Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Đền Thánh Là Gì? (Bài 16 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Đền Thánh Là Gì? (Bài 16 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

BÀI 16. ĐỀN THÁNH LÀ GÌ?

Trong bài học 15, chúng ta đã nghiên cứu thời kỳ tiên tri dài nhất trong Kinh Thánh, trải qua 2300 năm, khởi đầu từ năm 457 T.C. cho đến năm 1844 S.C. Đức Chúa Trời đã khải thị về sự dấy lên và sụp đổ của các đế quốc như: Mê- đi Ba-tư, Hy Lạp, và La Mã. Ngài cũng khải thị những hành động xấc xược của cái sừng nhỏ phạm đến Đấng Christ và đền thánh Ngài. Trong đoạn 8, chúng ta học biết là sau 2300 năm “nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Trong đoạn 9, thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích về thời kỳ 2300 ngày/năm. Thời kỳ tiên tri dài nhất này gồm 70 tuần lễ dành cho dân Do Thái, trong đó có nói trước về năm Đấng Christ sẽ khởi sự chức vụ rao giảng và bị đóng đinh. Vì những biến cố về 70 tuần lễ đã ứng nghiệm rất chính xác, nên chúng ta tin chắc rằng biến cố trọng đại sẽ xảy ra khi 2300 năm đã mãn, tức là sự làm sạch đền thánh, cũng sẽ xảy ra đúng vào năm đã được dự ngôn là năm 1844. Tuy nhiên, để hiểu rõ những việc đã xảy ra vào năm 1844, chúng ta cần hiểu biết thêm về đền thánh trong Cựu Ước và đền thánh trên trời.

ĐỀN THÁNH VÀ CÁC NGHI LỄ TRONG CỰU ƯỚC

1. Nơi nào sẽ được thanh sạch sau thời kỳ 2300 năm? (Đa-ni-ên 8:14).

a. Sau đó trái đất sẽ được thanh sạch
b. Sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch
c. Sau đó đền tạm sẽ được thanh sạch

2. Mục đích của đền tạm trong thời Cựu Ước là gì? (Xuất Ê- díp-tô Ký 25:8).

a. Để Chúa ở giữa họ
b. Để họ thờ phượng Chúa
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Khi Đức Chúa Trời giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, Ngài truyền cho Môi-se cất một đền tạm. Trên núi Si-nai, Ngài ban cho ông những chi tiết rất tỉ mỉ về sự cất đền tạm và các nghi lễ trong đền tạm, được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký từ đoạn 25 đến 40. Ngài truyền những huấn lệnh này với mục đích là gây ấn tượng sâu xa trong lòng dân chúng về: (1) Sự thánh khiết của Ngài tương phản với sự gớm ghiếc của tội lỗi, (2) Ngài sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho dân sự khi họ ăn năn, (3) Ngài mong muốn ngự trong lòng họ, qua Đức Thánh Linh, và làm sạch đền thánh là thân thể họ (I Cô-rinh-tô 6:19, 20).

3. Đền thánh được gọi là gì trong Cựu Ước? (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:1).

a. Đền tạm
b. Nhà thờ
c. Nhà tạm

Vì dân Y-sơ-ra-ên phải di chuyển thường xuyên trong đồng vắng nên Đức Chúa Trời truyền dạy họ cất một đền tạm bằng vải như một cái lều để có thể xếp lại và di chuyển khi dân sự phải rời đi nơi khác. Đền tạm này gồm ba phần:

1) Nơi hàng lang có bàn thờ của lễ thiêu và chậu lớn bằng đồng.

2) Nơi thánh có bàn bánh trần thiết, chân đèn bảy ngọn và bàn thờ xông hương.

3) Nơi chí thánh có hòm giao ước, trong đó là bản luật pháp Mười Điều răn. Trên hòm giao ước có nắp thi ân, tiêu biểu cho sự công bình và lòng thương xót đi đôi với nhau. Hai 3 chê-ru-bin ở hai bên xây mặt đối nhau trên nắp thi ân, là nơi bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chỉ về sự hiện diện của Ngài trên đất.

4. Trong thời Cựu Ước, khi một người phạm điều răn Chúa thì phải đem vật gì đến đền thánh? (Lê-vi Ký 4:27-32).

a. Vàng bạc, châu báu
b. Một con dê cái hoặc chiên cái không tì vít
c. Trái cây hoa quả

Khi một người Y-sơ-ra-ên lầm lỡ phạm một trong các điều răn của Đức Giê-hô-va, thì người ấy phải đem một con dê cái hay chiên cái đến đền thánh. Tội nhân nhận hai tay trên đầu con vật và xưng tội mình, rồi chính người phải cầm dao giết con sinh tế. Thầy tế lễ sẽ nhúng ngón tay mình trong huyết, bôi trên các sừng bàn thờ của lễ thiêu và đổ huyết dưới chân bàn thờ như một biểu tượng chuyển tội lỗi từ tội nhân qua con sinh tế rồi qua bàn thờ.

Một điều cần chú ý là trong thời Cựu Ước, tội nhân nhận được sự tha thứ tại đền thánh. Các nghi lễ trong đền thánh liên quan đến sự làm sạch tội lỗi, và việc dâng con sinh tế được thi hành hằng ngày.

SỰ XÂY CẤT ĐỀN THÁNH

5. Môi-se cất đền tạm theo kiểu mẫu nào? (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:9, 40).

a. Theo kiến trúc sư giỏi nhất thời bấy giờ
b. Theo kiểu Ai Cập
c. Theo như Chúa hướng dẫn

Môi-se không sáng chế ra đền thánh; người chỉ làm y theo kiểu mẫu Đức Chúa Trời đã truyền cho ông trên núi Si-nai.

6. Đền tạm Môi-se dựng có ý nghĩa gì? (Hê-bơ-rơ 8:5).

a. Là hình và bóng của đền thánh trên trời
b. Là hình và bóng cho đền thánh trong Tân Ước
c. Là hình và bóng cho thành Giê-ru-sa-lem mới Môi-se phải dựng đền tạm theo kiểu mẫu đền thánh trên trời.

7. Kinh Thánh dạy có bao nhiêu đền thánh? (Hê-bơ-rơ 8:1-5).

a. 1
b. 2
c. 3

Kinh Thánh dạy rõ ràng có hai đền thánh: một ở dưới đất và một ở trên trời. Đền thánh dưới đất được Môi-se dựng theo kiểu mẫu của đền thánh trên trời. Còn đền thánh trên trời được Đức Giê-hô-va dựng lên là đền thánh thật.

8. Ai là thầy tế lễ thượng phẩm của đền thánh trên trời? (Hê- bơ-rơ 4:14).

a. Đức Chúa Giê-su
b. Đức Giê-hô-va
c. Đức Thánh Linh

Đền thánh dưới đất có những thầy tế lễ thi hành các nghi lễ trong Cựu Ước. Nhưng trong đền thánh trên trời chỉ có một thầy tế lễ mà thôi, đó là Đức Chúa Giê- su. Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta.

9. Ai là đấng trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người trong thời Tân Ước? (I Ti-mô-thê 2:5).

a. Thầy tế lễ
b. Bà Ma-ri – mẹ của Chúa
c. Đức Chúa Giê-su Christ

Trong thời Tân Ước, chúng ta không cần hệ thống các thầy tế lễ ở dưới đất, vì khi Đức Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, thì chức Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Ngài khai mạc. Như vậy, không có đấng trung bảo nào khác giữa loài người và Đức Chúa Trời, ngoại trừ Đức Chúa Giê-su Christ.

ĐỨC CHÚA GIÊ-SU THI HÀNH CHỨC VỤ TẾ LỄ

Đấng Christ đã chấm dứt các nghi lễ trong đền thánh thời Cựu Ước. Hồi đó, khi tội nhân đến đền thánh để xin tha tội, thì người phải đứng trước bàn thờ của lễ thiêu, xưng tội mình trên con chiên. Trong nơi chí thánh, trước mặt người là bản luật pháp Mười Điều răn. Tội lỗi là sự vi phạm luật pháp (I Giăng 3:4). Tội nhân đã vi phạm luật pháp đó; và Kinh Thánh dạy “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” và “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4; Rô-ma 6:23). Để được tha khỏi án tử hình, con chiên phải chết thế cho tội nhân. Huyết chiên được rảy trên bức màn trước bàn thờ xông hương, là biểu tượng sự chuyển tội lỗi từ tội nhân qua con chiên và từ chiên qua đền thánh. Nghi lễ này làm hình bóng về sự chết của Đấng Christ là Đấng đã lãnh án tử hình thế cho chúng ta trên thập tự giá. Hai bàn thờ đặt trực tiếp giữa tội nhân và luật pháp bị vi phạm: bàn thờ của lễ thiêu và bàn thờ xông hương. Các nghi lễ được cử hành tại cả hai bàn thờ này để làm sạch tội; nhờ đó tội nhân được tha thứ và phục hồi.

Đền thánh gồm có ba phần: hành lang, nơi thánh và nơi chí thánh, tiêu biểu cho ba giai đoạn trong chức vụ của Đấng Christ. Giai đoạn thứ nhất là sự hy sinh của Ngài nơi hành lang, giai đoạn thứ hai là sự cầu thay của Ngài trong nơi thánh, và giai đoạn thứ ba là sự phán xét và làm sạch đền thánh của Ngài tại nơi chí thánh.

10. Sự dâng con sinh tế tại bàn thờ của lễ thiêu tiêu biểu cho giai đoạn nào trong chức vụ của Đấng Christ? (Hê-bơ-rơ 9:26; Giăng 1:29).

a. Chúa làm phép báp-têm
b. Chúa chết trên thập tự giá
c. Chúa sinh ra đời

Bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá, Đức Chúa Giê-su đã làm trọn công việc nơi hành lang trong Cựu Ước. Ngài là Chiên con của Đức Chúa Trời, là con sinh tế cho tội nhân. Bây giờ, chúng ta không cần phải dâng con chiên khi mình phạm tội vì Đức Chúa Giê-su, Chiên con của Đức Chúa Trời, đã chết cho tội lỗi chúng ta. Hành lang với bàn thờ của lễ thiêu tiêu biểu cho sự hy sinh và sự chết của Đấng Christ. Đền thánh là họa đồ miêu tả chương trình cứu rỗi cho dân sự Chúa trong thời Cựu Ước.

11. Giai đoạn thứ hai của thánh chức Đức Chúa Giê-su là gì? (Hê-bơ-rơ 9:24).

a. Vào đền thờ trên trời cầu thay cho chúng ta
b. Ngồi trên ngai trời nhìn thế gian
c. Ẩn hiện khắp nơi để giúp người

Khi thăng thiên rồi, Đấng Christ làm công việc cầu thay thật hoàn hảo cho chúng ta tại nơi thánh của đền thánh trên trời. Hê-bơ-rơ 9:24 dạy rằng Ngài xuất hiện trước mặt Đức Chúa Trời vì chúng ta. Bàn thờ xông hương trong nơi thánh tiêu biểu cho đời sống công bình của Đấng Christ. Đời sống hoàn hảo của Ngài như là mùi hương thơm thêm vào những lời cầu nguyện của các thánh để dâng lên Đức Chúa Trời (Khải huyền 8:3, 4).

Hành lang đền tạm tiêu biểu cho sự hy sinh của Đấng Christ, nơi thánh tiêu biểu cho công việc cầu thay của Ngài. Bàn thờ của lễ thiêu tiêu biểu cho sự chết của Đấng Christ; bàn thờ xông hương là đời sống của Ngài. Một lần nữa, hãy ghi nhận rằng hai bàn thờ đặt trực tiếp thẳng hàng giữa tội nhân và luật pháp đã bị vi phạm. Điều mà chúng ta thực sự thấy là Đức Chúa Giê-su đứng giữa tội nhân và luật pháp bị vi phạm.

12. Sứ đồ Phao-lô diễn tả thế nào về những cá nhân được phục hồi sự liên hệ với Đức Chúa Trời? (Rô-ma 5:10). a. Chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Đấng Christ

a. Chúng ta được cứu bởi sự sống của Đấng Christ
b. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Hai thánh chức trong đền thánh đã được Đấng Christ làm trọn. Ngài là Đấng duy nhất có thể hoàn toàn phục hồi sự liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời. Tội nhân được hòa giải với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Đấng Christ và được cứu bởi sự sống của Ngài.

NGÀY ĐẠI LỄ CHUỘC TỘI

Trong khi công việc ở hành lang và nơi thánh được thi hành mỗi ngày, thì công việc ở nơi chí thánh được thi hành mỗi năm một lần. Vì vậy, việc ở nơi thánh được gọi là công việc “hằng ngày”, còn việc ở nơi chí thánh được gọi là công việc “hằng năm”. Công việc trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội tại nơi chí thánh tiêu biểu giai đoạn 7 thứ ba là giai đoạn cuối cùng của thánh chức Đấng Christ. Chúng ta hãy nghiên cứu những việc xảy ra trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội, là ngày trọng đại nhất trong đời sống dân Y-sơ-ra-ên thời xưa.

13. Điều gì đặc biệt trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội? (Lê-vi Ký 16:29, 30).

a. Có nhiều con sinh tế sẽ bị giết
b. Mọi tội lỗi được xóa sạch
c. Mọi người đều kiêng ăn và sám hối

Mục đích của ngày Đại Lễ Chuộc Tội là làm sạch cả tội nhân và đền thánh. Sự làm sạch đền thánh được hoàn tất qua nghi lễ tại nơi chí thánh.

14. Hai con dê đực để dành cho ai? (Lê-vi Ký 16:8).

a. Đức Giê-hô-va và A-xa-sên
b. Đức Giê-hô-va và Đức Chúa Giê-su
c. Đức Chúa Giê-su và A-xa-sên

Vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội có hai con dê đực được chọn (Lê- vi Ký 16:5). Thầy tế lễ A-rôn bắt thăm cho hai con dê đực, một thăm về phần Đức Giê-hô-va, một thăm về phần A-xa-xên. Axa-sên là một tên khác của Sa-tan.

15. Điều gì xảy ra cho con dê đực về phần Đức Giê-hô-va? (Lê- vi Ký 16:9).

a. Thả con dê đực về rừng
b. Dùng thịt của con dê đực làm đồ ăn
c. Dâng nó làm của chuộc tội

Con dê về phần Đức Giê-hô-va bị giết và dâng trên bàn thờ của lễ thiêu, tượng trưng cho Đấng Christ hy sinh vì chúng ta.

16. Sự rảy huyết con dê đực trên nắp thi ân để làm sạch phần nào của đền thánh? (Lê-vi Ký 16:15, 16).

a. Nơi thánh
b. Nơi chí thánh
c. Cả đền thánh

Nắp thi ân là nắp đậy hòm giao ước; và hòm giao ước được đặt tại nơi chí thánh. Trong hòm giao ước có luật pháp Mười Điều răn. Mỗi năm thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh chỉ một lần trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Huyết này được rảy trên nắp thi ân. Tuy rằng thầy tế lễ thượng phẩm ở trong nơi chí thánh, nhưng người làm lễ chuộc tội cho nơi thánh, vì tội lỗi của dân sự đã được đem vào đó suốt năm qua.

17. Số phận của con dê đực còn sống thế nào sau khi việc làm sạch đền thánh đã hoàn tất? (Lê-vi Ký 16:20, 21).

a. Được thả về rừng
b. Gánh hết mọi tội lỗi
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Xin ghi nhận rằng con dê này chỉ xuất hiện khi công việc làm sạch đền thánh được hoàn tất. Điều này chứng tỏ Sa-tan là kẻ gây ra tội lỗi và cuối cùng phải chịu trách nhiệm về mọi sự gian ác. Sự làm sạch đền thánh là công việc cuối cùng trong chương trình cứu chuộc. Xin chú ý là con dê về phần Sa-tan không bao giờ bị giết. Chỉ có Đấng Christ phải chết vì Ngài gánh chịu hình phạt cho tội lỗi chúng ta. Để làm sạch tội lỗi trong đền thánh, cần phải có sự phán xét. Đó là lý do tại sao trong thời Cựu Ước, ngày Đại Lễ Chuộc Tội cũng là ngày phán xét.

TÓM LƯỢC

1) Đền thánh dưới đất là hình bóng của đền thánh trên trời, vì vậy Chúa truyền Môi-se phải cất y như kiểu Ngài đã chỉ. Đền thánh tiêu biểu cho chương trình cứu chuộc; đó là nơi tội nhân nhận được sự tha thứ. Ngày Đại lễ Chuộc tội là ngày vui mừng cho những người thật lòng ăn năn vì tội họ được tha thứ, nhưng là ngày phán xét cho những kẻ không hối cải.

2) Đền thánh dạy về ba thời kỳ của chức vụ Đấng Christ: sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá, sự cầu thay cho dân sự khi Ngài thăng thiên, và sự làm sạch đền thánh trên trời, tức là sự điều tra phán xét trước ngày Chúa tái lâm.

QUYẾT ĐỊNH

  • Tôi chấp nhận Đấng Christ là Cứu Chúa và Đấng cầu thay cho tôi trong thời kỳ điều tra phán xét trước ngày Chúa phục lâm.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên

Kiểm Tra 16

1) Kinh Thánh đề cập đến mấy đền thánh?

________________________________________________

2) Đền thánh gồm có mấy phần?

________________________________________________

3) Ba phần này tiêu biểu cho gì?

________________________________________________

4) Đức Chúa Giê-su đang làm gì ở đền thánh trên trời?

________________________________________________

5) Nhờ gì ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời và được cứu?

________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 16 – Den Thanh La Gi

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 16 – Danien

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *