Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Lời Tiên Tri Về Thời Kỳ Cuối Cùng (Chương 9 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Lời Tiên Tri Về Thời Kỳ Cuối Cùng (Chương 9 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Chương 9: Lời Tiên Tri Về Thời Kỳ Cuối Cùng

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là tiêu biểu cho luật pháp và công lý trong một thế giới đầy bất công. Nhưng mỗi chúng ta đều đang chờ đợi để ứng-hầu trong một phiên tòa lớn hơn hết thảy mọi tòa án—Tối cao Pháp viện của Vũ trụ! Cuộc phán xét cuối cùng là cuộc phán xét quan trọng nhất. Đối với nhiều người, đây là một cảnh thật hãi hùng. Vận mạng đời đời của chúng ta dường như được quyết định trong nháy mắt; chỉ trong giây phút, chúng ta sẽ được chỉ định đứng vào hàng của chiên hoặc dê. Có thật sự Đức Chúa Trời hành động một mình trong cuộc phán xét cuối cùng, và có những quyết định độc đoán, riêng tư chăng? Ngài điều khiển phiên tòa rất quan trọng này như thế nào?

Đa-ni-ên 7:9, 10 nói rằng, “Ta nhìn xem cho đến chừng các ngôi đã đặt, và có Đấng Thượng Cổ ngồi ở trên. . . ngàn ngàn hầu hạ Ngài và muôn muôn đứng trước mặt Ngài. Sự xét đoán đã sắm sẵn, và các sách mở ra.” Chúng ta hãy để ý “các ngôi đã đặt.” Các ngôi, chứ không phải chỉ một ngôi. Như vậy là Đấng Thượng Cổ đã cho phép các nhân vật khác của thiên đàng có mặt trong buổi phán xét cuối cùng của Tòa án.

Thật rõ ràng là những lời tuyên án của phiên tòa ấy không phải chỉ do một mình Đức Chúa Trời mà thôi, vì ta thấy có ngàn ngàn muôn muôn nhân chứng có mặt trong phiên tòa ấy. Khi cả tòa đã ngồi vào chỗ, Đa-ni-ên nói rằng, các sách đều mở ra. Đức Chúa Trời là Đấng biết tất cả mọi sự, Ngài không cần có những sự kiện, nhưng Ngài đã lựa chọn để làm cuộc phán xét cuối cùng có tính cách công khai; tất cả mọi bằng chứng đều được ghi chép tỏ tường trên giấy trắng mực đen.

Trong Khải huyền 20:12, Giăng cũng tả cùng một cảnh ấy, “Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy.” Trong cuộc phán xét, Đức Chúa Trời không muốn chỉ thỏa mãn một mình, Ngài cũng muốn làm thỏa mãn các nhân chứng trong phiên tòa ấy. Những bằng chứng được trình bày trước khi tuyên án.

Chín vị Chánh án của Tòa Tối cao Pháp viện có một số rất đông thư ký pháp lý nghiên cứu kỹ lưỡng mỗi trường hợp. Các chánh án muốn có nhiều bằng chứng trước khi quyết định. Đối với tòa án thiên quốc cũng vậy. Dường như đang có một cuộc điều tra rất cẩn thận. Phiên tòa đã sẵn sàng; các sách đều mở ra. Trước khi mỗi cá nhân được cứu hay bị mất, Đức Chúa Trời nhân từ xem xét mọi bằng chứng trong một cuộc điều tra công khai và kỹ lưỡng.

Sự phán xét xảy ra tại đâu? Trong Đa-ni-ên 7:9, 10, tiên tri đã được đưa về trời, đến ngôi của Đấng Chủ Tể vũ trụ. Nơi đó Đa-ni-ên thấy tòa án tối cao được đặt tại đền thánh của thiên đàng. Các sách được mở ra. Sự phán xét cuối cùng của Đức Chúa Trời diễn ra trên thiên đàng.

Những điều này xảy ra khi nào? Khởi sự lúc nào? Các lời tiên tri chung quanh câu Đa-ni-ên 7:8, 11 cho thấy cái sừng nhỏ có quyền nói những lời phạm thượng, mạnh bạo trên đất khi phiên tòa trên thiên đàng bắt đầu. Chúng ta còn nhớ Khải huyền 14:7 nói rằng, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến.” Kinh Thánh không nói “sẽ đến” nhưng “đã đến”. Các câu này nói rõ ràng trước khi Đấng Christ trở lại, một sứ điệp báo tin cho toàn thế giới biết rằng giờ phán xét đã đến. Vậy, chúng ta phải tìm hiểu sự phán xét nào sẽ xảy đến trước khi Đấng Christ tái lâm.

Đa-ni-ên 8:14 ghi thời kỳ tiên tri dài nhất trong Kinh Thánh, “Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai; sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Nơi thánh được thanh sạch có nghĩa gì? Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời truyền cho dân sự giết con sinh tế để làm của lễ chuộc tội cho mình. Huyết của con sinh tế sẽ được rảy trong đền thánh. Như vậy, tội đã phạm được chuyển từ tội nhân sang con sinh tế và từ con sinh tế qua đền thánh. Suốt trong năm, bao nhiêu tội lỗi chồng chất trong đền thờ, nên mỗi năm phải có một lễ tẩy sạch nơi thánh, gọi là Đại lễ Chuộc tội. Lê-vi Ký 16:29-30 dạy rằng, “Đến mồng mười tháng bảy, các ngươi phải ép linh hồn mình, không nên làm một việc nào. . . vì trong ngày đó người ta sẽ làm lễ chuộc tội cho các ngươi, để các ngươi được tinh sạch: chắc các ngươi sẽ được sạch những tội lỗi mình trước mặt Đức Giê-hô-va vậy.”

Đại lễ Chuộc tội là ngày phán xét dân sự Đức Chúa Trời. Họ phải dọn lòng, “ép linh hồn mình,” và giữ mình trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời. Sự dâng con sinh tế hằng ngày chỉ về sự chết của Đấng Christ, nhưng sự làm sạch đền thánh hằng năm được chỉ về một điều khác: đó là hình bóng sự phán xét sẽ xảy ra trước ngày cuối cùng của lịch sử nhân loại. Cuộc điều tra phán xét này bắt đầu khi nào? Đa-ni-ên 8:14 nói rằng sau 2300 ngày thì đền thánh sẽ được thanh sạch. Chính Đa-ni-ên cũng không hiểu điều này có nghĩa gì, nên ông bối rối. Vì thế Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến để giải thích cho ông. Trong Đa-ni-ên 8:16, 17, Chúa truyền rằng, “Gáp-ri-ên, hãy cho người này hiểu sự hiện thấy đó. Người bèn đến gần chỗ ta đứng. . . . Người bảo ta rằng: Hỡi con người, hãy hiểu biết; vì sự hiện thấy đó có quan hệ với kỳ sau rốt.”

Thật rõ ràng, nếu sự hiện thấy này nói về thời kỳ cuối cùng của nhân loại, thì 2300 ngày phải được áp dụng vào đền thánh trên trời, vì đền thánh dưới đất và hệ thống dâng con sinh tế đã được bãi bỏ khi Đấng Christ chết trên thập tự giá. Kinh Thánh cho biết rằng một ngày là một năm trong lời tiên tri. Ê-xê-chi-ên 4:6 nói, “Ta định cho ngươi mỗi một ngày thay vì một năm.” Như vậy, 2300 ngày tiên tri có nghĩa là 2300 năm.

Thiên sứ Gáp-ri-ên còn giải thích thêm nữa về 2300 ngày này—rằng khoảng thời gian này được chia làm hai phần. Trước hết, thiên sứ nói trong Đa-ni-ên 9:24, “Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi.” Bảy mươi tuần lễ liên hệ đến “dân ngươi,” tức là dân Do Thái. Bảy mươi tuần lễ bằng 490 ngày, hay theo ngày tiên tri, 490 năm. Trong khoảng thời gian này, người Do Thái có cơ hội chót để hoàn thành những điều Đức Chúa Trời giao cho họ. Nếu họ thất bại, Ngài phải dùng cách khác để đạt đến mục tiêu của Ngài. Lấy 2300 ngày trừ đi 490 ngày thì chúng ta còn 1810 ngày, là khoảng thời gian cần để dẫn đến một biến cố gọi là “làm sạch đền thánh” hay là thời kỳ phán xét.

Chìa khóa để mở toàn thể thời kỳ tiên tri này nằm trong Đa-ni-ên 9:25, “Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lịnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần lễ, và sáu mươi hai tuần lễ.” Khi Đa-ni-ên nhận được lời tiên tri này thì dân Do Thái vẫn còn làm phu tù tại Ba-by-lôn. Thành Giê-ru-sa-lem đã bị tàn phá. Thiên sứ cho Đa-ni-ên biết thời kỳ tiên tri này sẽ bắt đầu khi dân Do Thái được chiếu chỉ cho phép trở về tu bổ lại thành Giê-ru-sa-lem. Chúng ta có ngày chính xác cho biến cố đó. Vua Ạt-ta-xét-xe của Đế quốc Ba Tư, đã ra chiếu chỉ cho phép xây lại Giê-ru-sa-lem đúng vào năm 457 T.C. Như vậy, chúng ta có điểm khởi đầu. Thời kỳ bảy mươi tuần lễ hay 490 năm bắt đầu năm 457 T.C., và thời kỳ 2300 năm cũng khởi đầu năm 457 T.C.

Trong những lời tiên tri này, Đa-ni-ên đã nói trước về những điều sau: (1) năm Đấng Christ chịu phép báp-têm, (2) năm Ngài bị giết, và (3) năm mà Phúc Âm bị người Do Thái chối bỏ, và bắt đầu được rao giảng cho người ngoại. Lời tiên tri nói rằng từ khi có chiếu chỉ tu bổ thành Giê-ru-sa-lem cho đến Đấng Chịu Xức Dầu (Đấng Mê-si) là 62+7 tuần lễ, tức là 69 tuần lễ hay 483 năm. Công 483 năm với 457 T.C., chúng ta tới năm 26 S.C. Nhưng không có năm số không (zero) trong lịch sử, nên chúng ta phải cộng thêm một năm nữa, vì thế chúng ta tới năm 27 S.C. Đúng trong năm đó, Đức Chúa Giê-su chịu phép báp-têm và khởi sự chức vụ giảng đạo, “thời kỳ đã trọn.”

Chức vụ Chúa trên thế gian kéo dài đúng ba năm rưỡi, cho tới năm 31 S.C. Lúc ấy, Đa-ni-ên 9:26, 27 dự ngôn, “Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi [bị giết]. . . và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi.” Như vậy, giữa tuần lễ thứ 70, việc dâng con sinh tế đã bị bãi bỏ. Khi Đấng Christ chết, bức màn trong đền thờ bị xé làm hai không bởi tay người (Ma-thi-ơ 27:51). Ba năm rưỡi sau khi Chúa bị đóng đinh, tức là năm 34 S.C., môn đồ Ê-tiên là Cơ Đốc nhân đầu tiên tử vì đạo, bị người Do Thái ném đá chết. Như thế, bảy mươi tuần lễ của 2300 ngày đã được làm trọn. Vậy những năm còn lại của lời tiên tri đó thì sao? Sau 70 tuần lễ hay 490 năm từ khởi điểm 457 T.C., chúng ta còn 1810 năm. Cộng 1810 năm với 34 S.C., thì chúng ta tới năm 1844. Kinh Thánh dự ngôn rằng khi đền thánh được làm sạch thì giờ phán xét sẽ bắt đầu ở trên trời, tức là trong đền thánh trên trời. Khi bị phán xét, chúng ta cảm thấy mình thật vô hy vọng. Nhưng I Giăng 2:1 nói rằng, “Ta viết cho các con những điều này, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su Christ, tức là Đấng công bình.” Trong ngày phán xét, chúng ta sẽ có Đấng biện hộ cho chúng ta, là Đức Chúa Giê-su. Ngài không hề thua cuộc bao giờ. Lời biện hộ vĩ đại của Ngài là Ngài đã chết trên núi Sọ vì tội lỗi chúng ta, và thập tự giá là bằng chứng. Và lần nào Ngài cũng thắng.

TRẮC NGHIỆM – 9

1. Giữa những hiện thấy của bốn con thú, Đa-ni-ên có sự hiện thấy về cảnh phán xét bắt đầu ở _______ ________ khi quyền lực của cái sừng nhỏ vẫn còn hoành hành dưới đất.
(Hãy xem Đa-ni-ên 7:8-11.)

2. o Đúng o Sai
Đa-ni-ên có sự hiện thấy nói trước về việc Đấng Chịu Xức Dầu sẽ bị giết.
(Hãy xem Đa-ni-ên 9:26; Ê-sai 53:8.)

3. Khi giải nghĩa những thời kỳ tiên tri, chúng ta phải theo nguyên tắc giải nghĩa của Kinh Thánh, để thấy rằng một ________ tiên tri là một ________ .
(Hãy xem Ê-xê-chi-ên 4:6.)

4. Khởi điểm của thời kỳ tiên tri này được tính từ khi chiếu chỉ của vua cho phép tu bổ ________ ____________ , lúc ấy đang bị điêu tàn.
(Hãy xem Đa-ni-ên 9:25; Ê-xơ-ra 7:12-27.)

5. Phần đầu của ____________ _____________ tuần lễ (490 ngày/năm) đã định cất khỏi 2300 ngày, đặc biệt cho _________ ngươi.

6. o Đúng o Sai
Ba năm rưỡi sau sự chết của Đấng Christ, năm 34 S.C., Ê-tiên bị ném đá chết, đánh dấu sự chấm dứt “thời kỳ 70 tuần lễ.” Thời gian 490 năm ân điển dành cho dân Do Thái đã mãn và tin lành bắt đầu được rao giảng cho người ngoại.
(Hãy xem Công vụ Các Sứ đồ 7:59-60; 13:45-46; Ma-thi-ơ 21:43.)

7. Khi Đức Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, Ngài đã thiết lập một giao ước mới trên huyết Ngài. Vì thế “đến __________ tuần ấy, người đã khiến của lễ và của lễ chay ___________ _________.
(Hãy xem Đa-ni-ên 9:27; Ma-thi-ơ 27:51.)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *