Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Món Qùa Bị Lãng Quên (Bài 17 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Món Qùa Bị Lãng Quên (Bài 17 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Cách đây nhiều năm một thanh niên từ biệt gia đình để lên tàu ra khơi. Trong lúc chàng sửa soạn hành lý, bà mẹ với đôi mắt đẫm lệ đặt quyển Kinh Thánh vào rương của con và dặn dò, “Con ơi! Đây là cuốn sách quý giá nhất thế giới. Ai đọc và làm theo sẽ được phước rất nhiều. Khi nào con gặp gian truân, hãy đọc Thi thiên 34, con sẽ được an ủi. Mẹ cũng dành cho con nhiều ơn phước trong quyển sách này.”

Cuộc sống của người thủy thủ thật trụy lạc, chàng chơi bời trác táng. Năm tháng qua, chàng bị khánh tận, cả tinh thần, đạo đức, lẫn vật chất.

Chàng trai hoang đàng sống bệnh hoạn, đói rét trong một túp lều xiêu vẹo. Trong lúc tuyệt vọng, anh tìm tòi những vật có thể cầm bán. Tận đáy rương còn lại quyển Kinh Thánh bị lãng quên đã lâu. Nhìn quyển sách anh nhớ đến mẹ, lòng thật bồi hồi. Cẩn thận lật từng trang sách cũ kỹ, đến Thi thiên 34, anh thấy những lời mẹ viết lúc vĩnh biệt. Ngạc nhiên hơn nữa là nơi đây có tờ giấy 100 Mỹ kim mà mẹ đã tặng anh với lời chúc phước. Tờ giấy bạc đã nằm đây bao năm tháng mà anh không hay biết gì cả.

Từ thuở tạo thiên lập địa, Đức Chúa Trời đã để dành cho nhân loại một ơn phước quý báu. Tuy nhiên, đa số nhân loại đã quên lửng kho báu ấy nên họ mất biết bao ơn phước. Của báu Chúa cho mà con người quên lãng ấy là gì? Chính là ngày Sabát.

1. NGÀY SA-BÁT ĐƯỢC THIẾT LẬP KHI NÀO?

Trong tuần lễ tạo thế, Đức Chúa Trời đã thiết lập ngày nghỉ để kỷ niệm công trình sáng tạo của Ngài. Mỗi quốc gia cũng có ngày nghỉ để nhớ ngày lập quốc của mình.

“Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ Bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ Bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ Bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi” (Sáng thế Ký 2:1-3).

Thật là rõ ràng! Chiều thứ Sáu, sau khi đã làm xong công việc sáng tạo, Đức Chúa Trời nghỉ. Ngài lập ngày thứ Bảy làm ngày kỷ niệm sinh nhật hằng tuần của thế giới. Chữ “Sa-bát” theo tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “nghỉ”. Ngài nghỉ không phải vì mệt, song để làm gương cho chúng ta. Ba điều Chúa dành riêng cho ngày Sa-bát: Ngài nghỉ, 3 ban phước, và đặt là ngày thánh. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm nên ngày thánh được.

2. SỢI DÂY LIÊN KẾT VỚI ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

Đức Chúa Giê-su là Đấng Tạo Hóa (Giăng 1:3, 10). Trong tuần lễ tạo thế, Ngài thiết lập lễ hôn nhân vào ngày thứ Sáu và Ngài thiết lập lễ Sa-bát vào ngày thứ Bảy. Đó là cơ hội hằng tuần để chúng ta kết chặt tình thân với Ngài. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Giê-su “nghỉ” trong ngày Sa-bát đầu tiên với A-đam và Ê-va. Ngài thiết lập chu kỳ tuần lễ bảy ngày vì sự lợi ích cho loài người. Tuy chúng ta nhớ đến Chúa mỗi ngày, nhưng Ngài muốn chúng ta đặc biệt dành riêng ngày thứ Bảy trong tuần cho Ngài. Trong ngày đó, chúng ta được bổ sức lại cả về phương diện thể chất và tinh thần. Sự xâm nhập của tội lỗi càng khiến ngày Sa-bát cần thiết hơn.

Khi ban luật pháp cho con người trên núi Si-nai, Chúa đặt điều răn về ngày Sa-bát ngay giữa Mười Điều răn. Đó là cái ấn đóng trên luật pháp Ngài. Chúa viết trong điều răn thứ tư, “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ Bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật. . . qua ngày thứ Bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê- hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).

Ngài viết Mười Điều răn bằng chính ngón tay Ngài trên hai bảng đá (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18). Ngài muốn chúng ta giữ ngày thứ Bảy để kỷ niệm công trình sáng tạo của Ngài. Nếu mọi người đều giữ ngày Sa-bát, thì họ chẳng bao giờ quên Đấng Tạo 4 Hóa của mình.

Có người nói rằng ngày Sa-bát là của dân Do Thái. Nếu vậy thì chỉ có dân này giết người, trộm cướp, nói dối mới là phạm pháp sao? Còn chúng ta được tự do phạm các điều răn này sao? Có đúng vậy không? Thưa không. Sứ đồ Gia-cơ dạy rằng nếu chúng ta phạm một điều răn tức là phạm hết thảy (Giacơ 2:10). Như thế, nếu phạm điều răn thứ tư, thì chúng ta cũng phạm chín điều răn khác. Trước khi dân Do Thái lập quốc, đã có 135.000 ngày Sa-bát được người ta vâng giữ rồi. Như vậy thì ngày Sa-bát không phải của người Do Thái. Chúa phán, “ngày Sa-bát của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.”

3. ĐỨC CHÚA GIÊ-SU GIỮ NGÀY NÀO?

Khi sống ở thế gian, Đức Chúa Giê-su luôn luôn giữ sự liên kết với Đức Chúa Cha. Ngài nghỉ và thờ phượng vào ngày Sabát. “Đức Chúa Giê-su đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc” (Lu-ca 4:16).

Nếu Chúa cần nghỉ ngơi để tương giao với Đức Chúa Cha trong ngày Sa-bát, thì chúng ta còn cần giữ ngày đó hơn nữa. Chính Ngài phán, “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người. Vậy thì Con người cũng làm Chủ ngày Sa-bát” (Mác 2:27, 28).

Khi Đức Chúa Giê-su chết, Ngài cũng giữ ngày Sa-bát. Ngài bị đóng đinh trong ngày thứ Sáu là “ngày sắm sửa” (Luca 23:54). Trước khi chết, Ngài tuyên bố “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30).

Đó là việc chết để cứu nhân loại đã hoàn tất. Ngài cũng nghỉ trong mồ mả ngày thứ Bảy và phục sinh vào ngày thứ Nhất.

4. CHÚA DẠY CHÚNG TA PHẢI GIỮ NGÀY NÀO?

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 16, Chúa làm phép lạ về bánh ma-na. Câu 26 dạy rõ ràng ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát. Chúa truyền chúng ta làm việc trong sáu ngày và nghỉ ngày thứ Bảy. Điều này thật hợp lý: làm trước nghỉ sau. Một số người nói rằng nghỉ ngày nào cũng được. Một số khác nói họ giữ ngày thứ Nhất để kỷ niệm sự Chúa sống lại. Nhưng Kinh Thánh không bao giờ dạy chúng ta giữ ngày thứ Nhất.

Đức Chúa Giê-su truyền các môn đồ giữ ngày Sa-bát. Nói về sự tàn phá thành Giê-ru-sa-lem sẽ xảy ra 40 năm sau sự chết của Ngài, Chúa phán, “Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh trong mùa đông hay là ngày Sa-bát” (Ma-thi-ơ 24:20).

Ngài muốn họ tiếp tục thực hành những điều Ngài dạy. Các môn đồ vẫn giữ ngày Sa-bát sau khi Chúa chết. (Xin đọc Lu-ca 23:54-56; Công vụ các Sứ đồ 13:14; 16:13; 17:2; 18:1-4).

Sứ đồ Giăng giữ ngày thứ Bảy hằng tuần. Ông viết “Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa” (Khải huyền 1:10).

Theo Giăng, “ngày của Chúa” tức là ngày thứ Bảy, vì chính Chúa phán “Con người là Chúa ngày Sa-bát” (Ma-thi-ơ 12:8).

5. NGÀY SA-BÁT LÀ MỘT DẤU HAY MỘT ẤN TÍN

Chúa phán, “Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát ta làm một dấu giữa ta và chúng nó, đặng chúng nó biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va biệt chúng nó ra thánh” (Ê-xê-chi-ên 20:12).

Đức Chúa Trời gọi ngày Sa-bát là một dấu, dấu giữa Ngài và dân sự Ngài. Binh sĩ thường có mật hiệu mà riêng họ với lính canh biết. Hô trúng những mật hiệu ấy thì họ mới được vào trại. Ngày Sa-bát là một mật hiệu, một dấu, một ấn tín. Chúng ta 6 giữ ngày Sa-bát để bày tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời và chấp nhận Ngài là Đấng Tạo Hóa. Nếu không giữ ngày Sa-bát thì chúng ta tỏ lòng bất trung với Chúa của mình.

Khi giữ ngày Sa-bát, chúng ta tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời về hai công việc lớn nhất mà Ngài đã làm: Ngài dựng nên ta và cứu chuộc ta. Ngày Sa-bát sẽ được tiếp tục giữ trong cõi đời đời. “Đức Giê-hô-va phán: Vì như trời mới đất mới mà ta hầu dựng sẽ cứ còn trước mặt ta. . . Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt ta” (Ê-sai 66:22, 23).

Ngày thứ Bảy Sa-bát được thiết lập trước khi tội lỗi xâm nhập thế gian, và không hề bị hủy bỏ khi Đức Chúa Giê-su chết trên thập tự giá. Trong trời mới đất mới, mọi người được cứu sẽ tiếp tục giữ ngày Sa-bát. Nếu muốn được vào thiên đàng, thì chúng ta hãy vâng giữ luật thiên đàng ngay từ bây giờ.

6. GIỮ NGÀY SA-BÁT SẼ ĐƯỢC NHIỀU ƠN PHƯỚC

Những người vâng giữ ngày Sa-bát sẽ nhận được nhiều ơn phước. Chúa hứa, “Nếu ngươi ngừa giữ chơn mình trong ngày Sa-bát, không làm vừa ý mình trong ngày thánh của ta, nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đức Giê-hô-va là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình, bấy giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê-hô-va làm vui thích, Ta sẽ làm cho ngươi cỡi lên các nơi cao trên đất” (Ê-sai 58:13, 14).

Chúa hứa là họ “sẽ được cỡi lên các nơi cao trên đất.” Thật phước lớn chừng nào! Sau đây là một số ơn phước khác:

(1) Ngày Sa-bát là ngày kỷ niệm sự tạo thế.

Khi giữ ngày Sa-bát, ta xây đài kỷ niệm cho Đấng Tạo Hóa và ghi nhớ quyền năng sáng tạo của Ngài.

(2) Ngày Sa-bát là ngày để sống gần với Chúa.

Mỗi tuần khi dâng hiến trọn một ngày thứ Bảy cho Chúa là cách hay nhất để giữ mối tương giao giữa Ngài với ta. Trong sự thiêng liêng của ngày Sa-bát, ta sống thông công mật thiết với Chúa, dành thì giờ học Kinh Thánh, cầu nguyện, và lắng nghe Ngài. Ngài không muốn ta bận tâm với những sinh hoạt hằng ngày như đi làm việc, mua bán, học hành, du lịch, v.v… trong ngày thánh của Ngài. (Xin đọc Nê-hê-mi 13:15-22).

(3) Ngày Sa-bát cho ta niềm vui được thông công với các Cơ Đốc nhân khác.

Khi sum họp trong đại gia đình của Chúa tại thánh đường, đức tin của ta được vững mạnh hơn. Một cây củi trong lò sưởi không thể đem lại nhiều hơi ấm, nhưng nếu có nhiều cây củi chụm lại, ngọn lửa sẽ lớn mạnh, đem lại sự ấm áp hơn. Trước khi từ giã các môn đồ để đi chịu chết, Đức Chúa Giê-su đã cầu nguyện để họ “yêu nhau” và “toàn vẹn hiệp làm một” (Giăng 13:34; 17:23).

(4) Ngày Sa-bát là ngày kết chặt tình thân trong gia đình.

Chúa truyền rằng trong ngày Sa-bát “ngươi chớ làm công việc chi hết.” Trong ngày đó, người cha không phải đi làm, bà mẹ được rảnh rang việc nội trợ, con cái được nghỉ học. Cả gia đình được hưởng sự hiện diện quý báu của Chúa. Mọi người dành thì giờ cho nhau, sum họp vui vẻ để học Kinh Thánh, hát ngợi khen Chúa, cầu nguyện, lễ bái, và đi dạo giữa cảnh thiên nhiên với nhau.

(5) Ngày Sa-bát cho ta cơ hội làm việc thiện.

Người láng giềng bị bệnh, nhưng trong tuần ta quá bận rộn không đi thăm được? Một người bạn có chuyện buồn cần những lời an ủi? Ngày Sa-bát cho ta cơ hội thi hành những việc làm yêu thương đối với người khác. Đức Chúa Giê-su phán, “Trong ngày 8 Sa-bát có phép làm việc lành” (Ma-thi-ơ 12:12).

(6) Ngày Sa-bát là ngày bồi dưỡng đời sống thuộc linh.

Chúa biệt riêng ngày Sa-bát ra thánh bằng sự hiện diện của Ngài trong ngày đó. Ngài ban phước cho ngày Sa-bát. Giữ ngày Sa-bát, ta sẽ được nhiều ơn phước. Nhờ thông công với Chúa, đời sống thuộc linh và đức tin của ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

(7) Ngày Sa-bát cho ta nếm trước sự sống gần gũi với Chúa trên thiên đàng.

Ta có thể tóm tắt những lợi ích khi kết chặt tình thân với Đức Chúa Giê-su qua sự tương giao mỗi ngày và mỗi tuần trong một chữ – nghỉ. Kinh Thánh gọi “ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ” (Lê-vi Ký 23:3). Xin đọc thêm Hê-bơ-rơ 4:4-11.

Có kinh nghiệm được nghỉ ngơi, gần gũi với Chúa trong ngày Sa-bát hằng tuần dưới thế gian, ta được diễm phúc nếm trước niềm vui nghỉ ngơi trọn vẹn với Ngài trên thiên đàng. Chúng ta sẽ nếm sự bình an, hạnh phúc không gì so sánh được, và chỉ người nào có kinh nghiệm mới hiểu mà thôi. Bạn có muốn giữ ngày Sa-bát để được những ơn phước này chăng?

Bài học 18 sẽ giải đáp câu hỏi:

ĐA SỐ CÓ SAI LẦM CHĂNG?

Trắc Nghiệm 17

1. Xin trả lời các câu hỏi sau đây.

Chúa thiết lập ngày Sa-bát khi nào? _________________

Ba điều nào Chúa dành riêng cho ngày Sa-bát?

______________ ________________ _________________

2. Ngày Sa-bát là ngày thứ mấy trong tuần? _______________________

3. Khi ở thế gian, Đức Chúa Giê-su giữ ngày nào? ____________________________

4. Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta giữ ngày nào? ________________________________

5. Ê-sai 66:23 dạy chúng ta làm gì trong ngày Sa-bát? _____________________________________________

6. Xin kể ba ơn phước bạn nhận được khi giữ ngày Sa-bát. ________________________________________________ ________________________________________________ ________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Món Qùa Bị Lãng Quên (Bài 17 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Món Qùa Bị Lãng Quên (Bài 17 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *