Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Định Ý Thay Đổi Thời Kỳ (Bài 11 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Định Ý Thay Đổi Thời Kỳ (Bài 11 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Bài 11: ĐỊNH Ý THAY ĐỔI THỜI KỲ

Trong bài học vừa qua, chúng ta thấy rằng luật pháp Đức Chúa Trời đã được thiết lập từ thuở đời đời và phản ảnh bản tính Ngài. Những mạng lệnh răn này là bất di bất dịch, là thánh, công bình và tốt lành, cũng như bản tính của Ngài. Đức Chúa Trời không hề thay đổi, vì thế luật pháp Ngài cũng không hề thay đổi. Định ý thay đổi luật pháp của Đức Chúa Trời chính là định ý thay đổi Đức Chúa Trời! Điều này không bao giờ có thể xảy ra! Vậy mà cái sừng nhỏ đã có ý định ấy. Trong bài học kỳ trước, chúng ta đã khám phá rằng cái sừng nhỏ hay quyền thế giáo hoàng đã định ý thay đổi luật pháp Đức Chúa Trời. Trong bài này, chúng ta sẽ nghiên cứu một việc táo bạo khác của cái sừng nhỏ là định ý đổi thời kỳ.

Ý ĐỊNH CỦA CÁI SỪNG NHỎ

1. Cái sừng nhỏ định ý thay đổi gì? (Đa-ni-ên 7:25).

a. Thay đổi Kinh Thánh
b. Thay đổi địa phận của mình trên bản đồ
c. Đổi những thời kỳ

Ghi nhận rằng cái sừng nhỏ không phải chỉ định ý thay đổi luật pháp thôi, mà thay đổi cả những thời kỳ.

2. Điều răn nào trong Mười Điều răn liên quan đến thời gian? (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).

a. Điều răn thứ ba
b. Điều răn thứ tư
c. Điều răn thứ bảy

Chỉ có điều răn thứ tư liên quan đến thời gian, và trong đó Đức Chúa Trời truyền loài người giữ ngày Sa-bát thánh. Trong bài 10, chúng ta học biết Chúa thiết lập ngày Sa-bát để loài người nghỉ ngơi như Chúa đã nghỉ sau sáu ngày làm việc. Nếu muốn có một mối tương giao mật thiết với Chúa, chúng ta cần dành thì giờ để thông công với Ngài. Ngày Sa-bát là ngày Chúa hẹn hò với con dân Ngài, ngày xum họp gia đình của Chúa để họ cùng nhau thờ phượng, tôn vinh Ngài và thông công với nhau. Nếu chúng ta hết lòng giữ ngày Sa-bát thánh như Chúa truyền dạy thì chúng ta sẽ giữ trọn cả luật pháp Ngài.

Sa-tan đã cố gắng tấn công ngày mà Chúa biệt riêng ra thánh vì nó biết nếu nó phá hủy mối tương giao giữa loài người với Chúa, thì cuối cùng họ sẽ phục vụ nó. Vì thế, Chúa đã cảnh cáo chúng ta về quyền lực định ý thay đổi thời kỳ của điều răn mà Ngài đã dành cho sự tương giao giữa chúng ta với Ngài. Quyền thế giáo hoàng định ý thay đổi thời kỳ, tức là thời gian mà Đức Chúa Trời đã thiết lập trong luật pháp Ngài, là ngày Sa-bát. Quyền thế này muốn đổi sự thánh khiết từ thứ Bảy qua Chủ Nhật để diệt mối tương quan giữa Chúa và con dân Ngài.

NGÀY THỨ BẢY SA-BÁT

3. Chúa đã thiết lập ngày nào để xây dựng mối tương quan mật thiết với con dân Ngài? (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10).

a. Ngày thứ Nhất
b. Ngày thứ Bảy
c. Bất kỳ ngày nào trong tuần

Xin ghi nhận rằng Đức Chúa Trời đã dành riêng một ngày đặc biệt, ngày thứ Bảy, là thời gian thánh để loài người nghỉ ngơi và dành thì giờ thông công với Ngài cách mật thiết hơn.

4. Ngày thứ Bảy là ngày gì? (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23-26).

a. Ngày Sa-bát thánh
b. Ngày cuối tuần
c. Ngày sắm sửa

Thật rõ ràng! Ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát thánh của Đức Giê- hô-va (c. 23), không phải ngày Sa-bát của dân Do Thái. Ngày Sa-bát được giữ “từ chiều nay đến chiều mai” (Lê-vi Ký 23:32). Để biết ngày nào là ngày thứ Bảy, chúng ta chỉ cần nhìn trên lịch để thấy rằng ngày thứ Bảy là ngày cuối của tuần lễ.

5. Ai đã từng thay đổi thứ tự của lịch?

a. Hoàng đế Constantine
b. Vua Nê-bu-cát-nết-sa
c. Giáo hoàng Gregory XIII

Từ thời Đấng Christ cho đến ngày nay chỉ có một thay đổi lớn trong lịch, đó là sự thay đổi từ lịch Julian sang lịch Gregorian vào năm 1582. Lịch Julian có quá nhiều năm nhuần nên không theo đúng chu kỳ của thái dương hệ. Để sửa lại, mười ngày trong lịch bị bỏ ra vào tháng 10 năm 1582. Dù mười ngày bị xóa khỏi lịch, chu kỳ tuần lễ không bị thay đổi gì cả. Thứ tự của những ngày trong tuần vẫn được giữ nguyên vẹn.

Trong 105 ngôn ngữ thông dụng ngày nay, chữ “Saturday” (thứ Bảy) có nguồn gốc từ chữ “Sa-bát.” Thí dụ, tiếng La-tinh: Sabbatum, tiếng Hy Lạp: Sabbaton, tiếng Nga: Subbota, tiếng Ý: Sabbato, tiếng Tây Ban Nha: Sabado, v. v. Nói một cách khác, trong hơn 105 ngôn ngữ ngày nay, chữ được dùng để chỉ ngày thứ Bảy có căn ngữ từ chữ “Sa-bát.”

Dân Do Thái vẫn giữ ngày thứ Bảy Sa-bát từ khi họ rời xứ Ai Cập cho đến bây giờ. Trong suốt thời gian bốn mươi năm đi 4 trong đồng vắng, Đức Chúa Trời đã làm ba phép lạ về bánh Ma-na, để dạy họ rõ ràng ngày nào là ngày thứ Bảy Sa-bát. (Xem Xuất Ê-díp-tô Ký 16:14-31).

(1) Mỗi buổi sáng sớm, Chúa ban bánh Ma-na từ trời rơi xuống, và dân sự góp lại tùy sức ăn của mỗi người trong ngày. Môi-se truyền dân sự, “Đừng để dư lại cho đến sáng mai. Nhưng dân sự chẳng nghe . . . để dư lại đến sáng mai; thì sâu hóa ở trong, vật sinh mùi hôi hám” (câu 19, 20).

(2) Đến ngày thứ Sáu, dân sự lượm Ma-na gấp hai. “Mai là ngày nghỉ, tức là ngày Sa-bát thánh cho Đức Giê-hô-va; hãy nướng món chi các ngươi muốn nướng, hãy nấu món chi các ngươi muốn nấu; hễ còn dư, hãy để dành đến sáng mai. Dân sự bèn để dành cho đến sáng mai . . . vật đó chẳng sinh mùi hôi hám và cũng chẳng hóa sâu chút nào” (câu 22-24).

(3) Môi-se truyền, “Bữa nay hãy ăn đồ đó đi, vì là ngày Sa-bát của Đức Giê-hô-va . . . . Các ngươi lượm [Ma-na] trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát, sẽ chẳng có đâu” (câu 25, 26). Trong suốt 40 năm, Chúa làm phép lạ này hằng tuần để nhấn mạnh ngày nào là ngày Chúa biệt riêng ra thánh. Dân Do Thái vẫn giữ ngày thứ Bảy Sa-bát cho đến ngày nay.

6. Chúa Giê-su đi nhà thờ ngày nào khi ở thế gian? (Lu-ca 4:16).

a. Bất kỳ ngày nào trong tuần
b. Ngày thứ Nhất
c. Ngày thứ Bảy

Chúa là gương mẫu của chúng ta. “Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc” (Lu-ca 4:16). Trong 33 năm ở thế gian, Ngài đã giữ l,700 ngày thứ Bảy Sa-bát.

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã thiết lập ngày Sa-bát trong tuần lễ tạo thế (Sáng thế Ký 2:1-3), và Xuất Ê-díp-tô Ký 16:26 cũng dạy rõ ràng, “Ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát.” Trong Tân Ước, Chúa Giê-su cũng nghỉ trong ngày Sa-bát:

  1. Chúa chết trong ngày thứ Sáu, Kinh Thánh gọi là “ngày sắm sửa, nghĩa là hôm trước ngày Sa-bát” (Mác 15:42).
  2. Sau ngày sắm sửa [thứ Sáu] là ngày Sa-bát [thứ Bảy] (Luca 23:54). Chúa nghỉ trong mồ mả khi Ngài làm xong công việc cứu chuộc. Các người đàn bà đi theo Ngài cũng “nghỉ ngơi theo luật lệ” (Lu-ca 23:56) trong ngày Sa-bát.
  3. “Chúa Giê-su sống lại buổi sớm mai ngày thứ Nhất trong tuần lễ” (Mác 16:9). Ngày thứ Nhất là ngày sau ngày thứ Bảy trong tuần, bây giờ gọi là ngày Chủ nhật (Sunday).

Kinh Thánh nói rõ rằng ngày Sa-bát là ngày ở giữa ngày thứ Sáu và ngày thứ Nhất (Phục Sinh). Vì thế chúng ta kết luận cách chắc chắn ngày Sa-bát của Kinh Thánh là ngày thứ Bảy

7. Ngày nào là ngày của Chúa? (Ma-thi-ơ 12:8; Mác 2:28).

a. Mọi ngày
b. Ngày Sa-bát
c. Ngày Chủ Nhật

Thật rõ ràng! Chúa Giê-su phán Ngài là Chúa ngày Sa-bát, như vậy thì ngày Sa-bát là ngày của Chúa. Nhưng tại sao phần đông Cơ Đốc nhân ngày nay giữ ngày Chủ nhật, tức là ngày thứ Nhất trong tuần? Kỳ tới, chúng ta sẽ nghiên cứu về ngày thứ Nhất.

NGUỒN GỐC NGÀY THỨ BẢY SA-BÁT

8. Ngày Sa-bát khởi thủy khi nào? (Sáng thế Ký 2:1-3).

a. Từ buổi Sáng thế
b. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội
c. Sau khi xuất hiện dân Do Thái

9. Ngày Sa-bát được thiết lập trước hay sau khi có tội lỗi?

a. Trước khi có tội lỗi
b. Sau khi có tội lỗi
c. Ngay khi A-đam và Ê-va phạm tội

Ngày Sa-bát được thiết lập trong tuần lễ tạo thế. Ngày Sa-bát là kỷ niệm sự tạo thế, được thiết lập trước khi A-đam và Ê-va phạm tội. Mọi người đều bị thử thách như A-đam và Ê-va. Như cây biết điều thiện điều ác được đặt ở giữa vườn Ê-đen, thì Điều răn thứ tư về ngày Sa-bát cũng được đặt tại trung tâm của Mười Điều răn. Giống như cây biết điều thiện điều ác để thử thách A-đam và Ê-va về sự vâng lời, thì Điều răn thứ tư cũng là một thử thách Chúa dùng để thử lòng trung thành của dân sự Ngài. Trên thập tự giá, Đấng Christ đã chết vì tội lỗi chúng ta. Vì ngày Sa-bát được thiết lập trước khi có tội lỗi, nên tuyệt đối ngày Sa-bát không bị thay đổi vì thập tự giá.

10. Chúa đã làm gì khi Ngài lập ra ngày Sa-bát? (Sáng thế Ký 2:2, 3).

a. Ngày thứ Bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm.
b. Ngài ban phước cho ngày thứ Bảy và đặt là ngày Thánh
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng

Đức Chúa Trời làm gương cho chúng ta bằng cách nghỉ các công việc Ngài đã làm. Ngài ban phước cho ngày thứ Bảy mà không ban phước cho ngày khác. Ngài đặt ngày thứ Bảy là ngày thánh. Chữ “đặt làm ngày thánh” có nghĩa là “biệt riêng ra thánh.” Ghi nhận rằng Đức Chúa Trời đã không ban phước cho hành động nghỉ ngơi, mà Ngài ban phước cho một ngày đặc biệt. Nếu cả thế giới nghỉ ngơi vào một ngày nào đó thì cũng không khiến cho ngày đó trở nên ngày thánh. Điều khiến cho một ngày thành ngày thánh là Đức Chúa Trời đã thánh hóa ngày đó. Loài người không có quyền thay đổi những gì Đức Chúa Trời đã làm nên thánh. Một số người cảm thấy rằng giữ ngày nào cũng được, không có gì khác, miễn là họ giữ một trong bảy ngày. Nhưng xin nhớ rằng Đức Chúa Trời ban phước và làm nên thánh chỉ một ngày đặc biệt mà thôi, đó là ngày thứ Bảy.

11. Đức Chúa Trời bắt đầu điều răn về ngày Sa-bát bằng chữ gì? (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8).

a. Hãy nhớ
b. Ngươi chớ
c. Hãy tin

Chúa dùng chữ “Hãy nhớ” để khởi đầu điều răn về ngày Sabát. Chữ “Hãy nhớ” bày tỏ ba trường hợp có thể xảy ra:

a. Bạn không thể nhớ điều mà bạn chưa từng nghe trước đó. Vì vậy, ngày Sa-bát phải được thiết lập trước khi Chúa ban Mười Điều răn ở núi Si-na-i (Sáng thế Ký 2:2, 3).

b. Chữ “Hãy nhớ” được dùng chỉ một điều quan trọng mà ta không nên quên. Chúa đã chọn chữ này để truyền dạy điều răn về ngày Sa-bát tại núi Si-nai. Sau hơn 400 năm làm nô lệ ở Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên đã quên ngày Sa-bát.

c. Chữ “Hãy nhớ” cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã nhìn suốt dòng lịch sử và thấy trước loài người sẽ quên điều răn này. Vì thế, Ngài nhắc chúng ta “hãy nhớ” ngày Sa-bát thánh của Ngài. Lạ lùng thay, điều răn mà Chúa truyền “Hãy nhớ” lại là điều răn nhiều người không nhớ.

12. Vì ai mà Chúa dựng nên ngày Sa-bát? (Mác 2:27).

a. Vì dân Do Thái
b. Vì mọi người.
c. Vì Cơ Đốc nhân

Đức Chúa Giê-su phán “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát” nghĩa là ngày Sa-bát được ban cho toàn thể nhân loại. Ngày Sa-bát cũng như hôn nhân được ban cho loài người khi họ còn trong tình trạng vô tội ở vườn Ê-đen. Ngày Sa-bát đã hiện hữu hàng ngàn năm trước khi có người Do Thái. Thật sự là người Do Thái giữ ngày Sa-bát, vì họ là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Ngài không có ý định chỉ thiết lập sự tương giao với dân Do Thái mà thôi, nhưng với tất cả mọi người. Mỗi người được tái sanh bởi Đức Thánh Linh đều cần có mối tương giao với Đức Chúa Trời.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀY SA-BÁT

13. Ngày Sa-bát là một dấu gì? (Ê-xê-chi-ên 20:12).

a. Dấu giữa Chúa và Sa-tan
b. Dấu phân biệt giữa các giáo phái
c. Dấu của sự nên thánh

Ngày Sa-bát là dấu của sự nên thánh. Sự nên thánh chân thật hòa hợp với bản tính Chúa. Sự nên thánh là sự vâng lời trọn đời. Người nào hết lòng giữ Điều răn thứ tư sẽ giữ trọn cả luật pháp. Người đó được nên thánh bởi sự vâng lời. Sự vâng giữ ngày Sa-bát cho thấy rằng ta đang dành thì giờ để xây dựng mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời, đó chính là căn bản của sự nên thánh.

14. Ngày Sa-bát còn là dấu của điều gì khác nữa? (Ê-xê-chi-ên 20:20).

a. Để loài người nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa
b. Chấm dứt một tuần lễ
c. Để nhận biết ngày tiếp theo là Chủ Nhật

Ngày Sa-bát là dấu phân biệt dân sự Chúa khỏi thế gian, phân biệt dân trung tín vâng giữ luật pháp Ngài với những người không vâng giữ luật pháp Ngài. Ngày Sa-bát là con dấu hay cái ấn Chúa đóng lên trán họ để chứng tỏ họ thuộc về Ngài (Khải huyền 7:3). Đối với Chúa ngày Sa-bát rất quan trọng và Chúa muốn chúng ta tôn trọng ngày đó thì Ngài sẽ ban nhiều ơn phước như trong Ê-sai 58:13, 14 đã dạy. Như vậy ngày Sabát cũng quan trọng đối với chúng ta.

15. Chúng ta thờ phượng Chúa vào ngày nào trong trời mới đất mới? (Ê-sai 66:22, 23).

a. Mọi ngày
b. Ngày Sa-bát
c. Ngày thứ Nhất

Chúa sẽ tái tạo trời mới đất mới sau khi tội lỗi bị hủy diệt; dân sự sẽ đến thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát. “Từ ngày Sabát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt ta.” Như vậy ngày Sa-bát còn đến đời đời vô cùng!

TÓM LƯỢC

  1. Sau khi nghiên cứu Kinh Thánh về ngày thứ Bảy Sa-bát, chúng ta thấy Đức Chúa Trời truyền chúng ta tôn trọng ngày thánh của Ngài. Nhưng Sa-tan qua cái sừng nhỏ đã định ý thay đổi ngày đó và đặt ngày thứ Nhất làm ngày thờ phượng.
  2. Đức Chúa Trời thiết lập ngày thứ Bảy Sa-bát để kỷ niệm sự tạo thế và nhắc ta nhớ Ngài là Đấng Tạo Hóa. Ngày Sa-bát là một dấu giữa Chúa và dân sự Ngài. Ngài gọi ngày Sa-bát là ngày thánh, ngày vui thích và đáng kính. Ngài muốn ta tôn trọng ngày đó và ban ơn phước dồi dào cho người vâng giữ ngày ấy.
  3. Theo Kinh Thánh, ngày thứ Bảy Sa-bát không hề bị thay đổi từ khi được thiết lập tại vườn Ê-đen và được vâng giữ trải qua các thời đại. Đức Chúa Giê-su và các sứ đồ cũng giữ ngày đó, và ngày thánh này sẽ được giữ mãi mãi trong cõi đời đời.

QUYẾT ĐỊNH

o Tôi muốn có tương giao mật thiết với Chúa bằng cách vâng giữ ngày Sa-bát thánh của Ngài.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên
Kiểm Tra 11

1) Chúa đã thiết lập ngày nào để kỷ niệm sự tạo thế?

________________________________________________

2) Ngài đã làm ba điều gì cho ngày Sa-bát?

________________________________________________

3) Điều răn nào trong 10 điều răn nói về ngày Sa-bát?

________________________________________________

4) Ngày Sa-bát là ngày thứ mấy trong tuần?

________________________________________________

5) Chúa nói ba điều gì về ngày Sa-bát trong Ê-sai 58:13, 14 ?

________________________________________________

6) Ê-sai 66:22, 23 nói ngày nào được giữ nơi trời mới đất mới?

________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 11 – Dinh Y Thay Doi Thoi Ky 

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 11 – Danien

 

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *