Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Những Lời Tiên Tri Lạ Lùng Nhất (Chương 7 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Những Lời Tiên Tri Lạ Lùng Nhất (Chương 7 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Chương 7: Những Lời Tiên Tri Lạ Lùng Nhất

Như một người nhảy dù bất tỉnh đang rớt xuống đất ngoài tầm kiểm soát, chúng ta cũng đang đâm đầu vào bức tường của thời kỳ cuối cùng, chạy hết tốc lực để lao thẳng vào những biến cố sau rốt trên trái đất này. Những dấu hiệu tiên tri đã bày tỏ rằng lịch sử đang tiến tới mức tột đỉnh. Chúng ta đang đâm đầu tới đường cùng mà nhiều người không có đeo dù. Hơn nữa, người ta không ý thức rằng chân trời cũng đang dâng lên để gặp họ.

Nhưng dù thì giờ đã trễ, Đức Chúa Trời đã có cách giúp chúng ta kéo kịp cái khóa mở dù. Sự giải cứu của Đức Chúa Trời đã được miêu tả trong Khải huyền, cuốn sách chót của Kinh Thánh. Sứ đồ Giăng đã thấy việc sẽ xảy ra trong thời kỳ sau cùng, “Tôi thấy một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải huyền 14:6).

Thật là một cảnh cảm động! Đức Chúa Trời đang cố gắng giải cứu tất cả mọi người trên trái đất! Đây là một trong ba vị thiên sứ Giăng đã thấy đang lớn tiếng rao truyền khắp thế gian. Đó là sứ điệp cuối cùng của Đức Chúa Trời. Ngài đã kêu lớn để chúng ta nghe vài giây đồng hồ trước khi đụng đầu. Chúa luôn luôn gửi sứ điệp để cảnh cáo dân sự Ngài về những việc sẽ xảy ra liên quan đến hằng triệu người. Trước khi có cơn Đại hồng thủy, Chúa đã truyền cho Nô-ê đóng tàu và kêu gọi dân chúng vào tàu để tránh bão lụt. Trước khi có nạn đói kém trong xứ Ê-díp-tô, Chúa đã gởi Giô-sép tới để thâu trữ đồ ăn chống nạn đói kém. Đức Chúa Trời muốn chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng cho những việc sẽ xảy ra. A-mốt 3:7 nói như sau, “Cũng vậy, Chúa Giê-hô-va chẳng có làm việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.” Lời tiên tri khải thị những việc sẽ xảy ra, và lời tiên tri trong Khải huyền bày tỏ những gì sẽ xảy ra, đặc biệt trong thời kỳ cuối cùng. Sách Khải huyền rao truyền rằng một biến cố lớn sắp xảy ra. Biến cố đó là gì? Xin bạn hãy đọc kỹ Khải huyền 14:13, thì bạn sẽ thấy thiên sứ thứ ba chấm dứt sứ điệp mình. Và câu 14 miêu tả việc xảy ra kế đó: Con người trở lại, đầu đội mão triều thiên vàng, tay cầm lưỡi liềm bén. Đây là ngày Chúa Tái Lâm, khi lịch sử nhân loại đạt tới mức tột đỉnh và vận mạng mọi người đã được định rồi. Như vậy, những sứ điệp trước thời kỳ này rất quan trọng. Đó là lời cảnh cáo sau chót của Đức Chúa Trời, dạy chúng ta cách mở dù khi thời kỳ cuối cùng đang tiến tới mau chóng!

Một lần nữa, xin bạn đọc sứ điệp của thiên sứ, “Tôi thấy một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải huyền 14:6). Sứ điệp này truyền cho ai? Có phải chỉ dành cho dân Gia Nã Đại hay cho những người nói tiếng Tây Ban Nha, hoặc cho dân chúng tại các đô thị lớn chăng? Không đâu, sứ điệp đó được truyền đến cho tất cả mọi người trên trái đất này.

Vị thiên sứ này rao truyền “tin lành đời đời,” nghĩa là tin lành không bao giờ thay đổi. Tin lành đã cứu sứ đồ Phao-lô cũng là tin lành sẽ cứu người sau cùng trên thế gian. Chỉ có một cái dù duy nhất đã được dự bị để cứu nhân loại tội lỗi. Đó là tình yêu thương và sự cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su. Tin lành đời đời trả lời câu hỏi quan trọng nhất: tôi phải làm gì để được cứu? Chúng ta là kẻ có tội, vì bản tính mình là tội lỗi, và vì việc làm mình là xấu xa. Nhưng chúng ta không thấy được vấn đề này, nếu chúng ta cứ cho rằng, “Tôi không sao, mọi việc vẫn bình thường. Tôi cũng chẳng đến nỗi gì, so với những người khác.” Nếu chúng ta không hiểu được mình đã mất ân điển của Chúa, thì chúng ta sẽ không thấy được ngày phán xét cuối cùng đang tới rất mau. Chúng ta sẽ không kịp mở dù. Như vậy thì tin lành đời đời—cái dù cần thiết đó—sẽ không cứu được chúng ta!

Trong Khải huyền 14:7, vị thiên sứ tiếp tục nói, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước.” Sứ điệp này gồm có bốn phần:

Thứ nhất, “Kính sợ Đức Chúa Trời.” Kính sợ có nghĩa là chiêm ngưỡng, tôn bái và kính nể. Khi mình kính nể ai thì mình muốn làm vừa lòng và nghe lời người đó. Sự kính sợ, tôn trọng và phục tùng Đức Chúa Trời đều liên hệ với nhau. Truyền đạo 12:13 nói, “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết này: khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.”

Sứ điệp cuối cùng của Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta vâng lời Ngài trong khi hằng triệu người cảm thấy chỉ chịu trách nhiệm về sự phán đoán của “riêng mình” mà thôi. Những người này cho rằng “Tôi có thể làm mọi điều tôi muốn; tôi chỉ chịu trách nhiệm cho chính bản thân tôi; ngoài trí óc tôi ra, không có một tiêu chuẩn nào khác về trúng hay trật.” Nhưng sách Khải huyền đã truyền dạy cách khẩn cấp, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời,” hãy vâng lời Ngài. một tiêu chuẩn ngoài trí óc của bạn. Đức Chúa Trời ban một sứ điệp khẩn cấp, đầy tình thương và lẽ thật, để kêu gọi chúng ta mau trở lại vâng lời Ngài.

Thứ hai, Khải huyền 14:7 nói rằng, “Hãy tôn vinh Ngài.” Tôn vinh nghĩa là trong bất cứ những gì ta làm đều tôn trọng danh Đức Chúa Trời. Tôn vinh là một chữ chỉ được dùng để miêu tả sự tôn thờ cao quý nhất. Tôn vinh Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta hiến dâng trọn đời ta cho Ngài. I Cô-rinh-tô 10:31 nói rằng, “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” I Cô-rinh-tô 6:20 thêm rằng, “Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.” Hãy tôn vinh Chúa trong mọi hành động của mình. Chúng ta sẽ không làm sáng danh Chúa khi dùng các chất độc có hại cho cơ thể chúng ta, hay để các chất ô uế đầu độc trí óc chúng ta. Bạn tôn vinh Chúa khi hứa nguyện, “Chúa ôi, thân thể, trí óc và tâm hồn con đều thuộc về Ngài.”

Thứ ba, Khải huyền 14:7 nói rằng, “Hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước.” Tại sao chúng ta kính sợ, tôn vinh và thờ phượng Đức Chúa Trời? Lý do chính đáng như Kinh Thánh đã dạy, Ngài là Đấng Tạo Hóa. Chúng ta thờ phượng Ngài là chính đáng, vì Ngài đã tạo ra chúng ta. Khải huyền 4:11 cho biết, “Chúa đáng được vinh hiển, tôn quý và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.” Trong thời mà khoa học cho là phải hằng triệu năm chúng ta mới tiến hóa từ một sinh vật đơn giản như con a-mi-ba tới một sinh vật phức tạp như con người, thì Đức Chúa Trời kêu gọi ta trở lại thờ phượng Ngài là Đấng Tạo Hóa, trở lại tôn vinh Ngài là Đấng dựng nên muôn vật.

Trận chiến cuối cùng trong thế gian sẽ tập trung vào vấn đề thờ phượng. Trong khi Khải huyền 14:7 kêu gọi ta thờ phượng Đấng Tạo Hóa, thì Khải huyền 14:9 dạy ta đừng thờ lạy con thú. Hai đối tượng để thờ phượng: Đấng Tạo Hóa hay con thú, sẽ dẫn đến một cuộc đấu tranh vĩ đại giữa thiện và ác. Sự đàn áp kinh tế, sự bắt buộc chịu dấu con thú, số bí ẩn 666, tất cả đều liên quan đến cuộc chiến cuối cùng vì vấn đề thờ phượng. Trong những chương tới đây, chúng ta sẽ giải nghĩa sự quan trọng về việc thờ phượng Đấng Tạo Hóa và làm sao để tránh không chịu dấu con thú.

Thứ tư, Khải huyền 14:7 nói rằng, “Giờ phán xét của Ngài đã đến.” Câu này có hai nghĩa: điều chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ tiến hành việc phán xét và chấm dứt tội lỗi, nhưng nghĩa thứ hai là chính Đức Chúa Trời cũng bị phán xét nữa. Bạn có nhớ rằng ngay từ lúc ban đầu, một thiên sứ đã nổi dậy chống lại Đức Chúa Trời và đã thách thức về bản tinh của Ngài. Lu-xi-phe cho rằng Đức Chúa Trời không công bình và thiên vị. Nó đã buộc tội Chúa trước cả vũ trụ. Giờ đây Ngài muốn làm sáng tỏ danh Ngài và bào chữa cho những hành động của Ngài. Vũ trụ đã thấy rõ kết quả các công việc gian ác của Sa-tan, và cũng đã thấy Đức Chúa Trời đã làm gì để cứu chúng ta. Sự phán xét cho thấy Đức Chúa Trời rất công bằng với mỗi người chúng ta. Bản tinh Ngài đã được sáng tỏ. Trong thời kỳ cuối cùng, cả vũ trụ sẽ vui mừng đồng thanh tôn vinh và ngợi khen, “Đức Chúa Trời Toàn Năng, những sự phán xét của Ngài đều chân thật và công bình” (Khải huyền 16:7).

Chúa Giê-su sẽ trở lại, không phải để hủy diệt kẻ phạm tội, mà để hủy diệt tội lỗi. Vì vậy, Ngài đã cho ta sứ điệp khẩn cấp về sự phán xét của Ngài, hầu Ngài có thể cứu chúng ta.

TRẮC NGHIỆM – 7

1. Phao-lô khẩn thiết nhắc nhở chúng ta, “Vậy, anh em hoặc ______ , hoặc _________ , hay là làm sự chi khác, hãy vì sự ________ ________ Đức Chúa Trời mà làm.”
(Hãy xem I Cô-rinh-tô 10:31.)

2. “Giờ _________ _______ của Ngài đã đến” có thể có hai nghĩa
(1) Đức Chúa Trời phán xét thế gian, và (2) sự phán xét về chính Ngài.
(Hãy xem Khải huyền 14:7.)

3. o Đúng o Sai
Vì Đức Chúa Giê-su tái lâm để đem phần thưởng, như vậy sự phán xét sẽ xảy ra trước khi Ngài đến để quyết định ai nhận được phần thưởng.
(Hãy xem Khải huyền 22:12.)

4. Kinh Thánh nói chúng ta phải tôn vinh Đức Chúa Trời “Vì chưng anh em đã được __________ bằng _______ ______ rồi.” Giá rất mắc là huyết báu của Đấng Christ, vậy chúng ta thuộc về Ngài bởi sự sáng tạo và cứu chuộc.
(Hãy xem I Cô-rinh-tô 6:20.)

5. Trong thời đại có khuynh hướng vô thần này, sứ điệp cuối cùng từ trời kêu gọi chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, chúng ta hãy “_____________ _____________ Đấng __________ ________ trời đất.”
(Hãy xem Khải huyền 14:7.)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *