ên 28:12-15).

Câu Kinh Thánh trên miêu tả một thiên sứ được gọi là “một chê-ru-bin được xức dầu đương che phủ.” Đây là một thiên sứ được xức dầu để làm một chức vụ đặc biệt. Trong đền thờ của người Do Thái thời xưa, có hai thiên sứ chê-ru-bin đứng phủ cánh trên nắp thi ân, là ngôi của Đức Chúa Trời. Thiên sứ này có một địa vị đặc biệt bên ngôi Đức Chúa Trời, “Ngươi gồm đủ tất cả, đầy sự khôn ngoan, tốt đẹp trọn vẹn.”

Nhưng trong thiên sứ này nảy sinh sự gian ác. Hắn đã để cho tội lỗi xâm chiếm tâm hồn mình cách nào? Ê-xê-chi-ên 28:17 giải thích, “Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn ngoan mình.” Thiên sứ này đã kiêu hãnh về sự rực rỡ và đẹp đẽ của mình. Không có gì sai quấy khi người ta biết quí trọng tài trí và khả năng của mình, và cảm thấy tự tin. Nhưng làm sao thiên sứ này đi từ một tâm hồn tự tín thành ra gian ác? Làm sao sự khôn ngoan của hắn bị hư hoại?

Ê-sai 14:12-14 cho chúng ta thấy, và còn cho chúng ta biết tên của thiên sứ nữa, “Hỡi sao mai [Lu-xi-phe, theo bản dịch King James], con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào! Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao.”

Lu-xi-phe đã trở nên một thiên sứ kiêu ngạo. Ở gần ngôi của Đức Chúa Trời cũng chưa thỏa lòng. Hắn muốn một địa vị cao trọng hơn. Hắn muốn chiếm “nước, quyền và vinh hiển” của Đức Chúa Trời.

Tình Yêu Thương Là Giải Pháp. Sứ đồ Giăng nói với chúng ta rằng, “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (I Giăng 4:8). Tình yêu thương bao phủ chung quanh Lu-xi-phe, nhưng hắn xây bỏ tình thương đó và muốn cạnh tranh với Đức Chúa Trời! Trong trí óc đầy kiêu ngạo và nghi ngờ, Lu-xi-phe thấy Chúa là kẻ thù của mình. Thiên sứ phản loạn này nghĩ rằng: Tại sao Đức Chúa Trời lại có mọi quyền hành và uy thế? Lu-xi-phe nghĩ rằng mình có thể thống trị vũ trụ không thua gì Đức Chúa Trời.

Thiên đàng là nơi chưa hề có sự ganh tị và vu khống. Các thiên sứ chưa hề nghe một lời nói dối (sự dối trá do chính Lu-xi-phe phát minh ra—Giăng 8:44) và các thiên sứ không biết đối phó cách nào với sự dối trá. Các thiên sứ chưa bao giờ nghi ngờ tình yêu và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Bỗng nhiên, thiên sứ sáng láng Lu-xi-phe, một chê-ru-bin lúc nào cũng đứng bên ngôi Đức Chúa Trời, bắt đầu có những lời phê bình, chỉ trích. Hắn tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại có tất cả sự vinh hiển, tại sao các loài thọ tạo phải phục tùng Ngài? Có thể có một đường lối khác, một đường lối tốt hơn để điều khiển vũ trụ.

Lu-xi-phe dường như rất hữu lý, đã bày tỏ những nghi vấn về uy quyền và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, rồi hắn thuyết phục các thiên sứ khác liên kết trong sự phản nghịch của mình, để tranh đấu về vấn đề ai sẽ điều khiển vũ trụ. Một cuộc chiến vĩ đại đã xảy ra—một vũ trụ chiến! Có đấu tranh trên trời, và Lu-xi-phe, bây giờ gọi là Sa-tan, cùng một phần ba thiên sứ đã bị đánh bại và bị đuổi ra khỏi thiên đàng. Tại sao Đức Chúa Trời chẳng hủy diệt Sa-tan liền khi đó để tránh những đau buồn và thảm khốc hắn gây ra sau này? Nếu Đức Chúa Trời hủy diệt Sa-tan ngay lúc ấy thì tất cả các thiên sứ sẽ lý luận, “Tội nghiệp Lu-xi-phe quá! Hắn chỉ muốn cảnh cáo chúng ta rằng Đức Chúa Trời là độc tài, là hung ác, và coi kìa, chuyện gì đã xảy ra cho hắn! Dường như Lu-xi-phe nói đúng! Có thể những lời lên án của hắn là thật?” Vì vậy, Đức Chúa Trời đã lựa chọn một đường lối khôn ngoan: Ngài cho phép tội lỗi tiếp tục một thời gian, cho tới khi được chứng tỏ rằng đường lối của Đức Chúa Trời đem lại sự sống và hạnh phúc, còn con đường của Lu-xi-phe là sự chết và đau khổ; lúc đó và chỉ lúc đó, Ngài mới hủy diệt tất cả tội ác.

Tình yêu thương không bắt buộc. Tình yêu thương là để cho mọi người có quyền tự do lựa chọn và quyết định. Đức Chúa Trời yêu chúng ta là loài thọ tạo của Ngài, và Ngài muốn chúng ta yêu Ngài vì Ngài đã yêu ta trước. Khi Lu-xi-phe bắt đầu phản loạn, ngoại trừ Đức Chúa Trời, không ai lúc đó lường được sự tai hại của tội lỗi. Không ai biết được sự đau khổ và sầu thảm do tội lỗi gây ra. Để các thiên sứ và loài người chứng kiến sự thật là cách duy nhất ngăn ngừa tội lỗi không hoành hành vũ trụ một lần nữa.

Địa Cầu Tham Gia Cuộc Chiến. Trong Vườn Ê-đen, khi Ê-va nói với con rắn rằng Đức Chúa Trời đã dặn họ đừng ăn trái cấm vì ăn vào chắc sẽ chết, thì Sa-tan trả lời trái ngược với lời của Chúa, “Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng thế Ký 3:4, 5). Lời Sa-tan nói rằng, “Ngươi sẽ được hạnh phúc hơn nếu ngươi theo ta. Đức Chúa Trời không cho ngươi sự tự do.” Đáng buồn thay, A-đam và Ê-va đã tin lời nói dối ấy. Kết quả là ngày nay chúng ta sống trên một hành tinh phản loạn, một hành tinh đầy sự hư hoại và chết chóc.

Khởi Đầu Của Sự Đau Khổ. Trong Ma-thi-ơ 13:24-43, Đức Chúa Giê-su kể chuyện một người kia gieo giống tốt trong ruộng mình, nhưng rồi cỏ dại mọc đầy trong ruộng. Đầy tớ đến hỏi chủ rằng, “Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra?” Đó là câu chúng ta tự hỏi hằng ngày, Đức Chúa Trời đã tạo dựng một thế gian toàn thiện, nhưng sao chúng ta gặp quá nhiều cỏ lùng đớn đau? Trong câu chuyện Chúa kể, người chủ ruộng đã trả lời rất đơn giản. “Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã gieo cỏ lùng.” Một kẻ thù của Đức Chúa Trời đã gieo cỏ lùng của tội lỗi, của đau buồn trong thế gian này.

Đức Chúa Trời Có Một Kế Hoạch. Đức Chúa Trời không từ bỏ loài người dầu họ đã phản bội Ngài. Ngay từ buổi ban đầu, Ngài đã có một kế hoạch. Nếu bạn tự hỏi, “Tại sao Chúa chẳng làm gì đặng tiêu diệt những bệnh tật, tội lỗi và đau khổ trong thế giới của chúng ta?” Xin trả lời, Ngài có làm. Ngài đã ban cho nhân loại Con Một của Ngài. Đó là Đấng đã đến thế gian để chịu đau khổ với chúng ta và một ngày gần đây, chúng ta sẽ chiến thắng với Ngài!

TRẮC NGHIỆM – 4

1. Có người cho rằng, “Vì Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, nên Ngài hẳn đã dựng nên ma quỷ.” Nhưng Kinh Thánh nói về Lu-xi-phe như vầy, “Ngươi vốn ở trong Ê-đen, là vườn của Đức Chúa Trời. . . . Ngươi là một chê-ru-bin được xức dầu. . . . Đường lối ngươi ________ _______ từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian ác trong ngươi.”
(Hãy xem Ê-xê-chi-ên 28:13-15.)

2. o Đúng o Sai
Khi Đức Chúa Trời tạo dựng các thiên sứ và loài người, Ngài ban cho họ sự tự do lựa chọn. Đức Chúa Trời không muốn loài thọ tạo của Ngài giống như những hình nộm hay người máy, phục vụ Ngài cách máy móc, không chút tình thương.
(Hãy xem Sáng thế Ký 2:16, 17; Ê-xê-chi-ên 28:15; Giô-suê 24:15.)

3. Khi Lu-xi-phe lợi dụng sự tự do Chúa ban để phản loạn, Kinh Thánh nói, “Bấy giờ có một cuộc _______ _______ trên trời,” và ngày nay chúng ta vẫn còn ở giữa cuộc vũ trụ chiến, lớn hơn cả thế giới.
(Hãy xem Khải-huyền 12:7.)

4. Sa-tan là kẻ tự cao tự đại đã sa ngã vì lòng kiêu ngạo của nó. Kinh Thánh nói, “Hỡi sao mai [Lu-xi-phe], con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống!. . . Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: ____ sẽ lên trời, sẽ nhắc ______ _____ lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. _____ sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. ____ sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra ______ bằng ______ _____ _____.”
(Hãy xem Ê-sai 14:12-14.)

5. Khi chúng ta tự hỏi tại sao có những điều buồn thảm, đau khổ, và chết chóc trên thế giới, xin hãy nhớ lại thí dụ Chúa đã kể về lúa mì và cỏ lùng, khi Ngài nói, “Một ____ _____ đã làm điều đó.”
(Hãy xem Ma-thi-ơ 13:24-43, để ý câu 28.)

6. Để chứng minh lời nói dối của Sa-tan về Đức Chúa Trời, “Đức Chúa Giê-su đi khắp các thành, các làng, ______ ____ trong các nhà hội, _______ tin lành nước Đức Chúa trời, và ________ ________ các thứ tật bệnh. Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng _________ ________, vì họ cùng khốn.”
(Hãy xem Ma-thi-ơ 9:35, 36.)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *