Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Nhận Diện Cái Sừng Nhỏ (Bài 9 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Nhận Diện Cái Sừng Nhỏ (Bài 9 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Bài 9: Nhận Diện Cái Sừng Nhỏ

Tuần này, chúng ta tiếp tục nghiên cứu Đa-ni-ên đoạn 7. Trong bài trước, Đa-ni-ên đã miêu tả bốn con thú ông thấy trong chiêm bao. Tiên tri kể sơ lược về ba con thú đầu là sư tử, gấu, và beo (Đa-ni-ên 7:2-6), nhưng đến con thú thứ tư, thì người miêu tả tỉ mỉ hơn, và lặp lại tới ba lần, mỗi lần thêm một vài chi tiết (Đa-ni-ên 7:7, 19, 23). Con thú thứ tư có mười sừng, tương tự như pho tượng trong Đani-ên 2 có mười ngón chân. Nhưng có điều đặc biệt là giữa mười sừng mọc lên một cái sừng nhỏ.

Đa-ni-ên đoạn 7 và 8 miêu tả tỉ mỉ công việc của cái sừng nhỏ, nó dấy lên như một trong những đối thủ chính trong cuộc thiện ác đấu tranh. Sa-tan, qua cái sừng nhỏ, đã pha trộn lẽ thật với sự sai lầm, ngoại giáo với Cơ Đốc giáo. Nó cũng biết nếu dân sự Đức Chúa Trời có mối liên hệ mật thiết với Ngài và được củng cố bằng lẽ thật của Kinh Thánh, thì họ sẽ không bị đánh bại bởi những sự tấn công của nó. Trong bài học này, chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết về những đặc điểm của cái sừng nhỏ để biết nó là ai.

NHẬN DIỆN CÁI SỪNG NHỎ

1. Đa-ni-ên đã miêu tả con thú thứ tư thế nào? (Đa-ni-ên 7:19).

a. Là một con thú hiền lành như con chiên
b. Giống như con rồng
c. Rất dữ tợn, khác hẳn những con khác

Con thú thứ tư dữ tợn, rất mạnh, kỳ dị, khác với ba con thú trước. Đặc biệt là Đa-ni-ên thấy trên đầu nó có mười sừng, và một cái sừng nhỏ khác ở giữa những sừng ấy mọc lên (câu 8).

Đa-ni-ên miêu tả mười đặc điểm giúp chúng ta nhận diện cái sừng nhỏ:

(1) Nó mọc lên từ “con thú thứ tư” (câu 8, 20).

(2) Nó mọc lên sau “mười cái sừng” (câu 8, 20, 24).

(3) Nó nhổ “ba cái sừng kia” (câu 8, 20, 24).

(4) Nó có “mắt in như mắt người” (câu 8, 20).

(5) “Nói những lời xấc xược” phạm đến Chúa (c. 8, 20, 25).

(6) “Hình dạng nó mạnh bạo hơn những sừng khác” (câu 20).

(7) Nó “khác với các vua trước” (câu 24).

(8) Nó tranh chiến cùng các thánh và thắng trận” (câu 21).

(9) Nó “định ý đổi những thời kỳ và luật pháp” (câu 25).

(10) “Các thánh bị phó trong tay người cho đến một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ” (câu 25).

Sự miêu tả cái sừng nhỏ được lặp lại ba lần, và mỗi lần một vài chi tiết được thêm vào (câu 8, 20, 24, 25). Sau khi đọc mười đặc điểm kể trên, bạn có thể nhận diện cái sừng nhỏ là ai không? Chỉ có một quyền thế duy nhất hội đủ mười đặc điểm đó. Một quyền thế kết hợp tôn giáo với chính trị, dấy lên từ đế quốc La Mã sau khi La Mã bị phân chia ra mười nước.

BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ VỀ CÁI SỪNG NHỎ

Sau đây chúng ta sẽ nghiên cứu những bằng chứng trong lịch sử về cái sừng nhỏ để thấy những lời dự ngôn trong Đa-ni-ên 7 đã được ứng nghiệm thế nào.

2. Đặc điểm thứ nhất (Đa-ni-ên 7:8, 20, 24).

a. Nó mọc lên từ con gấu
b. Nó mọc lên từ con thú thứ tư
c. Nó mọc lên từ biển

Chúng ta đã thấy Đa-ni-ên 7:7 miêu tả “con thú thứ tư dữ tợn, rất mạnh và có sức lắm . . . và có mười sừng.” Trong lịch sử thế giới, đế quốc nào đã phân chia ra làm mười nước trong thời gian từ năm 351 S.C. tới năm 476 S.C.? Chỉ có một đế quốc duy nhất, đó là La Mã.

3. Đặc điểm thứ hai (Đa-ni-ên 7:8, 20, 24).

a. Nó mọc lên giữa 3 sừng
b. Nó mọc lên giữa 10 sừng
c.Nó mọc lên giữa những cái sừng

Quyền lực này dấy lên từ đâu? Không phải ở Á châu, Phi châu, hoặc Nam Mỹ, nhưng ở giữa mười cái sừng, có nghĩa là giữa đế quốc La Mã, giữa thành La Mã. Quyền lực ấy dấy lên khi nào? Đa-ni-ên 7:24 cho biết nó xuất hiện giữa mười cái sừng nghĩa là giữa mười nước ra từ đế quốc La Mã sau khi La Mã suy yếu và bị phân chia ra làm mười nước.

4. Đặc điểm thứ ba (Đa-ni-ên 7:8, 20).

a. Nó bị nhổ đi bởi 3 cái sừng kia
b. Nó nhổ đi cái sừng trước nó
c. Nó nhổ tận gốc 3 cái sừng kia

Đế quốc La Mã bị phân chia ra làm mười nước ở Âu châu như chúng ta đã học trong đoạn 2. Mười nước này là: Anh (Anglo Saxon), Pháp (Franks), Đức (Alemanni), Ý Đại Lợi (Lombards), Tây Ban Nha (Visigoths), Thụy Sĩ (Burgundians), Bồ Đào Nha (Suevi), Ostragoths, Heruli, và Vandals.

Ba nước sau cùng bị cái sừng nhỏ tiêu diệt vì không muốn trở nên “Cơ Đốc nhân.” Họ chống đối và tranh chiến cùng giáo hoàng. Đạo binh của các vua La Mã theo Công giáo đã giúp giáo hoàng đánh đuổi và tiêu diệt họ. Vua Zeno tiêu diệt người Heruli năm 493 S.C., vua Justinian tiêu diệt người Vandals năm 534 S.C. Người Ostrogoths bị đánh đuổi ra khỏi La Mã và bị tiêu diệt năm 538 S.C. Năm 538 S.C. khởi đầu cho sự thống trị của quyền thế cái sừng nhỏ, khi giáo hoàng chiếm hữu thành La Mã, và vua Justinian ra chiếu chỉ tuyên bố giáo hoàng là đầu của các giáo hội. Từ đó giáo hoàng có quyền tối cao ở La Mã, và không gì ngăn cản sự phát triển quyền thế chính trị của người ở Ý Đại Lợi.

5. Đặc điểm thứ tư (Đa-ni-ên 7:8).

a. Nó có những mắt y như mắt người
b. Nó có những mắt y như mắt sư tử
c. Nó có mười con mắt

Cái sừng đó có “những mắt y như mắt người.” I Sa-mu-ên 9:9 nói rằng tiên tri được gọi là “tiên kiến” vì người nhìn sự việc với sự khôn ngoan và thấy trước của Đức Chúa Trời. Nhưng cái sừng nhỏ không có mắt của Đức Chúa Trời, mà là mắt của con người. Quyền lực đó không dựa vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời mà dựa vào sự khôn ngoan của loài người.

6. Đặc điểm thứ năm (Đa-ni-ên 7:8, 20).

a. Miệng nói tiên tri
b. Miệng nói những lời xấc xược
c. Miệng luôn ca ngợi Đức Chúa Trời

Đa-ni-ên 7:8, 11, 20 nhấn mạnh rằng cái sừng nhỏ có “miệng nói những lời xấc xược . . .” Đa-ni-ên 7:25 cho biết “vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao.” Đức Chúa Trời nói rõ ràng quyền lực đó “khác biệt” với các quyền lực chính trị tại Âu châu vì đó là một quyền lực tôn giáo. Nó sẽ lớn tiếng khoe khoang, kiêu ngạo, đưa ra nhiều đòi hỏi, và đặt ra nhiều luật lệ. Năm 1854, giáo hoàng tuyên bố trinh nữ Ma-ri không hề mắc tội tổ tông. Năm 1870, giáo hoàng tuyên bố sự vô ngộ của mình (không thể lầm lạc). Và đây là bậc thang cao nhất của sự tiến hóa giáo hoàng.

Kinh Thánh Tân Ước cũng nói về quyền lực này trong II Tê- sa-lô-ni-ca, “Có người tội ác, tức là kẻ đối địch . . . ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời”( II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4).

Chính giáo hoàng đã tự xưng mình là Đức Chúa Trời trên đất, ứng nghiệm lời tiên tri “Vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao” (Đa-ni-ên 7:25).

“Đức Giáo Hoàng là một vị rất cao trọng, tôn vinh, không chỉ là một người phàm, nhưng như là Đức Chúa Trời, và là người thay mặt Ngài . . . Đức Giáo Hoàng giống như là Đức Chúa Trời trên đất.”—Lucius Ferraris, “Papa II”, Prompta Bibliotheca (Handy Library), quyển 6, tr. 26-29. “Chúng ta (các giáo hoàng) giữ địa vị của Đức Chúa Trời Toàn Năng trên thế gian này.”— 5 Giáo Hoàng Leo XIII, Những Thư Tín Chỉ Dụ của Đức Giáo Hoàng Leo XIII, tr. 304.

7. Đặc điểm thứ sáu (Đa-ni-ên 7:20).

a. Nó mạnh bạo hơn những sừng khác
b. Nó yếu hơn những cái sừng khác
c.Nó có hình dạng không bình thường

Cái sừng này lúc đầu thì nhỏ, nhưng nó lớn lên từ từ, và trở nên mạnh hơn các sừng khác. “Sau khi tiêu diệt ba sừng kia, thì giám mục La Mã trở nên một nhân vật quan trọng nhất ở Tây phương, và được tuyên bố là đầu của các hội thánh. Như thế Đế quốc La Mã được thay thế bằng Giáo hội La Mã, và Ngoại giáo La Mã được kế nghiệp bởi Giáo hoàng La Mã. Trải qua các thế kỷ, quyền thế giáo hoàng, cả về tôn giáo và chính trị, cứ tiếp tục tăng lên. Năm 1076, giáo hoàng Gregory VII truyền cho công dân Đức không phải phục tùng Henry IV, nếu vua không ăn năn tội mình, và tội của vua là phủ nhận quyền thế giáo hoàng. Vào thời đó, Henry là vị vua quyền thế nhất ở Âu châu; nhưng vì muốn làm hòa với La Mã, vua đã phải tới Canossa trong dãy núi Alps, là cung điện của giáo hoàng. Vua đã phải đợi ba ngày trong đau khổ, để đầu trần, đi chân không trên tuyết lạnh, cho tới khi được giáo hoàng tha thứ.”—Phỏng trích Marvyn Maxwell, The Message of Daniel, God Cares, quyển 1, tr. 131.

8. Đặc điểm thứ bảy (Đa-ni-ên 7:24).

a. Nó giống với các vua trước
b. Nó bởi các vua trước hợp thành
c. Nó khác với các vua trước

Đa-ni-ên 7:24 nói cái sừng nhỏ có tính cách “khác biệt” hay “khác với các sừng kia.” Mười sừng tiêu biểu cho mười quốc gia đều có tính cách chính trị. Cái sừng nhỏ này “khác biệt” vì nó là một quyền lực tôn giáo (hay là một sự hòa hợp chính trị và tôn giáo), nó chống nghịch cùng Chúa và dân sự Ngài.

9. Đặc điểm thứ tám (Đa-ni-ên 7:21).

a. Nó tranh chiến cùng các thánh và thắng trận
b. Nó tranh chiến cùng các thánh và thua trận
c. Nó an ủi các thánh bị bắt bớ 6

Bắt bớ! Người ta ước lượng số Cơ Đốc nhân bị giáo hội bắt bớ trong Thời kỳ Hắc Ám khoảng 30 triệu người. Trong thời Tòa án Công giáo, Cơ Đốc nhân bị bắt bớ, tra tấn và thiêu sống. Nhiều gia đình, cộng đồng bị giết hết chỉ vì tội “theo dị giáo” —họ dám tin những điều khác với những gì giáo hội dạy.

Thật đáng lo ngại là câu này trong sách giáo khoa Công giáo, “Giáo hội được đặc quyền thiên thượng để tịch biên tài sản của những người theo dị giáo, có quyền cầm tù hoặc đốt chúng trong lửa . . . . Giáo hội có quyền ra hình phạt nặng nhất, kể cả tử hình . . . . Không tội nào nặng hơn tội theo dị giáo . . . vì vậy chúng phải bị nhổ tận gốc.”—Public Ecclesiastical Law (Luật Giáo Hội Cho Công Chúng), quyển 2, tr. 42. Hội Công giáo La Mã đã đổ nhiều máu vô tội hơn bất cứ tổ chức nào trong lịch sử nhân loại. Chính Giáo hội thú nhận đã làm những cuộc bắt bớ ấy. Báo Công giáo, Western Watchman, ngày 28 tháng 12, 1908, nhìn nhận, “Giáo hội đã bắt bớ.” Ngày 12 tháng 3, 2000, tại nhà thờ St. Peter ở La Mã, giáo hoàng đã công nhận về những lỗi lầm của giáo hội trong quá khứ, như dùng bạo lực để bắt bớ và đàn áp tôn giáo.

10. Đặc điểm thứ chín (Đa-ni-ên 7:25).

a. Nó đổi luật lệ của nhân loại
b. Nó đổi thứ tự ngày tháng trên lịch
c. Nó định ý đổi những thời kỳ và luật pháp

Đây là một trong những việc lạ lùng nhất về quyền lực này. Một người muốn thay đổi luật pháp Chúa là hiến pháp cho cả vũ trụ tức là tự đem mình lên bằng Đức Chúa Trời. Vào khoảng năm 1400, Petrus de Ancharano tuyên bố rằng “Giáo hoàng có thể thay đổi luật pháp Đức Chúa Trời, vì người có quyền lực không phải của con người, mà là của Đức Chúa Trời, và ngài thay thế Đức Chúa Trời trên đất, với toàn quyền để cầm buộc hay tha thứ con chiên mình.”—Lucius Ferraris, “Papa II,” Prompta Bibliotheca, bộ 8 (Venice: Caspa Storti, 1772).

11. Đặc điểm thứ mười (Đa-ni-ên 7:25).

a. Nó bắt bớ các thánh trong nhiều ky
b. Nó bắt bớ các thánh trong một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ
c. Nó giảng đạo trong một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ

Đây là thời gian cái sừng nhỏ được thịnh hành và được phép bắt bớ các thánh của Đức Chúa Trời. Tính theo lịch Do Thái thì 7 chúng ta được biết:

Một kỳ = một năm = 12 tháng = 360 ngày

Những kỳ = hai năm = 24 tháng = 720 ngày

Nửa kỳ = nửa năm = 6 tháng = 180 ngày

Tổng cộng: 42 tháng = 1260 ngày

Theo thời kỳ tiên tri, một ngày tương đương với một năm (Ê- xê-chi-ên 4:6), thì 1260 ngày tương đương với 1260 năm. Trong thời kỳ đó, các thánh và luật pháp của Đức Chúa Trời bị phó cho quyền lực cái sừng nhỏ. Các thánh bị bắt bớ, luật pháp bị sửa đổi, và lẽ thật bị giả mạo hay chà đạp dưới chân, còn sự sai lầm và lời truyền khẩu được đề cao.

Hoàng đế Justinian đã cho cái sừng nhỏ nước La Mã khi vua ra chiếu chỉ rằng giám mục La Mã được quyền cai trị tất cả hội thánh trên đất, và thiết lập quyền thế này năm 538 S.C., khi tướng Belisarius của hoàng đế đánh đuổi dân Ostrogoths ra khỏi La Mã.

Từ năm 538 S.C., quyền thế này cai trị tới năm 1798, đúng 1260 năm, khi một việc không thể tin được xảy ra. Nã-phá- luân muốn thống trị thế giới, nhưng giáo hoàng đã chặn đứng tham vọng này, nên năm 1798, đội binh Pháp đến đóng trong điện Vatican. Giáo hoàng Pius VI bị lột hết quyền thế. Tướng Berthier của Nã-phá-luân đã bắt giáo hoàng bỏ tù và ông chết trong lưu đày.

Kết luận: Sau khi đã nghiên cứu các sự kiện lịch sử, bạn thấy có quyền lực nào đã hội đủ mười đặc điểm của cái sừng nhỏ chăng? Phần đông dân chúng nghĩ rằng đó là quyền thế giáo hoàng. Thật đúng như vậy! Khi nghiên cứu sách Đa-ni-ên, chúng ta cần lưu ý ba điều:

  1. Một cuộc đấu tranh vĩ đại đang diễn tiến giữa Đấng Christ và Sa-tan. Sách Đa-ni-ên đã tỏ cho chúng ta thấy sự dấy lên và sụp đổ của các đế quốc không phải tự nhiên xảy ra, mà Đức Chúa Trời điều khiển những biến cố này. Sự tranh chấp sau cùng trên trái đất sẽ tương tự như sự tranh chấp đã xảy ra cho Đa-ni-ên và ba người bạn ở Ba-by-lôn thời xưa. Đó sẽ là sự tranh chấp về vấn đề thờ phượng.
  2. Sách Đa-ni-ên đã nói trước một sự bội đạo lớn, từ bỏ lẽ thật của Đức Chúa Trời. Tiên tri Đa-ni-ên đã dự ngôn là cái sừng nhỏ sẽ đưa hội thánh đến việc phối hợp lẽ thật với sự sai lầm, ngoại giáo với Cơ Đốc giáo. Lời tiên tri này đã được chứng minh là chính xác (Đa-ni-ên 7; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-7). 8 Printed in U.S.A. Copyright © 2008 by Tiếng Nói Hy Vọng. All Rights Reserved.
  3. Đa-ni-ên cũng cho thấy dân sự Chúa có thể chống lại sự bội đạo và sẽ chiến thắng, vì họ có một mối tương giao chặt chẽ với Đức Chúa Giê-su. Đa-ni-ên 6 nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc Cơ Đốc nhân dành thì giờ nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện. Chúng ta phải học lời Chúa và phải có sự thông công sâu xa với Đấng Cơ Đốc, nếu không chúng ta sẽ không đứng vững được trong những thử thách cuối cùng.

NIỀM HY VỌNG CỦA CÁC THÁNH

Đa-ni-ên 7 miêu tả những con thú dữ và sự lộng hành của cái sừng nhỏ. Tuy viễn ảnh đen tối, nhưng Chúa nhắc nhở chúng ta rằng Ngài rất quan tâm đến dân sự Ngài và những sự đau khổ mà dân Ngài phải chịu. Không phải một mà tới ba lần trong đoạn này, Chúa dạy rằng cái sừng nhỏ sẽ bị tiêu diệt, Đấng Christ sẽ nhận quyền thế, vinh hiển và nước đời đời, và các thánh sẽ được nước.

12. Niềm hy vọng của các thánh là gì? (Đa-ni-ên 7:18, 22, 27).

a. Các thánh sẽ nhận lấy nước làm của mình đời đời
b. Các thánh sẽ chiến thắng cái sừng nhỏ
c. Các thánh sẽ được ban cho nước khác

TÓM LƯỢC

1) Tinh thần kiêu ngạo, tự tôn, chống nghịch và muốn lên bằng Đức Chúa Trời được thể hiện qua cái sừng nhỏ tiêu biểu cho giáo hoàng La Mã.

2) Sự bội đạo đã xảy ra một cách từ từ, qua nhiều thế kỷ. Khi một nguyên tắc nhỏ bị từ bỏ, thì người ta dễ dàng hy sinh một nguyên tắc nữa. Và cứ thế tiếp tục, cho đến khi sự bội đạo càng ngày càng trầm trọng.

3) Cuối cùng kẻ ác sẽ bị tiêu diệt, Đấng Christ sẽ chiến thắng và các thánh cũng sẽ chiến thắng với Ngài.

QUYẾT ĐỊNH

o Tôi quyết định học lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày để đức tin tôi được lớn mạnh và vâng lời Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên

Kiểm Tra 9

1 ) Xin kể mười đặc điểm của cái sừng nhỏ:

– Nó mọc lên từ con thú _______ _______ .
– Nó mọc lên giữa __________ sừng kia.
– Nó nhổ tận gốc __________ cái sừng kia.
– Nó có mắt in như mắt __________ .
– Nó nói những lời ________ _________ .
– Hình dạng nó _____ ______ hơn những sừng khác.
– Nó ________ với các vua trước.
– Nó tranh chiến cùng các _________ _________ .
– Nó định ý đổi những _______ _____ và ______ _______
– Nó cai trị ________ kỳ, ________ kỳ, và ________ kỳ.

2) Theo ý bạn, quyền lực nào hội đủ mười đặc điểm trên?

_______________________________________________

3) Niềm hy vọng của các thánh là gì?

_______________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 09 – Nhan Dien Cai Sung Nho

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 09 – Danien

 

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *